Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
18361

Những tiền đề vững chắc trong bảo đảm quyền con người

Ngày 11/10/2022, trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 77, Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã bỏ phiếu bầu 14 thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Việt Nam đã trúng cử và sẽ bắt đầu nhiệm kỳ thành viên từ ngày 01/01/2023. Đây là lần thứ 2 Việt Nam trúng cử vào làm thành viên HĐNQ LHQ (nhiệm kỳ trước từ 2014-2016). Đây cũng là năm Việt Nam bảo vệ Báo cáo quốc gia CERD; Hoàn chỉnh và nộp báo cáo quốc gia thực thi ICCPR; Xây dựng Báo cáo quốc gia lần thứ 2 về thực hiện Công ước Chống tra tấn (CAT); Xây dựng Dự thảo Báo cáo quốc gia theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 4 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc. Những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua sẽ tạo tiền đề vững chắc để Việt Nam hoàn thành tốt các cam kết quốc tế về quyền con người, nâng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nỗ lực bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Bảo đảm quyền con người là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta,quan điểm này đã được cụ thể hóa trong  Hiến pháp và pháp luật, các chính sách phát triển kinh tế văn hóa xã hội, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Thực tế cho thấy, việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam, trong đó các quyền về tự do tôn giáo, dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cơ bản của công dân, luôn được quan tâm đặc biệt. Điều này trước hết được minh chứng thông qua việc Nhà nước Việt Nam nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, với hơn 100 văn bản luật, pháp lệnh liên quan đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới từ năm 2014 đến nay. Trong đó,nhiều luật quan trọng như Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Trẻ em; Luật Báo chí; Luật An ninh mạng…Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân là mục tiêu phấn đấu. Điều này được thể hiện rõ nét trong giai đoạn đối phó với đại dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã coi việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người dân là ưu tiên cao nhất, trước nhất.

Việt Nam hiện thực hóa quyền con người

Xác địnhcon người là mục tiêu và động lực phát triển, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có những chính sách an sinh xã hội bao phủ rộng khắp. Đến nay, Việt Nam đã phổ cập giáo dục trung học cơ sở, đã xóa được “xã trắng” về giáo dục mầm non.Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”, Việt Nam đã nâng tỷ lệ biết chữ độ tuổi 15-60 là 97,85% và tỷ lệ biết chữ độ tuổi 15-35 là 99,3%.Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho các nhóm yếu thế, trong đó tập trung hỗ trợ học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nếu Báo cáo phát triển con người của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) trước đây cho thấy, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 1990 là 0,472, nằm trong nhóm các nước có chỉ số HDI thấp thì đến năm 2016, chỉ số này đạt mức 0,682 và tăng lên 0,706 năm 2020 nằm trong nhóm có HDI cao của thế giới.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác bình đẳng giới, được thế giới công nhận là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Những thành tựu đạt được cũng trở thành tiền đề, thành động lực mạnh mẽ để Việt Nam tiếp tục thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới, góp phần đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Không chỉ tập trung đầu tư cho con người nói chung, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn chú trọng thực hiện tốt chính sách đối với người có công, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đã tăng từ 81,7% năm 2016 lên 90,85% năm 2020. Các đối tượng chính sách như người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế-xã hội khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người trên 80 tuổi (năm 2020, 99% người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế)… được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua bảo hiểm y tế. Tỷ lệ trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng từ 90% năm 2016  và đạt 92,8% năm 2020. Tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam (theo WB)đã tăng từ 70,5 năm 1990 lên 75,4 năm 2019, cao nhất giữa các quốc gia trong khu vực có mức thu nhập tương đương.

Dấu ấn đối ngoại quan trọng về quyền con người

Năm 2022 Việt Nam đã đạt được những kết quả nổi bật, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Dấu ấn quan trọng nhất là việc Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Việc Việt Nam lần thứ hai trúng cử khẳng định cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam trong bảo đảm, thúc đẩy quyền con người; đồng thời là sự ghi nhận, tín nhiệm, tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với vai trò tích cực của Việt Nam trong thúc đẩy các quyền con người trên bình diện quốc tế, như những gì mà Việt Nam đã thể hiện trong cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016. Với quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, việc trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 là cơ hội để Việt Nam tiếp tục thể hiện tiếng nói và đóng góp của mình trong giải quyết các vấn đề quyền con người của Liên hợp quốc cũng như của cộng đồng quốc tế.

Việt Nam trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025

Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nghĩa vụ và cam kết theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, trong đó có việc triển khai các khuyến nghị UPR đã chấp thuận. Trong chu kỳ III, Việt Nam đã nhận được 291 khuyến nghị từ 122 nước và đã chấp thuận 241 khuyến nghị trong số đó. Ngày 31/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 1975/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch Tổng thể thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III Việt Nam đã chấp thuận, trong đó giao nhiệm vụ trực tiếp, cụ thể cho 18 Bộ, ngành triển khai các khuyến nghị này. Kế hoạch Tổng thể cũng đề ra nhiệm vụ xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện và giao cho Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để sơ kết việc thực hiện Kế hoạch Tổng thể, cũng như hướng tới việc tham gia UPR chu kỳ IV (dự kiến trong năm 2024). Việt Nam khẳng định sự ủng hộ và tham gia nghiêm túc, trách nhiệm tại cơ chế UPR của Hội đồng Nhân quyền, trong đó, với chu kỳ III, Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm 82,6% các khuyến nghị đã chấp thuận, dự kiến sẽ hoàn thành chu kỳ III trong năm 2023 và khởi động quá trình chuẩn bị tiến trình xây dựng Báo cáo UPR chu kỳ IV để gửi Hội đồng Nhân quyền vào đầu năm 2024 và đề nghị các cơ quan Liên hợp quốc, các đối tác phát triển, các bên liên quan tiếp tục cùng đồng hành, hợp tác với Việt Nam để hoàn thành tiến trình đúng tiến độ với chất lượng cao nhất.

Dư luận quốc tế và trong nước rất ủng hộ khi đón nhận tin vui Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Ngày 14/10, Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội lên tiếng chúc mừng trên Facebook: “Chúng tôi (Phái bộ ngoại giao Mỹ) gửi lời chúc mừng Việt Nam trúng cử Thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và hy vọng cùng làm việc để thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên toàn cầu và tại Việt Nam”.

Tờ Washington Times – một tờ báo uy tín của Mỹ ngày 21/9/2022 đăng tải bài viết trong đó đánh giá cao việc Việt Nam cử cán bộ tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan và cộng hòa Trung Phi. Mặt khác, qua cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, Việt Nam được ghi nhận là hiệu quả chống dịch tốt, đồng thời tích cực hỗ trợ cho một số quốc gia về trang thiết bị y tế. Bài viết khẳng định từ khi tham gia chính thức là thành viên Liên hợp quốc từ tháng 9/1977, Việt Nam đã đóng góp hiệu quả vào hoạt động trong xây dựng hòa bình, phát triển và bảo đảm quyền con người. Bên cạnh việc trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016, và nhiệm kỳ 2023-2025 sắp tới, Việt Nam còn làm tốt các vai trò khác trên trường quốc tế như: hai lần trúng cử Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008-2009 và nhiệm kỳ 2020-2021); hiện là điều phối viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Hội đồng nhân quyền.

Tại lễ kỷ niệm 74 năm Ngày Nhân quyền thế giới, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc, bà Pauline Tamesis cho rằng, việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 là cơ hội quan trọng để Việt Nam thể hiện những nỗ lực cụ thể trong việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người. Những kết quả tích cực này cũng là cơ sở và động lực để Việt Nam góp phần thúc đẩy và bảo vệ tốt hơn nữa các quyền con người trên phạm vi toàn cầu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *