Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
32401

Quyền tự do biểu đạt trên mạng xã hội ở Trung Quốc

 

Tự do biểu đạt là một quyền Hiến định tại Trung Quốc nhưng chỉ được ghi nhận dưới danh nghĩa là tự do ngôn luận và báo chí. Điều 35 của Hiến pháp Trung Quốc quy định rằng: “Công dân của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có quyền tự do ngôn luận, xuất bản, lập hội, tham gia tổ chức đoàn thể, đi lại và biểu tình.”[1] Mặc dù vậy, tự do ngôn luận và tự do báo chí cũng chịu những hạn chế chặt chẽ.

Thông thường, luật pháp và các quy định quản lý không gian mạng, báo chí và phương tiện truyền thông có chứa một danh sách các nội dung biểu đạt bị cấm và hình phạt cho các hành vi vi phạm. Những nội dung biểu đạt bị cấm chủ yếu là các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, khủng bố, hận thù dân tộc, bạo lực và tục tữu. Đối với nội dung biểu đạt trên mạng Internet, Điều 12 Luật an ninh mạng năm 2016 của Trung Quốc quy định:

Bất kỳ cá nhân, tổ chức nào sử dụng mạng phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, tuân thủ trật tự công cộng và tôn trọng đạo đức xã hội; không được gây nguy hiểm cho an ninh mạng và không được sử dụng Internet để tham gia vào các hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, danh dự quốc gia và lợi ích quốc gia; không được kích động lật đổ chính quyền, lật đổ hệ thống xã hội chủ nghĩa, kích động chủ nghĩa ly khai, phá vỡ sự thống nhất quốc gia, ủng hộ chủ nghĩa khủng bố hoặc cực đoan, ủng hộ hận thù dân tộc và phân biệt đối xử dân tộc, truyền bá thông tin bạo lực, tục tĩu, hoặc truyền bá thông tin sai lệch trật tự kinh tế hoặc xã hội, hoặc thông tin xâm phạm danh tiếng, quyền riêng tư, sở hữu trí tuệ hoặc các quyền và lợi ích hợp pháp khác của người khác và các hành vi khác.[2]

Phân tích các giới hạn đối với nội dung biểu đạt trên mạng xã hội trong pháp luật Trung Quốc cho thấy không có sự chênh lệch đáng kể so với tiêu chuẩn được đề ra tại khoản 3 Điều 19 và Điều 20 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966. Tuy nhiên, về phương diện bảo đảm quyền tiếp cận Internet để thực hiện tự do biểu đạt trên mạng xã hội thì Trung Quốc lại bị xếp hạng tồi tệ. Thông qua khảo sát về kiểm duyệt nhà nước trên Internet ở các nội dung: cản trở quyền truy cập, giới hạn nội dung và vi phạm quyền người dùng thực hiện ở 65 quốc gia năm 2015, tổ chức Freedom House đánh giá tự do Internet ở Trung Quốc  kém nhất trong danh sách khảo sát.[3]

Mặc dù số lượng các nhà cung cấp dịch vụ Internet ở Trung Quốc ngày càng tăng nhưng quyền sở hữu đối với việc cung cấp truy cập Internet (IAP) vẫn thuộc sở hữu độc quyền của chính phủ Trung Quốc. Tất cả các trao đổi dữ liệu quốc tế phải sử dụng kênh đến và đi do nhà nước cung cấp và mỗi nhà cung cấp dịch vụ Internet (chủ yếu là dịch vụ về nội dung) chịu trách nhiệm pháp lý trước nhà nước đối với bất kỳ nội dung không phù hợp nào trên trang mạng của họ. Do đó, nội dung thông tin, tư tưởng truyền tải trên mạng xã hội tại Trung Quốc có nguy cơ bị lọc, chặn từ nhiều phía mà không được kiểm chứng nghiêm ngặt rằng điều đó có nằm trong phạm vi giới hạn chính đáng, cần thiết để bảo vệ các lợi ích ưu tiên. Một yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến khả năng tự do biểu đạt trên mạng ở Trung Quốc là quyền tự do riêng tư trên mạng chịu nhiều hạn chế theo quy định của Luật An ninh mạng nước này, các chủ sở hữu trang mạng phải cung cấp hồ sơ về thông tin của người dùng, nội dung được xuất bản và các trang web được truy cập. Người dùng mạng xã hội cũng chỉ được phép đăng ký sử dụng tên thật của họ và cung cấp thông tin cá nhân và số liên lạc rõ ràng. Theo đó, người dùng mạng xã hội có thể bị hạn chế tự do biểu đạt vì e ngại bị thù ghét, trả đũa hoặc kỳ thị khi biểu đạt tư tưởng, chính kiến.[4]

[1] Trung tâm thông tin, thư viện và nghiên cứu khoa học – Văn phòng Quốc hội, Tuyển tập Hiến pháp một số nước trên thế giới, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2009, tr.207.

[2] The People’s Republic of China, PRC Cybersecurity Law (adopted by the NPC Standing Committee on Nov. 7, 2016, effective June 1, 2017), English version available at: https://www.newamerica.org/cybersecurity-initiative/digichina/blog/translation-cybersecurity-law-peoples-republic-china/

[3] Freedom House, Freedom on the Net 2015: Privatizing censorship, eroding privacy. Retrieved from: https://freedomhouse.org/sites/default/files/ FOTN%202015%20Full%20Report.pdf

[4] Zainuddin Munda Z. Monggilo, “Internet Freedom in Asia: Case of Internet Censorship in China”, Journal of Governement & Politics, Vol. 7 No. 1, 2016, Indonesia, pp.152-179

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *