Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
54242

VAI TRÒ CỦA THIẾT CHẾ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG TRONG KIỂM SOÁT KIỂM SOÁT THAM NHŨNG

Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi hướng đến giải thích vấn đề tham nhũng từ góc độ thiết chế kinh tế thị trường. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của thiết chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong kiểm soát tham nhũng ở Việt Nam

              Thiết chế kinh tế thị trường và giải thích tình trạng tham nhũng

            Tình trạng tham nhũng và sự giải thích nguyên nhân từ góc độ thiết chế kinh tế thị trường  được thể hiện trên các khía cạnh sau đây.

        Một là, những quốc gia có nền kinh tế đang chuyển đổi thì tham nhũng có nguy cơ gia tăng trong xã hội. Sự gia tăng hiện tượng tham nhũng có liên quan với thiết chế kinh tế ở các nền kinh tế đang chuyển đổi. Tại các quốc gia này, do khuôn khổ thiết chế kinh tế đang trong quá trình cải tổ, chưa ổn định, các hoạt động sản xuất, phân phối, trao đổi… chưa được kiểm soát chặt chẽ. Trong một nền kinh tế đang nhanh chóng chuyển thể và phát triển thì tham nhũng là khó thể tránh; khi xã hội và kinh tế đã phát triển thì tệ nạn ấy sẽ đương nhiên giảm đi

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị phải chấn chỉnh, đấu tranh đẩy lùi tư tưởng chống tham nhũng

          Hai là, trong nền kinh tế thị trường, tham nhũng có thể gia tăng khi nguồn lực phát triển kinh tế được phân bổ bất bình đẳng. Khi quyền sở hữu tài sản chỉ tập trung vào một số ít người, các thể chế kinh tế trở nên mang tính chất chiếm đoạt, các khuyến khích kinh tế không có được ở số đông người dân, sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc và xung đột xã hội gay gắt sẽ ngăn trở sự phát triển lâu bền của các quốc gia (Phí Mạnh Hồng, 2014). Tăng trưởng dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên có sẵn có thể nói là biện pháp ít phức tạp, dễ hình dung nhất, nhưng đó là nơi giao thoa rõ nhất của tham nhũng và tàn phá môi trường. Không ít dự án khai thác không hiệu quả, dẫn đến thua lỗ triền miên, làm thất thu ngân sách nhà nước nặng nề, dù đã được cảnh báo nhưng vẫn diễn ra (Chu Quốc An, 2017).

         Ba là, kinh tế thị trường phát triển có thể thúc đẩy tinh thần vị kỷ, thực dụng dẫn đến sự suy đồi đạo đức và gia tăng tham nhũng. Một nhược điểm của cơ chế thị trường là nó chỉ khuyến khích những hoạt động có lợi ích cho bản thân cá nhân, và không khuyến khích những hoạt động chỉ có lợi ích cho cộng đồng. Khi các đòn bẫy kinh tế bị tham nhũng làm méo mó thì các biện pháp điều tiết, các chính sách kinh tế vĩ mô, chẳng những sẽ không đem lại những kết quả mong muốn nhưng còn gây ra nhiều hậu quả còn tệ hại hơn (Trần Hữu Dũng, 2014).

      Bốn là, phát triển doanh nghiệp FDI và chính sự có mặt của các công ty nước ngoài có thể làm tham nhũng gia tăng. Đối với những viên chức tham nhũng thì nền kinh tế mở có những hấp dẫn đặc biệt, bởi vì các lý do: 1) các công ty ngoại quốc có sức đưa nộp những món tiền hối lộ kếch xù, có thể gấp trăm, gấp ngàn lần những số tiền mà công ty bản xứ có khả năng đút lót; 2) phần lớn tiền tham nhũng nhận được từ nước ngoài sẽ nằm lại trong các tài khoản các ngân hàng ngoài nước, ngoài vòng kiểm tra của nhà nước, và chính nó sẽ làm cơ hội tham nhũng giữa những người trong nước tăng lên (họ chỉ cần chuyển tiền từ tài khoản này sang tài khoản khác ở ngoại quốc); 3) về tâm lý, nhận tiền hối lộ của người nước ngoài sẽ được cảm thấy là ít tội lỗi hơn là tống tiền của người trong nước (Trần Hữu Dũng, 2014).  Theo đánh giá Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 (PCI 2018) cho biết: 45% doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp FDI được ưu tiên giải quyết khó khăn hơn doanh nghiệp trong nước; 37% doanh nghiệp cho rằng chính quyền ưu tiên thu hút FDI hơn phát triển tư nhân trong nước; FDI được hưởng ưu đãi về thuế lớn (Cao Viết Sinh, 2019).

           Năm là, tham nhũng có thể gia tăng vì thiếu minh bạch trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước làm mất dần niềm tin ở nhân dân do quản lý nền kinh tế chưa thực sự hiệu quả và công bằng, do “lợi ích nhóm” chi phối nên nhiều chính sách kinh tế chưa thực sự xuất phát từ lợi ích chung của quảng đại nhân dân lao động (Phí Mạnh Hồng, 2017). Đồng thời, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nếu thiếu minh bạch, sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng phát triển. Việc định giá thấp doanh nghiệp để bán cổ phần ra công chúng, nhưng thường tạo điều kiện cho “tay trong” mua lại trong điều kiện không minh bạch sẽ biến nhiều tài sản công thành tài sản của một số quan chức tham gia cổ phần hóa (Chu Quốc An, 2017).

            Sáu là, tham nhũng có thể gia tăng khi tham nhũng khi thành phần kinh tế nhà nước tuy chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế nhưng hiệu quả chưa tương xứng; cũng như phát triển quá nóng các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước và đầu tư công. Do những điều kiện khách quan và chủ quan trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật, nên tình trạng độc quyền, cạnh tranh bất bình đẳng trong nền kinh tế hiện nay vẫn còn phổ biến, nổi lên là tình trạng độc quyền trong các ngành kết cấu hạ tầng (Cao Viết Sinh, 2019). Bên cạnh đó, tham nhũng ở mức độ cao thường đi cùng với quy mô đầu tư công gia tăng và chất lượng đầu tư suy giảm thể hiện thông qua sự giảm sút của chất lượng cơ sở hạ tầng. Đây là bằng chứng xác thực, góp phần cảnh báo sự ảnh hưởng nghiêm trọng của tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư công ở Việt Nam (Nguyễn Quốc Việt và cộng sự, 2012).

          Bảy là, nếu thị trường không được phát triển đồng bộ, đầy đủ; thị trường không phải là cơ sở, căn cứ để huy động và phân bổ các nguồn lực phát triển có thể gia tăng tham nhũng. Hiện nay thị trường đất đai nông nghiệp, quyền sử dụng đất nông nghiệp tồn tại nhiều bất cập. Thị trường bất động sản phát triển chưa bền vững, thiếu kiểm soát. Thị trường khoa học – công nghệ quy mô còn nhỏ, kết nối cung – cầu còn nhiều hạn chế (Cao Viết Sinh, 2019). Thực chất là nạn hối lộ để trúng thầu, để được ưu ái trong phân bổ, sử dụng ngân sách, tài chính công và tài nguyên quốc gia. Hệ quả là một số doanh nghiệp lớn mạnh rất nhanh chóng và trở thành các “đại gia”, “ông trùm” trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, không ít trong số đó là sản phẩm của “nhóm lợi ích”. Khi đó, một bộ phận dân cư giàu lên nhưng không thực sự góp phần để đất nước vững mạnh, không đem lại lợi ích chung cho toàn xã hội (Nguyễn Cảng Lam, 2018). Hiện tượng “lợi ích nhóm”, “doanh nghiệp sân sau”, “doanh nghiệp thân hữu”: 70% doanh nghiệp cho rằng “nguồn lực kinh doanh (hợp đồng, đất đai…) chủ yếu rơi vào doanh nghiệp thân quen, có quan hệ với cán bộ công quyền” (Cao Viết Sinh, 2019).

          Tám là, trong kinh tế thị trường nếu mức trả lương không phù hợp, công bằng và minh bạch cho cán bộ công chức có thể góp phần gia tăng tham nhũng. Điều này thể  hiện ở chỗ, trả lương thấp, không xứng đáng với trách nhiệm và công sức của đội ngũ cán bộ công chức cũng làm gia tăng tham nhũng. Nếu lương công chức cán bộ là quá thấp so với khu vực tư thì khu vực công chỉ là hấp dẫn đối với những thành phần xem quyền chức là cơ hội tham nhũng. Tuy nhiên, cũng cần nghĩ đến vài hậu quả phức tạp của việc tăng lương cho  cán bộ, công chức. Bởi vì, không phải cơ hội tham nhũng của mọi công chức cán bộ đều ngang nhau. Nếu chỉ tăng lương cho những ngành có cơ hội tham nhũng thì có là bất công cho những ngành không có cơ hội tham nhũng chăng? Ngoài ra, tăng lương cho công chức cán bộ đủ cao để họ không tham nhũng thì có thể lại trở thành động lực cho người chạy chọt đút lót để làm cán bộ hoặc chức vụ đó (Trần Hữu Dũng, 2014). Báo cáo phòng chống tham nhũng trong các năm gần đây đều khẳng định: tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, tiêu cực còn xảy ra phổ biến; còn xảy ra sai phạm, tham nhũng ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật.

           Chín là, tham nhũng sẽ gia tăng khi sự minh bạch, tính trách nhiệm giải trình của bộ máy quản trị đất nước còn bất cập. Còn khoảng cách khá lớn về quản trị nhà nước tốt; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế; tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình còn thấp. Công tác cải cách hành chính trong một số lĩnh vực vẫn chưa thực chất; hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính và phân cấp, phân quyền cải thiện còn chậm; còn tình trạng đùn đẩy công việc, trách nhiệm…(Cao Viết Sinh, 2019). Báo cáo PCI: 54,8% doanh nghiệp phải chi chi phí không chính thức, 58,2% doanh nghiệp cho biết có sự nhũng nhiễu của cán bộ nhà nước; 48,4% doanh nghiệp cho rằng chi “hoa hồng” là cần thiết để thắng thầu; 69% doanh nghiệp cho rằng cần phải có “mối quan hệ” (Cao Viết Sinh, 2019).

Phát huy vai trò của thiết chế kinh tế thị trường định hướng xã hội trong kiểm soát tham nhũng ở Việt Nam

Việc phát huy vai trò kiểm soát tham nhũng của thiết chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được thể hiện cụ thể trên các khía cạnh như sau:

           Một là, trên bình diện thiết chế kinh tế trong kiểm soát tham nhũng cần thống nhất một số luận điểm sau: 1) vì nguồn lực bao giờ cũng có giới hạn, phải chấp nhận rằng tham nhũng chỉ có thể kiểm soát, giảm thiểu chứ không thể loại bỏ tuyệt đối; 2) phải cố gắng phát hiện những biện pháp chống tham nhũng dựa vào các đòn bẫy phi kinh tế; 3) Khi kinh tế có tỷ lệ tăng trưởng nhanh cần phải đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để loại trừ tham nhũng; 4) Nhà nước và các thiết chế xã hội khác cần phải đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế các tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, nhưng không làm yếu đi các động lực tích cực của cơ chế thị trường; 5) đây là  vấn đề không dễ dàng, nhưng nó cần phải được xử lý có hiệu quả.

           Hai là, thúc đẩy việc cho phép và khuyến khích sự tham gia của đại đa số nhân dân vào các hoạt động kinh tế, sử dụng tốt nhất tài năng và trình độ của họ và giúp các cá nhân thực hiện những lựa chọn họ muốn. Xác lập và bảo vệ quyền tự do sản xuất kinh doanh, tôn trọng và bảo vệ lợi ích kinh tế chính đáng; xác lập thể chế kinh tế thị trường; phát triển nền kinh tế nhiều thành phần…Điều này đặt mỗi con người, mỗi đơn vị sản xuất kinh doanh trở thành chủ thể của chính mình  (Cao Viết Sinh, 2019).

          Ba là, phát triển các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng về phát triển đa dạng các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Đổi mới, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách về sở hữu đối với đất đai, tài nguyên, vốn và các loại tài sản công khác. Đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Đẩy mạnh đổi mới tổ chức, cơ chế hoạt động của các đơn vị dịch vụ công. Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức đa dạng, mà nòng cốt là hợp tác xã. Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế. Khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp với hình thức sở hữu hỗn hợp như: công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên, công ty hợp danh, hợp tác xã cổ phần.

            Bốn là, phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường. Phát triển hoàn thiện thị trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất hoạt động đầy đủ, không méo mó, không sai lệch và trở thành yếu tố quyết định trong huy động và phân bổ nguồn lực xã hội. Cần ưu tiên hoàn thiện thị trường quyền sử dụng đất và thị trường khoa học công nghệ để thúc đẩy huy động nguồn lực và đổi mới sáng tạo. Bảo đảm minh bạch thông tin về thị trường đất, quyền sử dụng đất, xác định giá trị quyền sử dụng đất theo cơ chế thị trường thông qua đấu giá, đấu thầu, thỏa thuận mua bán theo thị trường, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản một cách lành mạnh (Cao Viết Sinh, 2019).

              Năm là, thúc đẩy cạnh tranh, chống độc quyền trong kinh tế thị trường hướng đến mục tiêu kiểm soát tham nhũng. Việc hoàn thiện pháp luật, quy định ngăn ngừa sự cấu kết và tham nhũng có vai trò rất quan trọng để thị trường vận hành thông suốt và xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nền kinh tế và phòng ngừa tham nhũng. Nếu không bị kiềm chế, cơ cấu thị trường tự nó sẽ thanh lọc các cơ hội tham nhũng, do đó thị trường là giải pháp kiểm soát tham nhũng. Cơ chế thị trường thông thoáng trong một xã hội kiên cố pháp trị sẽ làm giảm lợi lộc của tham nhũng. Nếu bị trừng trị nặng nề thì cái “giá phí cơ hội” của tham nhũng sẽ là rất cao so với những hoạt động làm ăn hợp pháp (Trần Hữu Dũng, 2014).

            Sáu là, thúc đẩy việc đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm tham gia phòng, chống tham nhũng của các tổ chức kinh tế. Lợi ích kinh tế tăng lên cho cả khu vực nhà nước và tư nhân, đặc biệt là trong hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và qua việc tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển. Đồng thời, đối với các tổ chức kinh tế cần tăng cường chuẩn mực đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp, quản trị tốt, tăng cường thực thi hiệu quả kiểm soát nội bộ, phòng ngừa tham nhũng, đào tạo hướng dẫn và hỗ trợ nhân viên. Phòng, chống tham nhũng trong các tổ chức kinh tế cần được triển khai đồng bộ ở cả ba cấp độ, đó là: 1) nội bộ tổ chức kinh tế; 2) với các đối tác kinh doanh; 3) tham gia các hành động tập thể. Phòng, chống tham nhũng trước hết là nhu cầu tự thân của các doanh nghiệp, bởi lẽ tham nhũng gây ra chi phí rất cao cho bản thân cá nhân và doanh nghiệp, bên cạnh các tổn thất khác cho nhà nước và thị trường.

            Bảy là, hoàn thiện hành lang pháp lý về cạnh tranh, chống độc quyền. Cần sớm hoàn thiện hanh lang pháp lý về cạnh tranh và chống độc quyền, trong đó cần ưu tiên xây dựng Luật Chống độc quyền và sửa đổi, nâng cao hiệu quả thực thi Luật Cạnh tranh, nhất là các vấn đề: 1) mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh; 2) chế tài để bảo vệ và khuyến khích cạnh tranh; 3) cơ chế khuyến khích sự tham gia của người tiêu dùng và doanh nghiệp vào quá trình thực thi pháp luật cạnh tranh.

             Tám là, thiết lập cơ cấu quản trị quốc gia không có xung đột lợi ích, cân bằng giữa quyền lực và giám sát quyền lực, trách nhiệm giải trình đầy đủ trước người dân và doanh nghiệp. Tập trung đổi mới quản trị nhà nước theo hướng quản trị nhà nước tốt (Cao Viết Sinh (2019). Đồng thời, cần phải tăng cường xây dựng cơ chế và thể chế giám sát trong quản lý ngân sách đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp, khai thác tài nguyên đề kiểm soát tham nhũng. Tăng cường sự minh bạch, công khai và trách nhiệm giải trình của người quản lý và người sử dụng vốn đầu tư công, cổ phần hóa và khai thác tài nguyên (Nguyễn Quốc Việt và cộng sự, 2012).

         Chín là, nâng cao mức sống, điều kiện làm việc gắn liền với trách nhiệm liêm chính của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Điều này có thể thực hiện ở nhiều phương diện khác nhau và có thể được hiện thực hóa trong nền kinh tế thị trường gắn liền với nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bởi một vấn đề có tính nguyên tắc đã được chứng minh bằng khoa học và thực tiễn, khi điều kiện sống đảm bảo, lương càng cao thì người tham nhũng sẽ mất mát nhiều hơn nếu tham nhũng bị phát giác. Đồng thời, tăng lương, điều kiện làm việc cho  đội ngũ cán bộ, công chức không chỉ để những cán bộ, công chức hiện tại không bị tham nhũng quyến rũ, mà sâu xa hơn là để thu hút vào khu vực công những người thanh liêm và có năng lực thực sự.

TSĐỗ Văn Quân

Tài liệu tham khảo

  1. Châu Quốc An (2017), Lý thuyết thể chế theo trường phái kinh tế học Tân thể chế và đổi mới thể chế kinh tế Việt Nam. Tạp chí Phát triển khoa học và công nghệ. Chuyên san Kinh tế, Luật và Quản lý, Tập 1, số Q 5.
  2. Nguyễn Đức Chiện (2007), Hiện tư­ợng tham nhũng: Một giải thích xã hội học về thiết chế xã hội và con ng­ười. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 109.
  3. Trần Hữu Dũng (2014), Tham nhũng và tăng trưởng kinh tế http://nghiencuuquocte.org/
  4. Phí Mạnh Hồng (2017), Đổi mới thể chế kinh tế ở Việt Nam. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 10.
  5. Nguyễn Cảnh Lam (2018),Sự lãnh đạo của Đảng trong kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng. http://noichinh.vn
  6. Cao Viết Sinh (2019), Xây dựng thể chế kinh tế thị trường Việt Nam. https://vietnamnet.vn/
  7. Nguyễn Quốc Việt và cộng sự (2012), Phân tích tác động của tham nhũng tới quy mô và chất lượng đầu tư công theo cách tiếp cận kinh tế học thể chế. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Kinh tế và Kinh doanh, số 28.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *