Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
28809

Nhức nhối virus “Phân biệt chủng tộc” Kỳ 1: Mỹ và phần nổi của tảng băng chìm

Phiên họp thứ 47 của HĐNQ LHQ  thông qua một nghị quyết do các nước châu Phi cùng đưa ra giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc có hệ thống. Đây là nghị quyết đầu tiên của HĐNQ LHQ sau ngày nước Mỹ và cả thế giới sục sôi vì cái chết của người Mỹ gốc Phi George Floyd trong tay cảnh sát vào tháng 5 năm ngoái. Nghị quyết là lời kêu gọi hợp tác khẩn cấp ở mức độ toàn cầu, chung tay đẩy lùi virus nguy hiểm đang gây chia rẽ thế giới nói chung và “bào mòn” xã hội của từng quốc gia nói riêng.

Hội đồng Nhân quyền LHQ thông qua nghị quyết về vấn đề phân biệt chủng tộc

Phần nổi của tảng băng chìm

Phân biệt chủng tộc là một vấn đề mang tính lịch sử, một căn bệnh khó chữa biểu hiện dưới nhiều hình thức từ cấp độ quốc gia đến quốc tế. COVID-19 bùng phát với những tác động chưa từng có, càng khiến vấn đề này trở nên nhức nhối hơn, khi những người yếu thế phải nỗ lực để bảo đảm quyền sống và quyền được bảo vệ trước đại dịch. Làn sóng phản kháng tại Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới hay nghị quyết mới nhất của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ LHQ) về vấn đề phân biệt chủng tộc đang là những đốm lửa nhen nhóm cho con đường tìm tới “khát vọng công bằng và bình đẳng”.

Có thể nói khi nhắc đến phân biệt chủng tộc, không thể không nhắc tới nước Mỹ – mảnh đất đa chủng tộc nhất trên thế giới, cũng là nơi vấn nạn này rõ rệt và gay gắt hơn bất cứ đâu. Là quốc gia phát triển hàng đầu thế giới và luôn tự hào với những giá trị của bình đẳng và dân chủ, nhưng tình trạng phân biệt chủng tộc, đặc biệt là sự kỳ thị của những người Mỹ da trắng với cộng đồng người da màu vẫn âm ỉ cho dù chính quyền Mỹ đã làm rất nhiều việc để phá bỏ quan điểm về “chủ nghĩa da trắng thượng đẳng”. Tháng 5/2020, vụ việc người đàn ông da màu bị viên cảnh sát da trắng đè đầu gối lên cổ dẫn tới tử vong đã khiến cả nước Mỹ chìm trong biểu tình và hỗn loạn. Người gốc Phi chỉ chiếm 13% dân số Mỹ nhưng lại chiếm tới 36% số nạn nhân bị cảnh sát bắn dù họ không hề tàng trữ vũ khí trong người hay có ý định chống trả. Bạo lực nhằm vào người gốc Á cũng không phải là chuyện hiếm, song kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, những vụ kỳ thị, tấn công người gốc Á tăng lên đáng kể.

Hình ảnh những người da đen bị đối xử thô bạo xuất hiện trên truyền thông chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi phân biệt chủng tộc đã ăn sâu vào mọi ngóc ngách đời sống xã hội tại Mỹ. Những con số biết nói trong đại dịch COVID-19 cho thấy rõ nét nhất sự phân biệt này, khi người da màu trở thành nhóm gánh chịu nhiều hậu quả nhất của đại dịch. Nguyên nhân do xã hội Mỹ là một hệ thống phân cấp mà ở đó các chính sách luôn có lợi cho người da trắng và bất lợi hơn đối với người da màu, đặc biệt người gốc Phi.

Chuyện không chỉ riêng ai

Theo các số liệu thống kê, người Mỹ gốc Phi có nguy cơ tử vong vì đại dịch cao gấp đôi so với người da trắng và tương tự người Mỹ gốc Latinh hoặc bản địa (Anh-điêng) cũng đối mặt với nguy cơ tử vong cao gấp 1,5 lần so với người da trắng. Số lượng bác sĩ da màu chỉ chiếm 5% trong số nhân viên y tế tại Mỹ, trong khi vấn đề đăng ký và phân bổ vaccine cũng có sự phân biệt rõ rệt. Ngoài ra, người da màu chủ yếu làm các công việc chân tay, tiếp xúc trực tiếp với nhiều người, khiến họ trở thành đối tượng dễ bị lây nhiễm nhất. Điều kiện sống chật chội trong khi đa phần họ không thể có đủ tiền chi trả để được chăm sóc y tế đúng vào lúc cần nhất. Phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống còn tồn tại ở nhiều nơi trên đất Mỹ: từ trường học, công sở, tòa án, cho đến ngành cảnh sát… Đó là những nơi mà người ta thấy dường như người da trắng luôn nắm các vị trí chủ chốt, ra quyết định. Và nếu ở đâu đó có một số người da màu giữ được vị trí tương tự thì con đường để tới đó là sự nỗ lực gấp hơn nhiều lần các đồng nghiệp da trắng.

Có thể nói, phân biệt chủng tộc không phải là vấn đề riêng của nước Mỹ hay của người da trắng nói chung, mà là của cả thế giới. Tại nhiều quốc gia ở châu Âu và châu Mỹ, những người gốc Phi phải sống trong tình cảnh nghèo đói và phải đối mặt với những rào cản nghiêm trọng trong việc tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức khỏe và việc làm, cũng như tham gia hoạt động chính trị và các quyền cơ bản khác của con người. Nạn phân biệt chủng tộc cực đoan dựa trên tư tưởng thúc đẩy chủ nghĩa dân túy, phân biệt đối xử và đề cao chủ nghĩa thượng đẳng da trắng đang bùng phát tại nhiều nơi tại châu Âu, kéo theo “làn sóng” bài ngoại chủ yếu nhằm vào những người di cư và tị nạn, người Hồi giáo hay người Do Thái. Tại châu Âu, nhiều đảng cực hữu dân túy tìm cách giành sự ủng hộ của cử tri với những tuyên bố kích động tư tưởng kỳ thị chủng tộc, chống người nhập cư và chống lại chủ nghĩa đa văn hóa. Trong khi đó phân biệt chủng tộc còn xuất hiện ngay trong lòng châu Phi hay châu Á khi không thiếu những dân tộc tỏ ra “kẻ cả”, xem thường những dân tộc khác.

HOÀNG DANH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *