Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
23562

Phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em: Cần nhiều hơn nữa nỗ lực để lấp đầy khoảng trống

Phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em: Cần nhiều hơn nữa nỗ lực để lấp đầy khoảng trống.

Phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em. Theo Số liệu của 28 quốc gia Châu Âu cho thấy khoảng 90% trẻ em gái tuổi chưa thành niên từng bị ép buộc quan hệ tình dục nói rằng các em là nạn nhân của chính người thân hoặc người quen biết. Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực có tỷ lệ trẻ em bị bạo lực và xâm hại cao, tỉ lệ xâm hại thân thể dao động từ khoảng 10% (Trung Quốc) đến 30,3 % (Thái Lan).

Đặt trong bối cảnh thế giới và khu vực, trong số 75 quốc gia được thống kê, Việt Nam xếp thứ 49, sau Myanmar (xếp thứ 30) và Malaysia (xếp thứ 40) nhưng trên Lào (xếp thứ 54). Tuy Thái Lan, Philipines, Campuchia không ở trong số 75 quốc gia so sánh, nhưng điều tra MICs của Thái Lan cho thấy 75,2% trẻ em độ tuổi 1-14 đã từng bị phạt về thể chất và tâm lý (Việt Nam 68,4%). Ở Philipines, cứ 5 trẻ em thì 3 em cho biết đã từng bị bạo lực thể chất thời thơ ấu và 60% xảy ra ở nhà. Ở Campuchia, hơn một nửa trẻ em bị cha mẹ, họ hàng, bạn tình hoặc người trong thôn xóm bạo lực thể chất trước khi tròn 18 tuổi và cứ 4 trẻ em thì có 1 em bị bạo lực về tình cảm.

Phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em: Cần nhiều hơn nữa nỗ lực để lấp đầy khoảng trống.

Những tổn thương lâu dài

Bạo lực, xâm hại tình dục gây tổn thương nặng nề, lâu dài cả thể chất và tinh thần trẻ em, thậm chí làm trẻ em bị tử vong hoặc khiến trẻ em phải tự tử. Tại Việt Nam, trong 2 năm 2017 – 2018 và 3 tháng đầu năm 2019, toàn quốc xảy ra 3.449 vụ xâm hại trẻ em với 3.546 trẻ em bị xâm hại. Số  vụ xâm hại tình dục qua các năm là: năm 2017 là 1.592 vụ, năm 2018 là 1.547 vụ, trong quý I năm 2019 là 310 vụ.

Trong hai năm 2017, 2018 và 03 tháng đầu năm 2019, nhiều vụ xâm hại tình dục nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội: Em gái 11 tuổi bị cả cha đẻ và ông nội xâm hại tình dục (Vĩnh Long). Em gái 13 tuổi tự tử sau khi bị người hàng xóm xâm hại tình dục nhiều lần (Cà Mau). Nhiều học sinh nam trường nội trú bị thầy hiệu trưởng xâm hại tình dục (Phú Thọ). Nhiều học sinh nữ lớp 3 bị thầy giáo xâm hại tình dục (Hà Nội). Em gái 9 tuổi bị xâm hại tình dục trên đường đi học về (Hà Nội). Em gái 14 tuổi bị cha đẻ là quân nhân xâm hại tình dục suốt 04 năm (Bắc Giang)…

Phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em: Cần nhiều hơn nữa nỗ lực để lấp đầy khoảng trống
Phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em: Cần nhiều hơn nữa nỗ lực để lấp đầy khoảng trống

Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em (CRC).

Từ năm 1990 đến nay, Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện tốt các cam kết quốc tế. Sau khi Luật trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, đặc biệt khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg, công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em đã có những chuyển biến tích cực.

Nhận thức, kiến thức của người dân và trẻ em về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em đang dần được nâng cao. Số vụ việc được phát hiện, lên tiếng, số lượng thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em đang có xu hướng tăng lên. Sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của các cơ quan chức năng cấp trung ương và chính quyền một số địa phương trong chỉ đạo, giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em đã từng bước củng cố niềm tin của người dân, tạo sự ủng hộ từ dư luận xã hội, đẩy mạnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Công tác hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ đối với trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại từng bước được tuân thủ chặt chẽ theo quy định của pháp luật.

Nhiều địa phương ban hành cơ chế, chính sách và giải pháp đặc thù phù hợp để giải quyết các vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em. Trong năm 2018 và 2019, Ủy ban ban Quốc gia về trẻ em đã ưu tiên chỉ đạo, đôn đốc công tác bảo vệ trẻ em, phòng ngừa, giải quyết tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

Trong thời gian qua các bộ ban ngành đã phối hợp triển khai truyền thông về tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phổ biến kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; bảo đảm quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em. Thông tin, quảng bá về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) trên các kênh truyền thông đại chúng và mạng xã hội đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm hỗ trợ, can thiệp, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; thúc đẩy việc phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về bảo vệ trẻ em và kỹ năng phòng ngừa, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em…

Các nạn nhân trẻ em bị xâm hại tình dục đã được các địa phương hỗ trợ về tâm lý, trợ giúp xã hội, chăm sóc y tế, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp và các dịch vụ bảo vệ trẻ em khác.

Khoảng trống rất lớn.

Một thực tế là hiện nay tầm quan trọng và tính cấp bách của công tác bảo vệ trẻ em chưa được cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng ở một sốđịa phương nhận thức đầy đủ, sâu sắc và quan tâm chỉ đạo, đầu tư đúng mức. Ý thức chấp hành, việc thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em của một bộ phận cán bộ có thẩm quyền chưa nghiêm, hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em có lúc, có nơi bị bỏ lọt, bỏ qua, chậm bị xử lý. Vẫn xảy ra các vụ việc vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, trong đó có xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực trẻ em trong gia đình, bạo lực học đường chậm được phát hiện, báo cáo, giải quyết gây bức xúc trong dư luận xã hội. Vẫn còn hiện tượng chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục không thông tin, báo cáo đến cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em mà bao che, tự tìm cách xử lý vụ việc.

Nhiều quy định pháp luật, chính sách cụ thể liên quan đến bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng vẫn đang trong quá trình rà soát, nghiên cứu, kiến nghị hoàn thiện. Quy định và hướng dẫn về việc xác định các dấu hiệu cụ thể để định tội về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi còn chưa cụ thể, rõ ràng.

Kênh thông tin, truyền thông vẫn còn vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em.

Như thông tin, phản ánh chi tiết, cụ thể hành vi xâm hại, nơi xảy ra vụ việc, địa chỉ cư trú của trẻ em, hình ảnh trẻ em hoặc cha, mẹ, người thân của trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục. Chưa có chế tài pháp lý cụ thể xử lý hành vi vi phạm thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em. Người tốt, việc tốt, điển hình cá nhân, tập thể trong phát hiện, tố giác; cơ quan, tổ chức tích cực xử lý, giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em và các mô hình trong cộng đồng tích cực tham gia hoạt động bảo vệ trẻ em, chủ động phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em chưa thường xuyên được nêu gương, truyền thông rộng rãi.

Hệ thống nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về trẻ em, bảo vệ trẻ em ở các cấp thiếu về số lượng.

Còn kiêm nhiệm quá nhiều việc và thường xuyên có sự thay đổi. Phần lớn các địa phương bố trí ngân sách mức rất thấp cho công tác bảo vệ trẻ em, thậm chí có địa phương cắt giảm hoặc không bố trí ngân sách khi có ngân sách trung ương hỗ trợ. Công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước đối với việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em, xử lý vụ việc xâm hại tình dục trẻ em chưa được chú trọng đúng mức, chưa thường xuyên.

Công tác giám sát, phản biện xã hội đối với thực thi pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em chưa quyết liệt, chưa kịp thời nên những vấn đề nóng về trẻ em, trong đó có xâm hại tình dục trẻ em, chưa được các thành viên của tổ chức, cộng đồng dân cư quan tâm, phát hiện và chung tay giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em. Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.

Thứ nhất, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em:

Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật giám định tư pháp, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trẻ em…

Thứ hai, Tăng cường truyền thông về các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Các nội dung phổ biến kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; phát hiện, lên tiếng, thông báo ngay cho các cơ quan chức năng về các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

Thứ ba, hướng dẫn cụ thể, kịp thời việc tiếp nhận, xử lý thông tin.

Hỗ trợ, can thiệp các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bảo đảm các em được cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trợ giúp xã hội, hỗ trợ giáo dục, đào tạo, trợ giúp pháp lý, tư vấn tâm lý và các dịch vụ bảo vệ trẻ em khác.

Thứ tư, kiến nghị cấp có thẩm quyền đánh giá.

Xử lý việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu các cấp chính quyền, nhất là Ủy ban nhân dân cấp xã, các trường học về việc để xảy ra tình trạng không xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn, trong trường học; không kịp thời hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại.

Thứ năm, tăng nguồn lực cho công tác bảo vệ trẻ em.

Bao gồm bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, bố trí ngân sách địa phương để thiết lập, triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, thành lập nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã.

Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em của các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương.

Hướng dẫn, vận động bố trí ngân sách cho công tác bảo vệ trẻ em. Tổ chức các đoàn kiểm tra của Ủy ban Quốc gia về trẻ em tại các Bộ, ngành, địa phương về bảo đảm thực hiện quyền trẻ em,  đặc biệt thanh tra, kiểm tra liên ngành việc thực hiện quyền trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và công tác giải quyết việc nuôi con nuôi tại các cơ sở trợ giúp xã hội.

Thứ bảy, hướng dẫn việc thành lập và hoạt động nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em.

Cấp xã do Chủ tịch UBND xã đứng đầu với thành phần gồm người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, Trưởng công an xã, Bí thư Đoàn Thanh niên CSHCM xã, Chủ tịch Hội phụ nữ xã, Trạm trưởng Trạm y tế, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã; hình thành mạng lưới những người tham gia công tác bảo vệ trẻ em gồm các thành viên thuộc nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã và các thành viên tự nguyện./.

Phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em.

nhanquyenvn.org

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *