Theo tính toán của WHO, miễn dịch cộng đồng cần ít nhất là 70% số người trong cộng đồng đã có miễn dịch thì mới bảo đảm ngăn chặn được dịch. Nếu căn cứ vào hiệu quả sinh miễn dịch và hiệu quả của các vaccine thì để đạt tỉ lệ này cần phải tiêm cho trên 90% dân số mới có thể thành công ngăn chặn dịch. Và để có con số này, Việt Nam cần 180 triệu liều vaccine hoặc hơn mới có thể đạt được tỉ lệ đó (bao gồm cả hao phí khi tiêm chủng).
“Không công bằng một cách điên rồ”
Phát biểu tại Hội đồng Bảo an LHQ, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã khẳng định: tiến triển về tiêm ngừa vaccine không đồng đều và không công bằng một cách điên rồ. Chỉ 10 quốc gia đã sử dụng 75% tổng số vaccine COVID-19. Trong khi, hơn 130 quốc gia chưa nhận được liều vaccine nào.
Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Anh, Nhật Bản và một số nước khác đã đặt mua lượng lớn vaccine của các hãng dược phẩm tiềm năng nhất thì một số quốc gia với khả năng tài chính hạn chế lại có nguy cơ bị thụt lùi phía sau. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, với khả năng sản xuất hiện tại, số lượng vaccine chỉ cung ứng đủ cho một phần nhỏ người dân trên toàn cầu và việc mất cân bằng phân bổ vaccine sẽ tạo ra biến thể virus mới khi virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan trong các cộng đồng không có cơ hội tiếp cận với vaccine..
Để giảm tình trạng bất bình đẳng này, các tổ chức quốc tế như Tổ chức WHO và các trường đại học lớn trên thế giới hình thành liên minh COVAX và lên kế hoạch dự trữ, vận chuyển vaccine chống COVID-19 tới các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt tại các quốc gia có tình hình dịch diễn biến phức tạp như Ấn Độ. Tuy vậy, việc thiếu hụt vaccine COVID-19 là gần như chắc chắn tại nhiều quốc gia phản ứng chậm trong sản xuất hay nhập khẩu vaccine trong bối cảnh khan hiếm toàn cầu.
Cần có sự điều tiết của chính phủ
Tương tự như vậy, ở Việt Nam chắc chắn sẽ có những người sẵn sàng chi mạnh để được ưu tiên tiêm trước, thậm chí rất nhiều tin đồn về các loại giá khác nhau để có được trong danh sách tiêm. Điều này có thể đúng, có thể sai nhưng thực tế là có rất nhiều cuộc gọi với cùng câu hỏi, khi nào tôi mới được tiêm? Để có kinh phí nhập vaccine, chắc chắn là việc đồng chi trả của người dân sẽ làm giảm gánh nặng cho nhà nước trong việc nhập khẩu vaccine và có kinh phí sẽ giúp các hãng vaccine nhập khẩu được loại vaccine hiệu quả hơn cho tiêm chủng. Tuy vậy, khi vaccine còn chưa nhiều đến mức độ bao phủ toàn dân và sẵn sàng nhiều loại để lựa chọn thì vẫn cần có sự điều tiết của chính phủ bởi vaccine không đơn giản chỉ là sinh phẩm giúp bảo vệ các cá nhân mà còn là vũ khí cho chống dịch. Như vậy, ở giai đoạn này, không phải bạn có tiền là bạn có quyền chọn lựa vaccine cũng như được ưu tiên tiêm trước.
Vậy, đối tượng nào cần được ưu tiên? Câu hỏi này cũng tương tự câu hỏi “tiêm bao nhiêu thì đạt được miễn dịch cộng đồng?”. Trước tiên, miễn dịch cộng đồng được hiểu là việc các thành viên trong cộng đồng đó có miễn dịch và nếu không may có một trường hợp bệnh xâm nhập thì do tiếp xúc với toàn những người đã được bảo vệ nên không lây lan được cho những người chưa được bảo vệ trong cộng đồng đó. Tùy vào mỗi loại vaccine, miễn dịch để có thể bảo đảm không bị nhiễm bệnh cũng như không trở thành người mang virus tiếp tục đi lây lan là khác nhau.
Theo tính toán của WHO, miễn dịch cộng đồng cần ít nhất là 70% số người trong cộng đồng đã có miễn dịch thì mới bảo đảm ngăn chặn được dịch. Nếu căn cứ vào hiệu quả sinh miễn dịch và hiệu quả của các vaccine thì để đạt tỉ lệ này cần phải tiêm cho trên 90% dân số mới có thể thành công ngăn chặn dịch. Và để có con số này, Việt Nam cần 180 triệu liều vaccine hoặc hơn mới có thể đạt được tỉ lệ đó (bao gồm cả hao phí khi tiêm chủng). Như vậy, sẽ còn rất lâu mới có thể hoàn thành việc tiêm chủng khi nguồn cung còn rất hạn chế như hiện nay. Vì thế, chiến lược của Việt Nam chính là vừa tiêm chủng vừa phòng chống dịch, ưu tiên cho đối tượng nguy cơ trước sau đó mới đến toàn thể cộng đồng.
TS. BS. PHẠM QUANG THÁI