Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
6820

Nạn buôn người ở Đông Nam Á: hầu hết những người bị các băng nhóm tội phạm “mua đi bán lại” là nam giới,

Theo báo cáo do Văn phòng Nhân quyền Liên hợp quốc công bố ngày 29/8, quy mô của hoạt động lừa đảo trực tuyến ở Đông Nam Á rất khó ước tính vì tính chất bí mật và những lỗ hổng trong phản ứng chính thức. Các nguồn tin cậy chỉ ra rằng, ít nhất 120.000 người trên khắp Myanmar và khoảng 100.000 người tại Campuchia có thể đang bị mắc kẹt trong các hoạt động lừa đảo – từ tiền ảo tới đánh bạc trực tuyến – với các doanh nghiệp do tội phạm điều hành ở Lào, Philippines và Thái Lan.

Cảnh sát Philippines đột kích, giải cứu những nạn nhân buôn người tại một cơ sở đánh bạc ở thành phố Mabalacat, tỉnh Pampanga

Các quốc gia khác trong khu vực, bao gồm Lào, Philippines và Thái Lan, cũng được xác định là các quốc gia điểm đến hoặc quá cảnh chính, nơi có ít nhất hàng chục nghìn người tham gia.

Nạn nhân phải đối mặt với nhiều hành vi vi phạm và lạm dụng nghiêm trọng, bao gồm cả các mối đe dọa đối với sự an toàn và an ninh của họ; và nhiều người đã bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo và hạ nhục, giam giữ tùy tiện, bạo lực tình dục, lao động cưỡng bức và các hành vi vi phạm nhân quyền khác.

Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk nêu rõ: “Những người bị ép buộc làm việc trong các hoạt động lừa đảo này phải chịu đựng sự đối xử vô nhân đạo trong khi bị buộc phải thực hiện tội ác. Họ là nạn nhân. Họ không phải là tội phạm”.Do đó, theo ông Volker Turk, “khi tiếp tục kêu gọi công lý cho những người bị lừa gạt thông qua tội phạm trực tuyến, chúng ta không được quên rằng hiện tượng phức tạp này có hai nhóm nạn nhân”.

Báo cáo cho biết thêm, hầu hết những người bị các băng nhóm tội phạm “mua đi bán lại” là nam giới, phần lớn không phải là công dân của các quốc gia nơi xảy ra nạn buôn người. Nhiều nạn nhân có trình độ học vấn cao, đôi khi làm các công việc chuyên môn hoặc có bằng đại học hoặc thậm chí sau đại học, biết sử dụng máy tính và đa ngôn ngữ.

Đây là một trong những báo cáo chi tiết nhất về hiện tượng đã nổi lên sau đại dịch Covid-19, được thúc đẩy bởi việc đóng cửa các sòng bạc dẫn đến việc di chuyển sang các khu vực ít được quản lý hơn ở Đông Nam Á. Báo cáo cho rằng các tụ điểm lừa đảo này đang kiếm chác hàng tỷ USD doanh thu mỗi năm.

Báo cáo nêu rõ, “tất cả các quốc gia bị ảnh hưởng cần huy động ý chí chính trị để thúc đẩy quyền con người, cải thiện quản trị và pháp quyền, bao gồm cả những nỗ lực nghiêm túc và bền vững để giải quyết nạn tham nhũng”.

Do mang tính xuyên quốc gia, tội phạm mua bán người đã trở thành vấn đề toàn cầu, một trong những thách thức an ninh phi truyền thống của tất cả các quốc gia, hợp tác quốc tế và hợp tác khu vực về phòng, chống mua bán người là một nhu cầu tất yếu.

Về hợp tác đa phương, Việt Nam đã tham gia ký kết và là thành viên của nhiều công ước, văn kiện pháp luật quốc tế liên quan trực tiếp đến công tác phòng, chống tệ nạn mua bán người như: Công ước quốc tế về xoá bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ, Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Nghị định thư không bắt buộc bổ sung cho Công ước về quyền trẻ em về mua bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em, Nghị định thư không bắt buộc bổ sung cho Công ước về quyền trẻ em về sự tham gia của trẻ em trong xung đột vũ trang, Công ước số 182 về cấm và hành động ngay lập tức để xoá bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (TOC), Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (ACTIP), Kế hoạch hành động ASEAN về thực thi ACTIP, Nghị định thư về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho Công ước TOC.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *