Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
17005

Tại sao Việt Nam “cần phải đa Đảng?

Facebook Nguyễn Văn Đài lại vừa đăng tải Video “Tại sao Việt Nam cần phải đa Đảng?…” nhai lại những luận điệu cũ rích “Cần loại bỏ sự toàn trị của Đảng, cần thực hiện chế độ đa đảng, đa nguyên”, “một đảng lãnh đạo là không hề có dân chủ”,… hòng mưu toan xóa bỏ Điều 4 trong Hiến pháp và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

 

Chúng ta đều biết, dân chủ là phạm trù lịch sử, dân chủ chỉ xuất hiện khi có nhà nước và mỗi một nền dân chủ lại gắn với một kiểu nhà nước nhất định, được pháp luật quy định. Chế độ dân chủ tùy thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong giai đoạn lịch sử tương ứng. Trên thế giới, các quốc gia không tương đồng về trình độ phát triển kinh tế, chính trị, lịch sử, văn hóa…, do đó, không thể có một chế độ dân chủ giống nhau. Thực tế trên thế giới các nước có nhiều đảng chính trị khác nhau, như Anh có 97 đảng, Tây Ban Nha có 87 đảng, Pháp có 76 đảng,…Nhưng cũng có nhiều nước chỉ có một đảng chính trị, như Cu-ba, Lào, Ga-na, Việt Nam, Hai-i-ti, Môn-na-cô,… Tuy nhiên, số lượng các đảng chính trị không phản ánh mức độ dân chủ, tự do ở từng nước. Xin-ga-po có nhiều đảng, nhưng chỉ có Đảng Hành động Nhân dân (PAP) lãnh đạo cầm quyền. Trung Quốc, ngoài Đảng Cộng sản Trung Quốc, còn có 8 đảng phái khác và các đảng phái này đều thừa nhận Đảng Cộng sản Trung Quốc là đảng duy nhất lãnh đạo đất nước. Đặc biệt là trường hợp của Mỹ: có khoảng hơn 100 đảng, nhưng chỉ có hai đảng là Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ thay nhau cầm quyền. Thực chất, đây là hai đảng của giai cấp tư sản, có bản chất, lập trường giai cấp và hệ tư tưởng không khác nhau, ngoài một vài chính sách cụ thể.

Như vậy ta thấy, phần lớn các nước tư bản hiện nay, xét về thể chế chính trị, quyền lực chính trị vẫn chỉ là nhất nguyên (đảng của giai cấp tư sản nắm quyền lực). Thực tiễn cho thấy, dù nhiều quốc gia thực hiện đa đảng, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc quyền làm chủ của đa số nhân dân được bảo đảm. Thực chất của đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập chính là sự phân chia, tranh giành quyền lực giữa các lực lượng chính trị trong xã hội, là một hình thức của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh giữa các phe nhóm trong cùng giai cấp để giành và giữ chính quyền, kiểm soát xã hội. Hệ thống quyền lực đó chủ yếu thuộc về thiểu số người giàu, nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, nguồn tài chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu. Sự bình đẳng về quyền, nhưng không kèm theo sự bình đẳng về điều kiện để thực hiện các quyền đó đã dẫn đến dân chủ vẫn chỉ là hình thức, trống rỗng mà không thực chất. Vì vậy tại các nước tư bản phát triển, các cuộc bầu cử được gọi là “tự do”, “dân chủ”, dù có thể thay đổi chính phủ, nhưng không thể thay đổi được các thế lực thống trị; đằng sau hệ thống đa đảng trên thực tế vẫn là sự chuyên chế của các tập đoàn tư bản.

Ở Việt Nam từ sau năm 1945, bên cạnh Đảng Cộng sản Việt Nam còn có một số đảng phái khác cùng tồn tại. Ngay trong Quốc hội khóa I, năm 1946, đã có mặt của Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam Cách mạng đồng minh hội. Thời kỳ sau đó là sự có mặt của Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam. Trong bối cảnh đa đảng như thế, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn là sự lựa chọn duy nhất của nhân dân Việt Nam. Điều này cho thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ tự cho mình quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nếu như không được sự tin tưởng, lựa chọn của nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn tồn tại và phát triển vì lợi ích không chỉ của giai cấp công nhân, mà còn vì lợi ích của nhân dân lao động và của toàn dân tộc.

Ngày nay dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp cách mạng ở nước ta đã đem lại những quyền cơ bản nhất cho quốc gia, dân tộc và toàn thể nhân dân lao động. Dân tộc được độc lập, có quyền tự quyết trong việc lựa chọn con đường phát triển, có quyền bình đẳng với các dân tộc – quốc gia khác trên trường quốc tế…Những năm gần đây Việt Nam lần thứ hai được bầu là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc với số phiếu cao, và tiếp tục tái ứng cử làm thành viên Hội đồng này nhiệm kỳ 2026 – 2028. Đó là thể hiện sự khẳng định của cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực và thành tựu to lớn mà Việt Nam đạt được trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Ông Gérard Daviot, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp – Việt (AAFV) nhấn mạnh: “Việc Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc là rất chính đáng, bởi Việt Nam đã vạch ra mục tiêu cho cả chặng đường và hiện thực hóa điều đó thành công; cần phải nhìn nhận rằng, đó là một sự công nhận của toàn thế giới”.

Cùng với thành tựu về dân chủ, qua hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên hầu hết lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội. Trung tâm tư vấn CEBR (Anh) đánh giá, và dự báo quy mô kinh tế của Việt Nam có thể tăng nhanh trong tương lai; Việt Nam sẽ vươn lên vị trí 24 vào năm 2033, với quy mô kinh tế đạt 1.050 tỷ USD. Đến năm 2038, Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 21, với quy mô GDP dự kiến đạt 1.559 tỷ USD. Theo CEBR, với ưu thế dân số đông và trẻ hiện tại, Việt Nam có cơ hội vượt qua gần hết các nước trong ASEAN về kinh tế như Singapore, Thái Lan hay Malaysia, và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt quan tâm và luôn chú trọng đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa; nguy cơ một đảng dễ dẫn đến độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ là điều có thể và dễ xảy ra. Vì vậy Đại hội XIII của Đảng tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh như lời bày tỏ ấn tượng của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trước nỗ lực trong cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng ta và người đứng đầu Đảng – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tôi hoan nghênh nỗ lực chống tham nhũng và thúc đẩy quản trị tốt của ngài trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Giải quyết nạn tham nhũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình và an ninh trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới”. Hình ảnh Tổng thống Mỹ Barak Obama ăn bún chả Hà Nội, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull ăn bánh mì vỉa hè Đà Nẵng, Thủ tướng Canada Justin Trudeau uống cà phê vỉa hè Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thưởng thức trà giữa lòng Hà Nội… Hình ảnh các nhà lãnh đạo nhiều nước hòa vào nhịp sống thanh bình và đặc sắc của Việt Nam trong các chuyến thăm những năm gần đây là những minh chứng hơn ngàn lời nói về đời sống thực tế ở Việt Nam. Người dân chúng ta có quyền tự hào và tin tưởng chắc chắn rằng Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ khả năng lãnh đạo để đưa đất nước lên tầm cao mới.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *