Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
63650

Nỗ lực của Việt Nam trong phòng chống mua bán người trên 3 lĩnh vực “Phòng ngừa”, “Bảo vệ” và “Truy tố”

Nỗ lực của Việt Nam trong phòng chống mua bán người trên 3 lĩnh vực “Phòng ngừa”, “Bảo vệ” và “Truy tố”.

“Chính phủ Việt Nam chủ trương thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, kiên quyết đấu tranh phòng chống di cư trái phép và mua bán người. Đó là lời khẳng định của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố Báo cáo tình hình mua bán người của Chính phủ Hoa Kỳ năm 2020.

Cần hiểu rõ bản chất vấn đề về phòng chống mua bán người.

Đây là báo cáo hàng năm theo Đạo luật Bảo vệ nạn nhân bị mua bán của Hoa Kỳ năm 2000 do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trình lên Quốc hội, trong đó, nhận xét nỗ lực phòng, chống mua bán người của 187 quốc gia trên thế giới; tiếp tục kêu gọi Chính phủ các nước thực hiện nghiêm túc Công ước của Liên Hợp Quốc (LHQ) về phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư bổ sung.

Báo cáo TIP năm 2020 tiếp tục xếp Việt Nam vào Nhóm 2 theo dõi, nhóm này gồm các nước có nỗ lực tương tự như Nhóm 2 (chưa tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu về phòng, chống mua bán người theo Đạo luật TVPA song đã nỗ lực đáng kể để đáp ứng các tiêu chuẩn đó) nhưng cần phải theo dõi. Đây là năm thứ 2 liên tiếp xếp Việt Nam ở mức này; nếu bị xếp ở Nhóm này trong 3 năm liên tiếp thì sẽ bị đưa xuống Nhóm 3 và chịu những hạn chế nhất định trong việc hỗ trợ tài chính của Chính phủ Hoa Kỳ.

Nỗ lực của Việt Nam trong phòng chống mua bán người trên 3 lĩnh vực “Phòng ngừa”, “Bảo vệ” và “Truy tố"
Mua bán người là vấn nạn toàn thế giới. Nỗ lực của Việt Nam trong phòng chống mua bán người trên 3 lĩnh vực “Phòng ngừa”, “Bảo vệ” và “Truy tố”

Cần hiểu rõ bản chất vấn đề mua bán người là vấn nạn có tính toàn cầu, nhất là khu vực Á, Phi, Mỹ la tinh. Ngay cả các nước phát triển ở châu Âu, Bắc Mỹ, điều này cũng không ngoại lệ. Theo báo cáo của UNODC, thời gian gần đây, nổi lên tình trạng di cư từ các nước Trung Mỹ qua Mexico vào Mỹ. Ngay cả Mỹ cũng là nước chịu tác động mạnh từ hệ quả nạn mua bán người, di cư bất hợp pháp.

Liên Hợp Quốc ước tính rằng mỗi năm 700.000 đến 4 triệu phụ nữ và trẻ em bị buôn bán trên toàn thế giới với mục đích ép buộc bán dâm, lao động và các hình thức bóc lột khác.

Buôn bán người được ước tính lên tới 7 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Theo thống kê của Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC), các cô gái chiếm 23% tổng số nạn nhân bị buôn bán. Con số dựa trên dữ liệu từ năm 2016, tăng cao hơn các năm 2014 (21%) và năm 2004 (10%). Theo báo cáo, các bé trai chiếm 7% trong số nạn nhân buôn người, giảm so với năm 2014 (8%) và tăng so với năm 2004 (3%).

Ở khu vực Đông Nam Á, tại Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN (từ ngày 24- 27/9/2018, tại Malaixia) và Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN lần thứ 12 (từ ngày 29/10- 02/11/2018) về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia đều đánh giá tình hình tội phạm mua bán người và di cư trái phép tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, không thể cáo buộc Việt Nam trong vấn đề có tính toàn cầu và phức tạp như buôn người.

Nỗ lực“Phòng ngừa”, “Bảo vệ” và “Truy tố” 

Ngày 02-7, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình hình mua bán người trên thế giới năm 2019 đã không phản ánh khách quan, chính xác về tình hình và những nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam.Chính phủ Việt Nam chủ trương thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, kiên quyết đấu tranh phòng chống di cư trái phép và mua bán người và đã ban hành, triển khai nhiều chính sách, pháp luật nhằm thực hiện chủ trương này.

Mới đây nhất, ngày 20/03/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 402/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp an toàn và trật tự của Liên Hợp Quốc, trong đó đề ra các giải pháp toàn diện và bao trùm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý di cư, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người di cư. Hiện nay, Việt Nam đang rà soát, nghiên cứu xây dựng Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nguy cơ mua bán người, giảm tội phạm mua bán người, tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ hiệu quả nạn nhân bị mua bán”

Chung tay phòng, chống mua bán người vì một xã hội an toàn

Theo Trung tá Phạm Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng Phòng phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm mua bán người của Cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công an.

Báo cáo TIP 2020 đánh giá kết quả, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người trên 3 lĩnh vực: “Phòng ngừa”, “Bảo vệ” và “Truy tố” nhưng đã không phản ánh khách quan và chính xác về tình hình, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong phòng, chống mua bán người ở Việt Nam, nhất là căn cứ số vụ án mua bán người được điều tra, truy tố, xét xử giảm so với các năm trước để đánh giá nỗ lực thực thi pháp luật của lực lượng chức năng đã giảm bớt là không chính xác.

Thực tế thì, công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại cộng đồng ở Việt Nam có hiệu quả rõ rệt, người dân đã nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người. Công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành và lực lượng chức năng cũng được duy trì thường xuyên.

Thêm vào đó, chính sách luật pháp Việt Nam về phòng, chống mua bán người đã tiệm cận luật pháp quốc tế và Nghị định thư về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em:
  1. Bổ sung Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của LHQ;
  2. Nhiều hành vi trước đây xử theo tội mua bán người, nhưng sau khi Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực, thì được xử theo tội khác như: Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại; tội tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài trái phép.
  3. Tội cưỡng bức lao động…
  4. Chưa hết, khi thống kê số vụ mua bán người, cơ quan chức năng Việt Nam chỉ thống kê theo tội mua bán người (Điều 150) và tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151), nên số liệu có giảm như Báo cáo TIP 2020 đề cập.

Trung tá Phạm Mạnh Hùng khẳng định:

  1. Chính phủ Việt Nam xác định phòng, chống tội phạm mua bán người là một nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội góp phần phát triển kinh tế – xã hội;
  2. Lấy phòng ngừa là chính, tạo ra những bước đột phá nhằm ngăn chặn, giảm cơ bản tình trạng mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về;
  3. Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, phát hiện xử lý các hành vi có liên quan đến mua bán người;
  4. Giải cứu, bảo vệ, tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ nạn nhân kịp thời, chính xác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, không kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân.
  5. Đồng thời, Việt Nam cũng đã tăng cường hợp tác quốc tế, ưu tiên ký kết và tổ chức triển khai các hiệp định, thỏa thuận song phương và đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế, nhất là các nước có chung đường biên giới, các nước trong khu vực, các nước có đông người Việt Nam bị mua bán”.

Từ năm 2019 đến nay, Bộ Công an với vai trò Cơ quan Thường trực Chương trình 130/CP đã tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 138/CP) triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người.

Hàng năm, lực lượng Công an, chủ công là Cảnh sát hình sự phối hợp với Bộ đội Biên phòng các cấp xây dựng, phối hợp triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, điều tra theo tuyến, địa bàn trọng điểm (đảm bảo 100%), triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kết hợp với tuần tra, kiểm soát, quản lý xuất nhập cảnh qua biên giới. Hàng năm, tổ chức triển khai thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người, đưa người ta nước ngoài trái phép trên phạm vi toàn quốc, tập trung vào các tuyến biên giới với Campuchia, Lào và Trung Quốc.

Đặc biệt, từ năm 2019 đến tháng 6-2020, lực lượng Công an, Biên phòng đã điều tra, khám phá 236 vụ, bắt 308 đối tượng phạm tội mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi. Viện kiểm sát nhân dân các cấp truy tố 118 vụ, với 203 bị can. Toà án nhân dân các cấp đã giải quyết, xét xử 145 vụ, với 255 bị cáo phạm các tội về mua bán người.  100% nạn nhân tiếp nhận được hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật…

Triển khai hiệu quả các Công ước.

Bên cạnh những nỗ lực phòng ngừa, giải cứu thì việc hỗ trợ các nạn nhân của mua, bán người trong thời gian qua cũng được Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam dành nhiều sự quan tâm. Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH), cho biết, qua gần 10 năm thực hiện Luật phòng, chống mua bán người, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở các địa phương, sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và cộng đồng người dân, công tác phòng, chống mua bán người nói chung và công tác tiếp nhận, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân trở về nói riêng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Theo thống kê, đến nay, cả nước có 425 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó 195 cơ sở công lập và 230 cơ sở ngoài công lập, thuộc các loại hình cơ sở trợ giúp xã hội theo Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội.

Trong đó có những mô hình tiêu biểu như Nhà Nhân ái tại Lào Cai và An Giang; Ngôi nhà bình yên, thuộc Trung tâm Phụ nữ và phát triển. Cụ thể, từ khi thành lập năm 2010 đến 10-2019, Nhà Nhân ái tại Lào Cai đã tiếp nhận hỗ trợ cho 231 nạn nhân. Trong số các nạn nhân được tiếp nhận có 54 trẻ em (26%), 30 em đang học dở phổ thông, 20 em đã từng bỏ học, 10 em khó khăn trong giao tiếp không biết tiếng kinh, gia đình khó khăn.

Thông qua sự hỗ trợ của Nhà Nhân ái, có 2 em học Đại học, 01 em học Cao đẳng, 12 em học Trung cấp, 17 em học xong văn hóa, 34 em học nghề; đã hỗ trợ khó khăn ban đầu cho 121 người với mức hỗ trợ từ 1.000.000 – 4.000.000 đ/người. Chương trình trao sổ tiết kiệm tạo vốn cho các em đã được hưởng ứng có hiệu quả; đã có trên 20 em lập sổ tiết kiệm tại ngân hàng, đặc biệt có em đã tiết kiệm được 6 triệu đồng từ lao động của chính bản thân, đã được Nhà Nhân ái hỗ trợ thêm 6 triệu đồng nữa là 12 triệu đồng để các em tự mở cửa hàng may tại Lào Cai ổn định.

Tại An Giang, từ năm 2008 đến 2019, Nhà Nhân ái đã tiếp nhận 50 nạn nhân.

Trong thời gian qua, Ban quản lý Nhà Nhân ái tỉnh An Giang đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh khảo sát, tìm hiểu hoàn cảnh những nạn nhân bị mua bán trở về đang khó khăn về nhà ở để hỗ trợ. Ban quản lý Nhà Nhân ái tỉnh An Giang cũng phối hợp Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện Châu Thành, An Phú, Phú Tân, thị xã Tân Châu xây dựng 11 căn nhà tình thương cho 11 nạn nhân bị mua bán trở về, trong đó tổ chức Vòng Tay Thái Bình hỗ trợ 8 căn, mỗi căn nhà khoảng 50 triệu đồng và mua các vật dụng thiết yếu trang bị cho mỗi căn nhà như: tủ quần áo, tủ gia dụng, quạt điện, nồi cơm điện, bộ bàn ghế inox, bộ nồi, chảo chống dính và bình lọc nước khoảng 10 triệu đồng.

Ngôi nhà bình yên thuộc Trung tâm Phụ nữ và phát triển – Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thì cung cấp các hoạt động truyên truyền và các dịch vụ hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị mua bán trở về với 1 Phòng Tham vấn và 3 Ngôi nhà Bình yên tại Hà Nội và Cần Thơ (Thuộc Trung tâm Phụ nữ và phát triển)…

Trong 2020, Bộ Công an đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ nghiên cứu.

  • xây dựng Chương trình 130/CP giai đoạn 2021 – 2025;
  • triển khai có hiệu quả Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người;
  • Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Nghị định thư kèm theo Công ước về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và hợp tác hơn nữa với các nước, trong đó có Hoa Kỳ để điều tra các đường dây, băng nhóm mua bán người và giải cứu nạn nhân.

nhanquyenvn.org/

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *