Từ một nước thuộc địa, nô lệ, nửa phong kiến, không có tên trên bản đồ thế giới, đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 169 nước, vùng lãnh thổ và có quan hệ bình thường với tất cả các nước lớn, các ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; đạt được những thành tựu trong xây dựng. phát triển đất nước, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.
Sau thành công của Đại hội XIII của Đảng và Cuộc bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp vừa qua, đồng bào và chiến sĩ cả nước vui mừng phấn khởi, tự hào, thêm tin tưởng vào con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn.
Tin tưởng vào con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn.
Đây là luận điểm thống nhất, xuyên suốt thể hiện trong văn kiện các kỳ Đại hội Đảng ta. Sự lựa chọn này của Đảng đã được kiểm nghiệm từ thực tiễn cách mạng Việt Nam. Trải qua 35 đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Nền kinh tế bắt đầu phát triển và phát triển liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt 35 năm qua với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm.
Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt 342,7 tỉ đô la Mỹ (USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD. Tỉ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước). Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2020. Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển.
Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội
Có thể khẳng định, sự kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã giúp đất nước ta đạt được những thành tựu đáng khích lệ kinh tế phát triển, lực lượng sản xuất được tăng cường; nghèo đói giảm nhanh, liên tục; đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng. Trong đại dịch COVID-19, chúng ta cũng đã triển khai quyết liệt những giải pháp phòng chống dịch đi đôi với bảo đảm an toàn tính mạng của người dân, duy trì sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội. Sự đồng lòng quyết tâm của người dân cùng với Chỉnh phủ đã thể hiện tính ưu việt của chế độ XHCN và sự kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời, những thành tựu của Việt Nam đã được cộng đồng ; thế và lực của quốc gia được tăng cường; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố.
Chính vì vậy, trong qua điểm chỉ đạo định hướng phát triển đất nước, văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục nhấn mạnh: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Đây chắc chắn vẫn là con đường đúng đắn mà Đảng và Nhân dân ta kiên trì nhằm xây dựng được một xã hội khác hẳn về chất so với xã hội TBCN, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người… mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.
Hoàng Quý Lê