Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
19194

Nền giáo dục CuBa: Di sản vĩ đại của Fidel Castro

Nền giáo dục CuBa: Di sản vĩ đại của Fidel Castro

Là lãnh tụ huyền thoại của đất nước Cuba, Fidel Castro để lại một di sản lớn, trong đó có hệ thống nền giáo dục CuBa miễn phí.

Nền giáo dục CuBa: Di sản vĩ đại của Fidel Castro
Nền giáo dục CuBa: Di sản vĩ đại của Fidel Castro

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) tháng 3/2014, Cuba là đất nước có tỷ lệ người biết chữ cao nhất Mỹ La tinh và là nơi có hệ thống giáo dục hiệu quả trên thế giới. “Hệ thống trường học tại Cuba có tiêu chuẩn cao, chất lượng học thuật tốt. Giáo viên được trả lương cao, đảm bảo cuộc sống. Các trường tự chủ chuyên nghiệp. Cuba là một trong những nước có hệ thống giáo dục hiệu quả, sánh ngang với Phần Lan, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Hà Lan và Canada”, trích báo cáo của WB.

Kiên định với chính sách giáo dục miễn phí

Tháng 1/1998, chia sẻ về thành tựu giáo dục của mình trong cuộc gặp với giáo hoàng John Paul II, ông Fidel Castro từng nói: “Đêm nay có hàng triệu trẻ em phải ngủ ngoài đường nhưng không có ai trong số đó là người Cuba. Ở Cuba, không có trẻ thất học vì đói nghèo”. Theo sách Cuba, between Reform and Revolution của tác giả Louis A. Perez, trước khi Fidel Castro lãnh đạo vào năm 1959, 23,6% dân số Cuba mù chữ. Tại các vùng nông thôn, trên 50% dân số không biết đọc, viết và 61% trẻ em không có cơ hội tới trường.

Tháng 1/1961, ông Castro đã thực hiện chiến dịch yêu cầu sinh viên thành phố về nông thôn dạy người dân.

Khoảng 1 triệu người dân Cuba đã tham gia sự kiện giáo dục này, bao gồm các tình nguyện viên về nông thôn dạy học, công nhân tại các xí nghiệp dạy chữ cho đồng nghiệp, bạn bè, gia đình. Ngày 22/12/1961, Fidel Castro tuyên bố sẽ đưa Cuba thoát mù chữ và ngày này cũng được chọn là “Ngày nhà giáo” hàng năm.

Trong khoảng 3 năm, tỷ lệ dân số biết chữ tăng vọt nhờ khẩu hiệu: “Nếu bạn không biết, hãy học. Nếu bạn biết, hãy dạy”.

Cũng trong sách Cuba Between Reform and Revolution, tác giả Louis A. Pérez đưa ra số liệu: Năm 1953 có 56% trẻ em Cuba tới trường, năm 1970 là 88% và đến năm 1986 đạt 96%.

Niềm đam mê đặc biệt với sách

Trong cuốn sổ nhận xét về Castro, hiệu trưởng trường trung học của ông viết: “Fidel là học sinh xuất sắc về các môn học và là vận động viên đích thực, biết cách thu hút sự mến mộ của mọi người. Nếu theo học khoa Luật, chúng tôi tin rằng cậu sẽ có đầy đủ bản lĩnh và tài năng ghi những trang sáng ngời trong cuốn sổ cuộc đời mình”. Ngay từ thuở cắp sách đến trường, cựu thủ tướng Cuba đã bộc lộ tài năng thiên bẩm. Fidel tự tìm cách học riêng, không theo những quy phạm thông thường. Ông thường đọc sách và tự học các môn đến 3h sáng.

Những năm tháng tại Đại học La Habana, Fidel Castro ghi danh theo học liền lúc 50 môn khác nhau của ba ngành: Luật đại cương, Luật ngoại giao và Khoa học xã hội.

Chàng sinh viên trẻ tuổi có thể nói ngay vấn đề ở sách nào, đọc ở chương mấy, số trang… Sau này, trong mọi hoàn cảnh, ông cũng không từ bỏ ham mê đọc sách. Những người từng có dịp nói chuyện với ông, đặc biệt là các nhà báo, nhà văn nổi tiếng từng phỏng vấn ông hàng mấy chục tiếng, đều xác nhận rằng Fidel có thể thảo luận về mọi lĩnh vực, từ lịch sử, chính trị, xã hội học, triết học, tôn giáo, luật pháp, kinh tế… cho đến những đề tài đòi hỏi chuyên môn sâu như y học, công nghệ sinh học hay thị trường chứng khoán trên thế giới.

Năm 1986, Fidel Castro lập kỷ lục thế giới khi diễn thuyết liền 7 tiếng 10 phút tại quảng trường La Habana.

Nhà văn Gabriel Garcia Marquez (giải thưởng Nobel văn học 1982), bạn thân của Castro kể lại vị lãnh tụ của Cuba có thể đọc bất cứ tờ giấy có chữ nào trong tay, bao gồm sách, tài liệu, văn kiện cần thiết cho công việc. “Mỗi buổi sáng, bàn của ông thường được để sẵn từng chồng các loại bản tin, trong đó có đánh dấu những vấn đề quan trọng cần lưu ý, ông tự nghiên cứu những tài liệu đó. Ông có thể đọc bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào; đi trên máy bay ông vẫn đọc, thậm chí khi đi ôtô vào ban đêm, chỗ của ông cũng được trang bị một ngọn đèn để đọc sách”, Gabriel Garcia Marquez nói.

Nhân quyền Việt Nam

Khánh Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *