Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
25067

Nhức nhối virus “Phân biệt chủng tộc” Kỳ 2: Khát vọng công bằng và bình đẳng

Xét một cách sâu hơn nữa, gốc gác của tình trạng phân biệt chủng tộc chính là thứ tư duy tự lấy mình làm quy chuẩn cho mọi giá trị, tự tôn thờ bản thân. Tư duy này ăn sâu vào hành động xã hội, thực tiễn, tín ngưỡng hoặc hệ thống chính trị, cội nguồn dẫn đến sự khác biệt trong việc phân bổ của cải, phúc lợi xã hội cho các nhóm người khác nhau. Sự khác biệt này lại càng trở nên sâu sắc giữa các quốc gia khi có sự chênh lệch rõ ràng về trình độ phát triển và quản lý.

Đâu là nguồn gốc?

Phân biệt chủng tộc có lẽ xuất phát từ niềm tin rằng các nhóm người sở hữu những đặc điểm hành vi khác nhau tương ứng với ngoại hình và có thể được phân chia dựa trên sự vượt trội của chủng tộc này so với chủng tộc khác.  Những quan điểm này có thể ở dạng hành động xã hội, thực tiễn hoặc tín ngưỡng hoặc hệ thống chính trị, trong đó các chủng tộc khác nhau được xếp hạng là vượt trội hoặc kém hơn, dựa trên những đặc điểm, khả năng hoặc phẩm chất được thừa nhận chung.

Người dân tham gia biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc tại Đức

Trước nay người ta đã phân tích và tranh cãi về nguồn gốc của nạn kỳ thị chủng tộc, về tính chính đáng của các cuộc biểu tình đòi quyền bình đẳng. Nhưng dù tranh cãi theo hướng nào, chúng ta cũng phải thừa nhận nó là hậu quả từ một lịch sử phân biệt đối xử của người da trắng đối với người da màu. Một điểm đáng chú ý của nghị quyết vừa được HĐNQ LHQ thông qua cũng nhấn mạnh tình trạng buôn bán nô lệ qua Đại Tây Dương là nguồn gốc và biểu hiện chính của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, kỳ thị chủng tộc và bài ngoại. Tổ tiên của những cư dân gốc Phi đã từng bị bắt làm nô lệ, bị xem như món hàng mua qua bán lại, vì thế, họ bị chia cách với gia đình, bị tách khỏi cấu trúc cộng đồng dân tộc, bị cắt đứt khỏi gốc rễ quê hương và mất liên hệ với cội nguồn văn hoá. Người da màu với lịch sử khó khăn của mình vẫn là nhóm người yếu thế trong con mắt của nhiều người khác. Tỷ lệ thất học, đói nghèo và tội phạm trong cộng đồng người da màu luôn cao hơn so với các nhóm người khác. Vòng luẩn quẩn của thất học – đói nghèo – tội phạm và do đó bị phân biệt đối xử vẫn đeo bám với rất nhiều người da màu. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có hệ thống và bạo lực liên quan tới sắc tộc ngày nay bắt nguồn từ việc các quốc gia không có sự thừa nhận chính thức về trách nhiệm của mình đối với việc các chính phủ trong quá khứ đã từng tham gia hoặc trục lợi từ hoạt động buôn bán nô lệ châu Phi xuyên Đại Tây Dương và chủ nghĩa thực dân. Bản thân lịch sử phân biệt chủng tộc trên nước Mỹ bắt đầu từ thời mua bán nô lệ da đen cách đây khoảng 400 năm. Người da đen đã bị đối xử vô cùng tồi tệ trong suốt thời gian dài cho tới năm 1964 khi Đạo luật Dân quyền (Civil Rights Act) được thông qua. Trong khi đó việc xoá bỏ một phần lịch sử quốc gia hay loại bỏ dấu ấn của nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn là câu hỏi lớn với người dân châu Âu khi phải đối diện với quá khứ thuộc địa của chính đất nước mình.

Đó là câu chuyện của lịch sử. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, nhu cầu về lao động có tay nghề cao hơn, đặc biệt là ở Bắc Mỹ, châu Âu và các nơi khác đã khiến làn sóng thu hút lao động nước ngoài gia tăng. Tuy nhiên điều này làm gia tăng sự phẫn nộ của những người địa phương ở những quốc gia không được hưởng lợi từ toàn cầu hóa. Sự thù ghét có nguyên nhân và cũng không phải vô cớ. Những người nước ngoài nhập cư có lối sống khác biệt văn hoá và mọi thứ đều ở mức thấp hơn. Tuy nhiên, họ luôn đòi hỏi được cư xử như người bản địa, dẫn đến suy nghĩ phân biệt đối xử, thù ghét từ những người dân địa phương. Mối lo ngại thay đổi văn hóa cũng lớn không kém mối lo ảnh hưởng tới việc làm hay an ninh, khiến một bộ phận người dân bản địa phản đối người nhập cư. Phân biệt chủng tộc gia tăng và việc chính quyền thiếu phương tiện đối phó đã tạo thuận lợi cho sự phát triển của phe hữu theo chủ nghĩa dân túy và chống nhập cư. Điển hình trong câu chuyện Brexit, một trong những nguyên nhân khiến 52% cử tri Anh bỏ phiếu chọn tách ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) được cho là một phần có tâm lý “thù ghét” người di cư, kể cả người di cư từ các quốc gia khác trong EU, coi đây như mối đe dọa đến việc làm và an ninh của người dân Anh. Không ít đảng dân túy ở châu Âu khi tranh cử đã nêu khẩu hiệu “giành lại đất nước mình”. Chiến thắng của các đảng dân túy cánh hữu trong các cuộc bầu cử ở châu Âu trong vài năm trở lại đây gắn liền với làn sóng bài ngoại và phân biệt chủng tộc, chứa đựng nhiều ẩn họa, làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng nhân đạo di cư, nhập cư, gây chia rẽ, bất ổn xã hội trầm trọng.

Khát vọng công bằng và bình đẳng

Xét cho cùng, mỗi dân tộc đều ít nhiều mang tâm lý phân biệt theo quy luật, nước mạnh xem thường nước yếu, dân tộc phát triển khinh rẻ dân tộc kém phát triển hơn. Và nếu xét theo qui mô nhỏ hơn, nhưng lại mang tính chung hơn là nhóm phát triển hơn coi khinh nhóm kém phát triển; người mạnh hơn, khôn hơn xem thường người yếu thế hơn, kém trí hơn. Có một hiện tượng đáng chú ý là khi một nhóm người bị khinh miệt, chính họ lại có nguy cơ gia tăng lòng phân biệt chủng tộc đối với các nhóm thấp kém hơn, như một cách tự nâng mình lên để giải toả sự ẩn ức. Nhưng nhìn chung, có thể nói nguyên nhân chính yếu khiến người ta dễ khinh thường người khác hay dân tộc khác là vì họ cho rằng mình thông minh hơn, tài giỏi hơn, dân tộc mình tiến bộ, văn minh hơn.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu có dân tộc nào thông minh thượng đẳng bên cạnh những dân tộc thấp kém trí tuệ hay không? Thước đo phát triển công nghệ, khoa học kỹ thuật khiến nhiều người lầm tưởng về thuyết tiến hoá và ngành di truyền học. Trong khi đó, tiêu chuẩn văn minh tiến bộ lại do chính những người, những nước có sức mạnh về quân sự và khoa học kỹ thuật phát triển tự đặt ra. Do đó, xét một cách sâu hơn nữa, gốc gác của tình trạng phân biệt chủng tộc chính là thứ tư duy tự lấy mình làm quy chuẩn cho mọi giá trị, tự tôn thờ bản thân. Tư duy này ăn sâu vào hành động xã hội, thực tiễn, tín ngưỡng hoặc hệ thống chính trị, cội nguồn dẫn đến sự khác biệt trong việc phân bổ của cải, phúc lợi xã hội cho các nhóm người khác nhau. Sự khác biệt này lại càng trở nên sâu sắc giữa các quốc gia khi có sự chênh lệch rõ ràng về trình độ phát triển và quản lý.

Nước Mỹ thời gian qua sục sôi với những phong trào chống phân biên chủng tộc, kéo theo những hệ lụy bất ổn xã hội, cho thấy sống tại một đất nước đa sắc tộc cũng không có nghĩa là sự đa dạng sắc tộc ấy được trân trọng và đánh giá đúng. Khi mà những tư tưởng dân túy cực đoan và chủng tộc thượng đẳng chưa bị xóa bỏ, cuộc đấu tranh để xây dựng một thế giới, nơi mọi con người sinh ra đều tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền lợi, cũng như có tiềm năng để đóng góp mang tính xây dựng cho sự phát triển và thịnh vượng của xã hội, sẽ là một chặng đường dài đòi hỏi nhiều nỗ lực chung hơn nữa

HOÀNG DANH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *