Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
42591

Quyền lực của Nga đối với Belarus: Đôi bên cùng có lợi?

 

Khi các nhà lãnh đạo toàn cầu bày tỏ sự phẫn nộ trước việc Belarus “cướp” chiếc máy bay của hãng Ryanair để bắt giữ một nhà hoạt động đối lập, thì Nga đã gây chú ý với hành động bảo vệ đất nước này. Giờ đây, các nhà phân tích đang nói rằng Moscow có thể được hưởng lợi từ sự ghẻ lạnh hơn nữa từ phương Tây đối với chính quyền Minsk.

Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko

“Gây sốc”.

Hôm 23-5, Belarus đã buộc một chuyến bay của Ryanair chở nhà hoạt động đối lập nổi tiếng Roman Protasevich chuyển hướng đến thủ đô Minsk. Nga mô tả sự phản đối của Mỹ và châu Âu là “gây sốc”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova viết trên Facebook hôm 24-5: “Thật là sốc khi phương Tây gọi vụ việc xảy ra trên không phận Belarus là “gây sốc”.

Thực tế, Nga đã và đang tăng cường đều đặn sức mạnh và ảnh hưởng của mình đối với nước láng giềng Belarus, nhưng nhà lãnh đạo của hai nước là Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Alexander Lukashenko đều có quan điểm là bất kỳ lòng trung thành nào cũng mong manh và xuất phát từ lợi ích cá nhân. Đối với Belarus, Nga là đối tác kinh tế và chính trị mạnh mẽ và là một nguồn hỗ trợ lớn. Đối với Nga, Belarus tạo cơ hội để gây ảnh hưởng kinh tế và chính trị trong khu vực, đồng thời là một bức tường thành thuận tiện chống lại những gì mà nước này coi là sự xâm lấn của châu Âu đối với các lãnh thổ cũ của họ như Ukraine. Tổng thống Putin được biết đến là người ưa thích sự ổn định và khả năng dự đoán, do đó, một nhà lãnh đạo lâu đời như Lukashenko được ưa chuộng hơn việc thay đổi chế độ.

Nhà hoạt động đối lập nổi tiếng Roman Protasevich từng bị bắt ở Minsk, Belarus hồi tháng 3 năm 2017

Giới phân tích phương Tây nhận định rằng, ông Putin có thể biết về vụ việc này. Timothy Ash, chiến lược gia cấp cao về thị trường mới nổi tại Bluebay Asset Management, đã lưu ý rằng: “Tổng thống Lukashenko hiện đang hoàn toàn phụ thuộc vào ông Putin để tồn tại trong nhiệm kỳ và sẽ không mạo hiểm mối quan hệ của mình với Điện Kremlin bằng cách thực hiện một động thái như vậy trừ khi ông ấy đã được bật đèn xanh”. Cũng theo ông Timothy Ash, đòn bẩy của Tổng thống Putin đối với ông Lukashenko đã được tăng cường khi, vào tháng 9 năm ngoái, Nga cho Belarus vay 1,5 tỷ USD và đồng ý thúc đẩy thương mại. Động thái này được nhiều người coi là một cử chỉ ủng hộ Tổng thống Lukashenko sau nhiều tuần diễn ra các cuộc biểu tình đòi ông từ chức bất chấp việc ông giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử mà phe đối lập cho là gian lận.

Các biện pháp trừng phạt khó có tác dụng

Hôm 25-5, Điện Kremlin đã bác bỏ bất kỳ ý kiến ​​nào cho rằng Nga có liên quan đến vụ “cưỡng bức hạ cánh” máy bay Ryanair và khẳng định quan điểm như vậy là trò chơi chống lại Nga. Phát biểu với các phóng viên trong một cuộc họp, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moscow đã bị buộc tội quá mức về mọi thứ trong những ngày này và rằng các nhà phê bình đã để sự căm ghét Nga ảnh hưởng đến phán quyết của họ.

Chiếc Boeing của hãng Ryanair chở Roman Protasevich buộc phải hạ cánh xuống Belarus, nơi ông này bị bắt

Giống như Nga, Belarus cũng đang phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế, cụ thể là vì hành vi đe dọa và đàn áp những người biểu tình, các thành viên phe đối lập và các nhà báo. Hôm 24-5, các nhà lãnh đạo EU lại đồng ý áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Minsk nhưng các nhà phân tích tin rằng bất kỳ hạn chế mới nào đối với Tổng thống Lukashenko, hoặc các cá nhân hay thực thể khác liên quan đến vụ việc, đều có khả năng không hiệu quả.

Emre Peker- Giám đốc khu vực châu Âu của công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group lưu ý rằng vụ “cưỡng bức hạ cánh” máy bay Ryanair có khả năng có lợi cho Nga bằng cách đẩy Belarus đến gần hơn. “Tổng thống Vladimir Putin có thể sẽ hoan nghênh vụ việc như một cách để tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ căng thẳng, thù hằn giữa Belarus và phương Tây. Trong khi đó, những cáo buộc về sự can dự của Nga sẽ làm phức tạp thêm khả năng của EU trong việc ứng phó hiệu quả với Belarus. Moscow cáo buộc EU và các thành viên có tiêu chuẩn kép và sẽ bảo vệ cách xử lý của Minsk đối với vụ việc. Tương tự, bất kỳ lệnh trừng phạt mới nào của EU sẽ khiến Nga lên án là sự can thiệp của phương Tây … Trong khi đó, chính quyền Berlin sẽ thúc đẩy EU phản ứng mạnh mẽ nếu nhà hoạt động đối lập Protasevich không được thả. Nhưng Đức khó có thể nhắm vào Nord Stream 2 vì liên quan đến sự cố Ryanair ”, Emre Peker nói.

Matthew Sherwood, nhà phân tích cấp cao về châu Âu tại The Economist Intelligence Unit, cho biết rằng toàn bộ vụ việc đã cho thấy “mức độ ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt nhỏ đối với chính trị trong nước ở Belarus”: “Các lệnh trừng phạt gần đây nhất được áp đặt sau cuộc bầu cử Tổng thống gây tranh cãi vào tháng 8-2020, dẫn đến các cuộc biểu tình kéo dài trong vài tháng. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ kinh tế và chính trị liên tục của Nga, ông Lukashenka và các đồng minh đã có thể trấn áp phong trào đối lập trong nước và các cuộc biểu tình. Chúng tôi không kỳ vọng một làn sóng trừng phạt mới của phương Tây sẽ có thêm bất kỳ tác động thực sự nào đến tình hình trong nước mà ngược lại, chúng có khả năng khiến Belarus xích lại gần hơn với Nga”.

Chế độ khó lường

Các nhà phân tích khác lưu ý rằng chính quyền Tổng thống Lukashenko ngày càng trở nên khó đoán, có lẽ được thúc đẩy bởi mối quan hệ với Nga. Nigel Gould-Davies – cựu Đại sứ Vương quốc Anh tại Belarus và là thành viên cấp cao về Nga và Âu-Á tại IISS nói với CNBC rằng nếu đúng là các quan chức KGB Belarus có mặt trên chuyến bay – như Giám đốc điều hành Ryanair, Michael O’Leary nói – thì điều đó cho thấy các quan chức KGB đang hoạt động ở nước ngoài. “Nó thể hiện tầm vóc quốc tế của mối đe dọa mà chế độ này gây ra cho các nước xung quanh”, ông nói thêm, đồng thời lưu ý rằng các nước khác, đặc biệt là Nga, sẽ theo dõi chặt chẽ để xem EU phản ứng như thế nào. “Chúng tôi đã thấy những bằng chứng gần đây về việc các cơ quan an ninh của Nga và Belarus hợp tác với nhau, vì vậy chúng tôi cũng cần phải nhìn nhận ở góc độ đó … Điều bắt buộc là EU, và tôi cũng hy vọng với sự hỗ trợ của Mỹ, sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn nữa”.

“Đây không chỉ là một hành động phòng thủ của ông Lukashenko mà là một cuộc tấn công trực diện nhằm vào EU – một chiếc máy bay của EU, bay giữa hai thủ đô của EU, bị chế độ chuyên quyền buộc phải bay ra ngoài. Nếu phương Tây để ông Lukashenko thoát khỏi điều này, không có hãng hàng không phương Tây nào an toàn, bay qua bất kỳ quốc gia chuyên chế nào. Bầu trời và những người bất đồng chính kiến ​​không được an toàn”, ông Nigel Gould-Davies nhấn mạnh.

Sông Thương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *