Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
36556

Quyền bình đẳng, phát triển giáo dục của người dân tộc thiểu số

Các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp, đều ngang nhau về quyền lợi và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước có trách nhiệm giúp các dân tộc có kinh tế chậm phát triển để cùng đạt được trình độ phát triển chung với các dân tộc khác trong cả nước. Nhà nước đồng thời bảo đảm cho việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc, làm phong phú, đa dạng nền văn hóa Việt Nam.

Bảo đảm quyền giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số

Quyền của người DTTS được quy định trong hầu hết các văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng như: Tuyên ngôn thế giới về quyền con người 1948, Tuyên bố về quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ 1992, Công ước về quyền dân sự và chính trị 1966, Công ước về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa 1966; Công ước quốc tế về xóa bỏ hình thức phân biệt chủng tộc 1965Quyền bình đẳng, phát triển giáo dục cũng được coi là một trong những quyền quan trọng nhằm phát triển cộng đồng DTTS.

Trong Hiến pháp 2013, Điều 5 quy định: “1. Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. 2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. 3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. 4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các DTTS phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”. Đây là cơ sở pháp lý vững chắc để đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước để bảo đảm quyền của đồng bào DTTS được đảm bảo phát triển bình đẳng, trong đó có quyền giáo dục. Bên cạnh đó, quyền sử dụng và tiếp cận ngôn ngữ được đề cập đến tại Điều 42: “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”.

Bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục là mục tiêu cơ bản trong chính sách phát triển của Nhà nước. Pháp luật Việt Nam quy định Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng DTTS và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Công dân có quyền xác định dân tộc mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập. Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho con em người DTTS, con em gia đình ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn… thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập của mình.

Luật Giáo dục năm 2019 quy định Nhà nước tạo điều kiện để người DTTS được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giúp cho học sinh người DTTS dễ dàng tiếp thu kiến thức khi học tập trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Luật Thanh niên năm 2005 quy định chính sách của Nhà nước đối với thanh niên DTTS gồm nâng cao chất lượng giáo dục ở các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học; thực hiện chính sách cử tuyển bảo đảm đúng đối tượng và yêu cầu về ngành, nghề cần đào tạo; miễn, giảm học phí…; khuyến khích và hỗ trợ thanh niên DTTS giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; ưu tiên dạy nghề, giải quyết việc làm và cho vay vốn phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.

Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định hoạt động tố tụng hình sự được tiến hành theo nguyên tắc mọi công dân bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, nam nữ, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, địa vị xã hội (Điều 5). Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng bảo đảm quyền được dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình và quyền có phiên dịch của bị cáo (Điều 24). Quyền của người DTTS đồng thời được nghi nhận trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác như Bộ luật Dân sự năm 2015 (điều 7, 26, 29), Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (điều 2, 4, 7).

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật cho người DTTS đã được thực hiện thông qua các hình thức như: Biên soạn tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS, trong đó đã xuất bản 30 tờ gấp phổ biến, giáo dục pháp luật với số lượng gần 40.000 bản; cuốn sách “Kỹ năng hòa giải ở cơ sở”, “Sổ tay Hỏi – đáp pháp luật cho hòa giải viên” với số lượng 25.500 cuốn cấp phát miễn phí cho Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố có đồng bào DTTS và hòa giải viên là người dân tộc tại các huyên nghèo làm tài liệu tuyên truyền. Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiên thông tin, truyền thông như phối hợp với báo, đài xây dựng chương trình, chuyên mục, tin bài, phóng sự; xây dựng nhiều chuyên mục tại Trang thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật thuộc Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp như Hỏi đáp pháp luật, câu chuyện pháp luật…. Hỗ trợ, lựa chọn gần 50 địa phương, trong đó có nhiều địa phương có tỷ lệ cao đồng bào DTTS sinh sống để tập huấn kiến thức pháp luật, kinh nghiệm phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật. Tổ chức các lớp tập huấn, tọa đàm cho đồng bào DTTS.

Nhà nước ban hành nhiều chính sách, dành nhiều ưu tiên trong phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS và miền núi như: chính sách miễn giảm học phí, chính sách học bổng với học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, hỗ trợ học tập cho học sinh DTTS rất ít người, học sinh bán trú cấp THCS, học sinh cấp THPT là người DTTS ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, chính sách trợ cấp xã hội, chính sách ưu tiên trong cử tuyển và tuyển sinh vào học dự bị đại học… Các chính sách dân tộc hiện nay khá đầy đủ, toàn diện, đa lĩnh vực và phủ kín các địa bàn vùng dân tộc và miền núi. Tính đến năm 2017, có 135 lớp học bồi dưỡng tiếng DTTS với 5.023 học viên theo học; 100 % xã vùng đồng bào DTTS và miền núi có trường Trung học cơ sở, trường Tiểu học, hầu hết các xã có trường mầm non; 314 trường phổ thông dân tộc nội trú, 1.097 trường phổ thông dân tộc bán trú, 05 trường đào tạo dự bị đại học dân tộc. Hơn 50.000 người DTTS được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước về chuyên môn nghiệp vụ, hơn 22.000 người DTTS được đào tạo bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước, hơn 10.000 người được đào tạo bồi dưỡng kiến thức về tin học. Việc thực hiện các chính sách đối với người DTTS đã mang lại những kết quả đáng kể, góp phần bảo đảm sự bình đẳng giữa các dân tộc và tăng cường sự hợp tác, giúp đỡ giữa các dân tộc.

 

TS. NGUYỄN TOÀN THẮNG

: Từ năm 2016 đến 2018 ngân sách nhà nước bố trí 5.730 tỷ đồng để thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho con em đồng bào DTTS.Triển khai dạy và học sáu thứ tiếng DTTS (có chương trình sách giáo khoa do Bộ giáo dục đào tạo ban hành gồm: Mông, Chăm, Khơme, Gia Lai, Ba na, Êđê ở 23 tỉnh thành trong cả nước với quy mô: 715 trường, 4812 lớp, 113.231 học sinh.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *