Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
54502

Ủng hộ chính sách Một Trung Quốc là bán nước cho Trung Quốc?

 

Sau khi Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan, trong đó nêu rõ: Việt Nam kiên trì thực hiện chính sách “một Trung Quốc” và mong muốn các bên liên quan kiềm chế, không làm căng thẳng tình hình Eo biển Đài Loan, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới thì trên các trang chống Nhà nước Việt Nam đua nhau diễn giải, bóp méo phát ngôn này theo hướng ủng hộ Trung Quốc đánh chiếm Đài Loan, rằng Việt Nam bán mình cho Trung Quốc…

Tiêu biểu như trang Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, ngày 04/8 suy diễn: “Phải nghĩ gì về câu nói của phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam: “Việt Nam kiên trì thực hiện chính sách Một Trung Quốc”? Để có tư cách “thực hiện chính sách Một Trung Quốc” thì phải là một thực thể trong chính sách đó. Đảng Cộng sản Việt Nam đã bán đứng đất nước cho quan thầy Trung Quốc”? Phía dưỡi bài này “nuôi” nhiều comment ủng hộ, phụ họa cho kẻ viết.

Bình luận về trò suy diễn, bóp méo sự việc, định hướng dư luận kiểu này, blogger Trần Văn cho rằng:

  1. Xét về cơ sở lịch sử, thực tiễn, không ai phủ nhận được chủ trương “Một Trung Quốc”.  

Về lịch sử, trước năm 1949, Đài Loan là một vùng của Trung Quốc. Sau khi thất bại trong cuộc nội chiến 1945-1949, Tưởng Giới Thạch kéo ra đóng giữ đảo Đài Loan; đồng thời, tuyên bố quốc gia riêng. Nhưng thế giới không có nước nào công nhận, nên đến tận bây giờ vẫn gọi là lãnh thổ Đài Loan.

Về thực tiễn thống nhất Tổ quốc của Trung Quốc, nước này đã và đang thực hiện “Một nước, hai chế độ”, bao gồm lãnh thổ Trung Quốc đại lục và Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao. Cho nên, Trung Quốc chưa lấy lại được chủ quyền đối với Ma Cao, Hồng Kông và Đài Loan, coi như chưa thống nhất Tổ quốc, chưa hoàn thành nhiệm vụ cách mạng mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra.

Để thống nhất Tổ quốc, lãnh đạo Trung Quốc chủ trương thực hiện “Một nước, hai chế độ”. Điều ấy có nghĩa là trong quốc gia Trung Quốc thống nhất vẫn bảo đảm chế độ chủ thể Trung Quốc là chế độ xã hội chủ nghĩa, song thực hiện chế độ tư bản chủ nghĩa ở một số khu vực đặc thù là Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan.

Thực hiện chủ trương “Một nước, hai chế độ” đối với Hồng Kông, từ năm 1982 đến 12/1984 Trung Quốc ký được Tuyên bố chung với Anh (tuyên bố chung Trung – Anh), đã thống nhất đến ngày 01/7/1997, nước Anh phải trao trả chủ quyền Hồng Kông cho Trung Quốc, còn Trung Quốc cam kết sau khi thu hồi chủ quyền sẽ duy trì hiện trạng chế độ chính trị, thể chế kinh tế, pháp luật và đời sống vốn có; đồng thời, cho Hồng Kông có quyền tự trị cao độ với phương châm “người Hồng Kông cai quản Hồng Kông”. Cũng với chủ trương “Một nước, hai chế độ”, Trung Quốc thu hồi được chủ quyền ở Ma Cao từ Tây Ban Nha ngày 20/12/1999.

Đối với Đài Loan diễn ra phức tạp, khó khăn, lâu dài hơn. Từ thập niên 50 thế kỷ XX, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đại lục tìm cách giải quyết bằng vũ lực, nhưng không thành công. Từ năm 1979, Trung Quốc có nhiều động thái đối với Đài Loan bằng con đường đàm phán hòa bình. Từ năm 1981 đến năm 1985, lãnh đạo Trung Quốc liên tục phát đi thông điệp “Một nước, hai chế độ” đối với vấn đề Đài Loan.  Thập niên 90 thế kỷ XX đến nay, Trung Quốc dùng các hoạt động tiếp xúc về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục… song Đài Loan vẫn tỏ thái độ về một Đài Loan độc lập. Hiện nay, Đài Loan luôn khẳng định sự tồn tại độc lập của mình có quốc thể riêng, đi theo chế độ tư bản chủ nghĩa; còn Trung Quốc đại lục luôn khẳng định Đài Loan là một phần của Trung Quốc.

Đó là thực tế lịch sử, thực tiễn thống nhất Tổ quốc của Trung Quốc không thể bác bỏ! Bởi vậy, từ trước khi máy bay đưa bà Pelosi hạ cánh xuống Đài Loan, Đại sứ Mỹ Nicholas Burns tại Trung Quốc đã bị Bộ Ngoại giao nước này triệu tập ngay trong đêm để phản đối. Cơ quan ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh “chỉ có một Trung Quốc trên thế giới”. “Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể xâm phạm của Trung Quốc và chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất đại diện cho toàn bộ Trung Quốc. Điều này đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) ghi nhận trong Nghị quyết 2758 năm 1971”.

          2.Xét về thực tiễn thế giới, Nghị quyết 2758, ngày 25/10/1971 của Đại hội đồng LHQ đã công nhận đại diện của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là đại diện hợp pháp duy nhất của Trung Quốc tại LHQ. Nghị quyết cũng công nhận Trung Quốc là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ.

Vì vậy, các quốc gia đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc đều trên cơ sở nguyên tắc “Một Trung Quốc”, chứ không riêng gì Việt Nam. “Nguyên tắc này là sự nhất trí chung của cộng đồng quốc tế và là chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế”.

Chính vì thế, nhiều nước trên thế giới lên tiếng phản đối chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và phái đoàn Mỹ tới Đài Loan (Trung Quốc) tối ngày 02/8/2022. Đó là:

Bộ Ngoại giao Nicaragua ra tuyên bố yêu cầu Mỹ “chấm dứt các hành động khiêu khích chưa từng có” nhằm vào Trung Quốc, bác bỏ chính sách can thiệp của Mỹ, đồng thời yêu cầu tôn trọng chủ quyền, độc lập và ý chí của các dân tộc, nhấn mạnh rằng, đây là yêu cầu “chính đáng, đúng đắn và cần thiết”.

Bộ Ngoại giao Triều Tiên chỉ trích chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của Chủ tịch Hạ viện Mỹ – coi đó là “sự can thiệp thiếu thận trọng” của Mỹ vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Triều Tiên phản đối bất kỳ sự can thiệp nào của thế lực bên ngoài vào vấn đề Đài Loan và “hoàn toàn ủng hộ” Một Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, chuyến thăm Đài Bắc của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi là “hành động khiêu khích rõ ràng” và Trung Quốc có quyền đưa ra các biện pháp để bảo vệ chủ quyền của nước này. Đồng thời, cho biết: “Chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ đến Đài Loan lại là một hành động khiêu khích khác của chính quyền Mỹ, vốn muốn gây thêm áp lực lên Bắc Kinh. Chúng tôi coi việc giải quyết tình hình ở Eo biển Đài Loan là vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc là chính phủ hợp pháp duy nhất đại diện cho toàn bộ Trung Quốc và Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc”.

Phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric cho biết: “Điều duy nhất tôi sẽ nói đó là về chính sách của LHQ theo Nghị quyết 2758 của Đại hội đồng LHQ từ năm 1971 về Một Trung Quốc”. Nghị quyết của LHQ, được thông qua hồi tháng 10/1971, công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là “đại diện hợp pháp duy nhất của Trung Quốc tại LHQ”.

Ngày 04/8/2022, trong dịp diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) và các hội nghị liên quan tại Phnom Penh, Campuchia, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN ra Tuyên bố về những diễn biến tại Eo biển Đài Loan, bày tỏ quan ngại về nguy cơ bất ổn, hệ quả nghiêm trọng và khó lường đối với khu vực. Các nước ASEAN tái khẳng định ủng hộ chính sách Một Trung Quốc.

Không chỉ có blogger Trần Văn đưa ra lập luận thực tiễn lịch sử và thế giới về việc này. Trước đó,  blogger Võ Khánh Linh từng chỉ ra luận điệu tuyên truyền lừa bịp trắng trợn qua vụ việc này đồng thời tự phơi bày sự thiếu hiểu biết nghiêm trọng –- lỗ hổng trong nhận thức chính trị thế giới của họ: đó là chính Đài Loan và Mỹ cũng đang ủng hộ chính sách “một Trung Quốc”. Chính quyền Đài Loan vẫn đang nhận rằng mình là chính quyền “Trung Hoa Dân Quốc”, và chưa hề tuyên bố một lãnh thổ Đài Loan độc lập. Còn Mỹ, thì mới năm ngoái còn nói mình không muốn Đài Loan độc lập, và ủng hộ giữ nguyên trạng. Nói theo kiểu Việt tân, thì phải chăng những phát biểu này cho thấy Mỹ muốn Trung Quốc chiếm Đài Loan?

Xem ra thói quen nói quàng, nói xiên, nói bậy đi kèm với sự thiển cận về tầm nhìn, về nhận thức và hiểu biết rất phổ biến trong giới chống phá đất nước ở bên kia quả địa cầu, bất kể là Việt tân ở Mỹ hay Tập hơp dân chủ đa nguyên ở Pháp không khác nhau là mấy!

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *