Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
51949

Bảo đảm tiếp cận công bằng cho mọi người dân Kỳ 2: Sự minh bạch nhưng linh hoạt trong công tác tiêm chủng

 

Ngày 8/3, những liều vaccine phòng COVID-19 đầu tiên sẽ được tiêm, trước hết tại 18 cơ sở đang điều trị bệnh nhân COVID-19, các vùng có dịch. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu việc triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 phải bảo đảm nguyên tắc công bằng vaccine của Liên Hợp quốc.

Người cần tiêm chủng chính là lá chắn giúp cho công tác phòng chống dịch

Theo hướng dẫn mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (USCDC) và WHO, nhân viên chăm sóc sức khỏe và những người già yếu nhất, thường sống trong các viện dưỡng lão và trung tâm chăm sóc y tế dài hạn, sẽ được tiêm những mũi vaccine COVID-19 đầu tiên. Việt Nam cũng áp dụng cùng chiến lược này nhưng có sự điều chỉnh khá lớn với việc xác định người cần tiêm chủng chính là lá chắn giúp cho công tác phòng chống dịch. Theo đó, những chiến sĩ tuyến đầu như nhân viên y tế tại các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện có bệnh nhân COVID-19, những nhân viên y tế tham gia chống dịch, thành viên ban chỉ đạo trực tiếp tổ chức công tác chống dịch sẽ là đối tượng đầu tiên cần được tiêm chủng. Ngoài vấn đề bảo vệ cho những đối tượng thiết yếu của công tác chống dịch, điều này còn tạo ra lớp lá chắn số 1 cho những người mà nếu không may họ nhiễm bệnh có thể lan truyền cho những người khác với mức độ nghiêm trọng hơn bởi họ là những thành viên quan trọng cho công tác chống dịch. Nếu thành trì này bị vỡ sẽ không còn ai tiếp tục bảo vệ các bệnh nhân và cộng đồng. Lượt vaccine tiếp theo sẽ dành cho những người hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho chống dịch như lực lượng vũ trang (quân đội, công an). Những cán bộ này có mức độ tiếp xúc nhiều và liên tục tham gia vào công tác bảo đảm an toàn, an ninh xã hội và cũng có mức độ tiếp xúc khá nhiều. Trong các tình huống khẩn cấp, đây chính là lực lượng trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch, xử lý thảm họa. Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh chiến sĩ Công an mang mẫu của một người tử vong không rõ nguyên nhân đến để xin xét nghiệm, thực sự là họ ngày nào cũng tiếp xúc những trường hợp nguy cơ, họ cũng rất cần được bảo vệ không khác những chiến sỹ áo trắng tuyến đầu.

Bác sĩ Học viện Quân Y tiêm mũi 2 vaccine Nano Covax liều 25mcg cho người tình nguyện

Tiếp theo của nhóm ưu tiên này chính là những người lao động cung cấp dịch vụ thiết yếu và có khả năng tiếp xúc nhiều người như nhân viên làm các dịch vụ xã hội, dịch vụ thiết yếu. Đây là nhóm có mật độ tiếp xúc cao và chỉ cần sơ xuất là có thể bị nhiễm bệnh. Nếu họ nhiễm bệnh, khả năng tiếp tục lây cho những người khác rất lớn. Trong thực tế chống dịch tại Việt Nam đã có những trường hợp như vậy, một nhân viên cửa hàng nhiễm bệnh và hàng trăm người đã phải đi cách ly do sử dụng dịch vụ tại cửa hàng đó.

Với khoảng thời gian khá ngắn từ khi các vaccine được phê duyệt theo tình trạng khẩn cấp tới nay, chưa đủ các dữ liệu lâm sàng về khả năng bảo vệ của các vaccine. Chính bởi vậy, các khuyến cáo kể cả của WHO cũng khá thận trọng. Đến thời điểm hiện tại, WHO chưa khuyến cáo việc áp dụng chính sách riêng cho vấn đề di chuyển có phải đòi hỏi chứng nhận tiêm chủng. Tại sao vậy? Vaccine cho đến nay mới chỉ chứng tỏ được khả năng bảo vệ, ngăn ngừa tử vong (với việc tiêm cho người già và người có sức khỏe suy giảm) hay là giảm sự lây truyền virus (tiêm cho nhân viên y tế và người lao động thiết yếu) chứ chưa hề có kết quả về việc ngăn ngừa sự lây lan thứ cấp. Nói một cách khác, các thử nghiệm lâm sàng chưa chứng minh được rằng một người được tiêm chủng sẽ không còn là người mang virus và lây nhiễm tiếp cho người khác. Chính vì vậy, việc tiến hành đồng thời cả tiêm chủng và các biện pháp phòng dịch không đặc hiệu mới là điểm mấu chốt của chiến lược hiện tại.

Một vấn đề nữa trong bảo đảm bình đẳng của tiêm chủng đấy là ưu tiên cho nhóm người cao tuổi và người có bệnh lý nền. Rất nhiều người trong số họ không có thu nhập tốt nên để bảo vệ nhóm này chắc chắn phải có sự ra tay của chính phủ. Với cách thức mà Việt Nam đang tiến hành, chúng ta thấy nhóm này nằm ngay sau những nhóm ưu tiên do đặc thù công việc kể trên. Điều này thể hiện tính nhân văn trong công tác tiêm chủng chống dịch tại Việt Nam và cũng bởi đây là nhóm dễ tổn thương nhất, nhóm này sẽ không triển khai đợt đầu để bảo đảm vấn đề an toàn tiêm chủng nhưng cũng không phải đợt cuối khi đã mở rộng toàn dân. Bảo vệ cho nhóm này chính là giảm nguy cơ tử vong do COVID-19. Đáng chú ý, một số người lao động thiết yếu cũng có vấn đề sức khỏe mạn tính, hoặc nằm trong nhóm cao tuổi nên việc trùng lặp đối tượng là hoàn toàn có thể và các địa phương khi triển khai cần làm kỹ công tác sàng lọc đối tượng để đảm bảo không bỏ sót.

Sự minh bạch nhưng linh hoạt trong công tác tiêm chủng

Quay trở lại công tác phòng chống dịch, rõ ràng Việt Nam đã vận dụng linh hoạt giữa ưu tiên đối tượng tiêm chủng với địa bàn tiêm chủng. Cũng là các đối tượng ưu tiên nhưng chắc chắn những địa bàn có bệnh nhân, có dịch, có nguy cơ sẽ phải ưu tiên bao phủ trước. Điều này không những đảm bảo lớp lá chắn số 1 mà còn bảo đảm rằng lá chắn đó giúp che chắn những địa bàn xung yếu nhất. Lưu ý rằng, nguy cơ không chỉ đơn giản là địa bàn có dịch, từng có bệnh nhân mà còn cả những địa bàn có nguy cơ về nhập cảnh bất hợp pháp nhất là khi các quốc gia liên kề chúng ta vẫn liên tục ghi nhận dịch bệnh.

Tiêm vaccine đầu tiên đã được thực hiện tại Bệnh viện Nhiệt đới TƯ cơ sở 2

Cuối cùng, cũng cần phải bàn tới đó là sự minh bạch nhưng linh hoạt trong công tác tiêm chủng. Vaccine hiện nhập về Việt Nam là loại 10 liều trong lọ, việc sử dụng thông minh để giảm hao phí đến mức thấp nhất trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung như hiện tại cần phải tính đến sự minh bạch về vaccine. Theo đó, ngoài việc tiếp cận sớm nhất đến các đối tượng cần tiêm, sự đồng thuận cũng như cách bố trí triển khai tiêm chủng cũng phải đảm bảo sự linh hoạt cần thiết để nếu tiêm đủ cho đối tượng cần ưu tiên mà vẫn còn vaccine thì hoàn toàn có thể gọi tiếp nhóm bổ sung sao cho tận dụng đến mức cao nhất số liều vaccine hiện có. Đó mới chính là bảo đảm cho sự công bằng trong tiêm chủng, bảo đảm số lượt người được tiêm tiệm cận với số vaccine được cấp và đạt tỉ lệ bảo vệ cao hơn. Đó mới là mục tiêu sau cùng của chiến dịch tiêm chủng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *