Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
48157

Nâng cao hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức xã hội đối với bảo vệ quyền con người, chống lợi dụng mạng xã hội vi phạm quyền con người

Thứ nhất, xây dựng Đề án Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho người dân, trong đó, đặc biệt chú ý một số đối tượng dễ bị tổn thương, gồm: thanh thiếu niên, trẻ em, nghệ sỹ trên không gian mạng, giai đoạn 2020 – 2030 và các văn bản pháp luật khác liên quan trực tiếp về vấn đề này.

Hiện nay, việc xây dựng đề án này là rất cần thiết vì thực tế tồn tại khá nhiều bất cập trong định hướng hành vi đối với quần chúng nhân dân nói chung và một số đối tượng đặc thù nói riêng trên không gian mạng. Lấy ví dụ điển hình, có thể thấy thanh thiếu niên ngày nay được tiếp cận với nhiều loại thông tin từ nhiều nguồn thông tin, do đó, đội ngũ này cần được giáo dục trở thành người có tri thức với sự trợ giúp của gia đình và nhà trường, trên cơ sở đó, xây dựng cho họ bộ lọc thông tin để loại bỏ những sự tiêu cực mà mạng xã hội mang lại. Thực tế từ những vụ việc không hay đã diễn ra trên mạng xã hội cho thấy, việc xây dựng văn hóa ứng xử của người dân, trong đó, gồm một số đối tượng đặc thù trên mạng xã hội là vô cùng cần thiết với mục đích  xây dựng văn hóa ứng xử của giới trẻ trên mạng.

Thứ hai, cần đa dạng hóa các hình thức truyền tải thông tin nhằm nâng cao nhận thức xã hội đối với bảo vệ quyền con người gắn với tính chính thống.

Đầu tiên, cần thiết phải xây dựng trang web, trang fanpage, trang facebook chính thống (hiện nay chỉ xây dựng phổ biến là trang web chính thống, trong khi, tỷ lệ lớn thanh thiếu niên có sử dụng trang facbook hay fanpage) đăng tải thông tin pháp luật, nội dung, phương thức giáo dục cho từng đối tượng như người dân, trí thức, Đảng viên, thanh thiếu niên, nghệ sỹ để giáo dục nâng cao nhận thức xã hội và những biện pháp nhằm tác động đến hành vi ứng xử tích cực nhằm bảo vệ quyền con người, chống lợi dụng mạng xã hội vi phạm quyền con người. Hay nói cách khác, cần thiết phải tận dụng tối đa mặt tích cực của không gian mạng để giáo dục nâng cao nhận thức của tầng lớp nhân dân đối với bảo vệ quyền con người, chống lợi dụng mạng xã hội vi phạm quyền con người. Cách làm này đã được một số tỉnh thành áp dụng và đạt được một số thành tựu như Đà Nẵng mở trang Facebook “Cảnh sát giao thông Thành phố Đà Nẵng” để người dân và khách du lịch có thể tương tác, cung cấp thông tin, gửi kiến nghị, hình ảnh vi phạm về trật tự, an toàn giao thông cũng như những bất cập trong tổ chức giao thông trên địa bàn;  Sở Tư pháp một số tỉnh đã xây dựng, duy trì Trang Facebook về pháp luật (An Giang, Đồng Tháp, Tuyên Quang, Bạc Liêu…); Fanpage của Phòng Tư pháp thành phố Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam và 13 đơn vị cấp xã của thành phố đã được xây dựng, duy trì từ tháng 01/2018. Thành phố Hồ Chí Minh là một trong các địa phương đi đầu trong cả nước về PBGDPL trên mạng xã hội Facebook, trong đó một số Ủy ban nhân dân quận đã có Trang Fanpage đăng tải thông tin pháp luật mới, PBGDPL cho người dân; tổ chức hội thi pháp luật trực tuyến; trả lời vướng mắc của người dân[1]

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và quần chúng nhân dân, thanh thiếu niên, nghệ sỹ về nhiều tác động xấu từ không gian mạng và đưa ra những kỹ thuật, cách thức để phòng ngừa.

Tuyên truyền, giáo dục nâng cao trách nhiệm, ý thức tuân thủ pháp luật cho mỗi người khi sử dụng mạng xã hội. Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định, vì sự lệch lạc trong nhận thức về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội sẽ dẫn đến ngộ nhận, sai lầm trong hành vi và làm cho an ninh, trật tự có thể chứa đựng mối nguy hiểm tiềm tàng. Do đó, cần chủ động, tích cực tuyên truyền, giáo dục, giúp mọi người nhận thức được tác động tiêu cực từ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, không vô tình tiếp tay cho hoạt động chống phá, và các hành vi tiêu cực, phản cảm, thiếu văn hóa trên mạng xã hội. Từ đó, làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên thấy rõ những tác động tích cực và tiêu cực của internet và mạng xã hội; nâng cao khả năng nhận diện và “miễn dịch” với các thông tin xấu độc, nguy hại đối với bản thân và xã hội. Đồng thời, chủ động phát hiện, kịp thời tố giác với cơ quan chức năng các hoạt động lợi dụng internet, mạng xã hội để vi phạm pháp luật Việt Nam; xây dựng quy chuẩn và phong cách văn hóa khi tham gia hoạt động trên không gian mạng; có ý thức cảnh giác, không đăng tải hoặc để lộ, lọt thông tin, tài liệu liên quan đến bí mật quốc gia, Quân đội.

Thứ tư, thường xuyên kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách về xây dựng pháp luật và tuyên truyền pháp luật.

Khâu xây dựng pháp luật là tiền đề của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Vì thế, để làm tốt công tác giáo dục pháp luật chống lợi dụng internet, mạng xã hội vi phạm quyền con người cần quan tâm bồi dưỡng lực lượng làm công tác này có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sắc bén, tinh nhuệ trong phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn vi phạm quyền con người. Đồng thời, mở rộng hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế có trình độ phát triển cao về công nghệ thông tin và an ninh mạng để trao đổi kinh nghiệm, tiếp thu công nghệ mới và hợp tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho lực lượng chuyên sâu, chuyên trách làm công tác phòng ngừa, đấu tranh.

 

[1] http://pbgdpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/pages/hoat-dong-pgbdpltw.aspx?ItemID=872

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *