Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
62610

Bảo đảm an ninh con người vừa là mục tiêu, là động lực bảo đảm cho sự ổn định chính trị, phát triển đất nước Kỳ 2: Mối quan hệ giữa an ninh con người và an ninh quốc gia

An ninh con người là trạng thái người dân được sống ổn định, an toàn, không bị đe dọa bởi các nguy cơ xâm hại. Bảo vệ an ninh con người là bảo đảm và thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013, bảo đảm mọi người dân được sống ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh” (Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng).

An ninh con người là một phần của an ninh quốc gia

Vấn đề an ninh con người đã được LHQ và nhiều nước trên thế giới tiếp nhận như một tư duy mới có sức thuyết phục và có giá trị thực tiễn cao. Con người đặt ở vị trí trung tâm của thời cuộc, của xã hội là mang tính khách quan bởi xã hội suy cho cùng là xã hội của con người và vì con người. Thực hiện an ninh con người sẽ bổ sung và làm phong phú cho an ninh quốc gia và an ninh toàn cầu. Tuy nhiên, từ khái niệm chung về an ninh con người lại có cách hiểu cụ thể khác nhau, dẫn tới những chính sách và hành vi rất khác nhau.

Bảo đảm an ninh con người chính là bảo đảm lợi ích quốc gia dân tộc

Thể chế chính trị Việt Nam coi trọng an ninh con người, đề cao vai trò của quần chúng nhân dân, coi nhân dân là người chủ thực sự của xã hội. Do đó, các chính sách và an ninh xã hội, công bằng xã hội, bình đẳng xã hội, xóa đói giảm nghèo… được coi trọng và thực hiện cũng chính là nhằm bảm đảm an ninh con người. Chính việc bảo đảm được an ninh con người làm cho an ninh quốc gia được ổn định, đất nước phát triển bền vững, hài hòa. An ninh con người không tách rời an ninh quốc gia và bảo đảm an ninh con người chính là bảo đảm an ninh quốc gia. Thực tiễn cho thấy, xã hội được bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn chính là thước đo quan trọng hàng đầu phản ánh chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của người dân. Dù cho người dân có thu nhập tốt, mức sống cao nhưng nếu xã hội bất ổn về chính trị, bị đe dọa về nạn khủng bố, xung đột, bạo loạn… sẽ gây đảo lộn cuộc sống, làm cho tâm lý người dân hoang mang, lo sợ và cuộc sống chung của toàn xã hội sẽ bất an, nguy hiểm. Ngược lại, xã hội được bảo đảm an ninh không chỉ loại trừ được sự nguy hiểm đe dọa sinh mạng, sức khỏe mà còn  bảo đảm cho cuộc sống bình thường của mỗi con người, sự ổn định, hạnh phúc trong cuộc sống.

An ninh con người là một phần của an ninh quốc gia; chính trật tự, kỷ cương mang lại môi trường, cuộc sống an toàn cho mọi người dân và từ môi trường đó càng củng cố niềm của người dân đối với Đảng, chế độ, củng cố niềm tin vào cuộc sống an lành. Điều này cũng nhằm phản bác lại một số luận điệu muốn tách an ninh con người khỏi an ninh quốc gia, đặt an ninh con người trên an ninh quốc gia, từ đó lấy cớ nhân quyền, dân chủ để thực hiện các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, vu cáo Đảng, Nhà nước vi phạm quyền con người, quyền công dân. Đây thực chất là hành vi lợi dụng vấn đề an ninh con người để chống phá đất nước, gây nguy hại đến an ninh quốc gia. Thực chất, bảo đảm an ninh con người trước hết phải là bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia của cả cộng đồng sinh sống, đó là chủ quyền thiêng liêng nhất, bao hàm an ninh con người và phục vụ cao nhất cho an ninh con người.

Mục tiêu phấn đấu, là động lực cho sự phát triển

Thực tiễn khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận chỉ đạo về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Trải qua 13 kỳ đại hội Đảng, nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia luôn được đề cập và bổ sung, phát triển từ nhận thức, tư duy đến đánh giá, dự báo tình hình, xác định mục tiêu, phương hướng, chủ trương, giải pháp thực hiện.

Trong điều kiện ngày nay, khi toàn cầu hóa với sự tác động của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ phát triển vượt bậc kéo theo tất cả các nước tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế và hội nhập quốc tế trở thành một tất yếu khách quan buộc tất cả các nước đều phải hòa mình vào dòng chảy đó. Tuy nhiên, quá trình hội nhập quốc tế luôn tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với mọi quốc gia. Hội nhập quốc tế đòi hỏi mỗi nước phải đề cao độc lập, chủ quyền cùng với an ninh xã hội, an ninh con người của đất nước mình. Do đó, việc bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người trong quá trình hội nhập quốc tế là một trong những vấn đề cơ bản và thiết yếu hiện nay đối với nước ta.

Về vấn đề này, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt nhân tố con người, an ninh con người làm trung tâm của mọi hoạt động, xác định bảo vệ an ninh con người vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định chính trị xã hội và xây dựng, phát triển đất nước trường tồn, thịnh vượng. Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân, do vậy bảo vệ an ninh quốc gia cũng chính là bảo vệ cuộc sống của người dân. An ninh con người là trạng thái người dân được sống ổn định, an toàn, không bị đe dọa bởi các nguy cơ xâm hại. Bảo vệ an ninh con người là bảo đảm và thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013, bảo đảm mọi người dân được sống ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh.

Bộ trưởng Tô Lâm chỉ rõ, đây là sự kế thừa nội dung bảo đảm lợi ích quốc gia – dân tộc” đã được nêu ở các kỳ Đại hội trước. Đồng thời, về phương hướng phát triển đất nước đến năm 2030, Đại hội XIII khẳng định tư duy và định hướng xa hơn trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia. Coi việc giữ vững an ninh quốc gia vừa là mục tiêu, giải pháp để phát triển bền vững đất nước; đồng thời thể hiện tư tưởng chỉ đạo phát triển để giữ vững an ninh, an ninh để phát triển, an ninh trong phát triển.

An Nhi

 

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *