Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
65526

Tự tin là người Việt Nam 

 

Đại hội Đảng lần nào cũng đặt nhân dân là chủ thể và đến Đại hội XIII, do yêu cầu phát triển đất nước rất cao và trước một bối cảnh có rất nhiều thời cơ thuận lợi và đầy thử thách, vai trò của nhân dân càng lớn. Đây chính là mục tiêu đặt ra tại Đại hội Đảng lần này. Đại hội lần này đã đặc biệt đề cao vai trò của nhân dân, nhân dân là lực lượng quyết định tất thảy, mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Chính quyền là của dân, do dân và vì dân. Cần phải nhấn mạnh rằng, để đất nước phát triển, tiến lên mạnh mẽ, quan trọng hơn cả là khát vọng của mỗi con người Việt Nam.

Từ câu chuyện huy động sức dân, phải khơi dậy mạnh mẽ khát vọng trong từng người dân, không phải mong muốn xây dựng một đất nước phồn vinh, quốc gia phát triển là công việc của người đứng đầu mà nó phải là khát vọng và quyết tâm của từng người dân. Khát vọng của từng người dân đôi khi nói thì lớn lao nhưng xem ra nó lại là những điều giản dị, thiết thực, cụ thể, gần gũi, trong đó có việc tiếng nói của người dân được lắng nghe, người dân không chỉ góp sức vào xây dựng đất nước mà còn xả thân bảo vệ đất nước.

Trở lại vấn đề nhân quyền. Hiện nay, các thế lực thù địch vẫn ra sức xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm quyền cơ bản của con người, đã cố tình cho rằng Việt Nam không có nhân quyền nhưng trên thực tế, chỉ số hài lòng và chỉ số hạnh phúc của người dân Việt Nam đang là một trong những minh chứng nói lên quyền con người đã được bảo đảm. Ở đây có hai điều cần nhắc tới: Thứ nhất, không nên áp vào tiêu chuẩn này hay đánh giá kia mà phải xem xét thực tế những mong muốn chính đáng của người dân là gì; Thứ hai, không bao giờ được chủ quan. Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận nếu muốn đem hạnh phúc đến cho nhân dân thì chúng ta phải đánh giá, xem xét trên cơ sở những căn cứ, luận cứ khoa học đầy đủ xem nguyện vọng của người dân hiện nay đang ở mức độ nào, cần điều chỉnh, đổi mới cái gì trong quan hệ giữa chính quyền và nhân dân. Tất cả những vấn đề đề cập trên đây sẽ không đạt được hiệu quả lớn một khi hoạt động của bộ máy chính quyền, của các tổ chức chính trị không được đổi mới một cách căn bản toàn diện và đồng bộ. Đây là điều quan trọng bậc nhất.

Nghị quyết Đại hội XIII thực sự là sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, hòa quyện giữa “ý Đảng, lòng Dân” thể hiện quyết tâm và ý chí vươn lên của cả dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Câu hỏi trở đi trở lại vẫn là làm thế nào để đưa Nghị quyết quan trọng này vào cuộc sống?.

Trước hết, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã bầu ra ban lãnh đạo được đánh giá rất tích cực, được đào tạo bài bản, được chọn lọc tương đối kỹ càng. Thời gian tới, Quốc hội Khóa XV sẽ bầu chọn ra 500 đại biểu đại diện cho hơn 90 triệu người dân, trên cơ sở đó kiện toàn bộ máy các cấp, đưa vào cuộc sống những nội dung, những tư tưởng lớn của Nghị quyết Đại hội XIII. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo nhận trọng trách này phải được quán triệt một cách đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm, sứ mệnh của mình. Đã đến lúc với tinh thần Đại hội XIII, phải như là một sự sẵn sàng lãnh nhận sứ mệnh đó, thay vì bị động nhận sự phân công của tổ chức.

Hai là, để Nghị quyết đi vào cuộc sống thì năng lực của người cán bộ sau khi đã hội tụ đủ những yêu cầu về phẩm chất, uy tín, đã xác định được ý thức, trách nhiệm và có khát vọng thì một yếu tố vô cùng quan trọng là trình độ, là năng lực. Trong thời đại ngày nay không thể chấp nhận và chắc chắn sẽ không thể hoàn thành công việc nếu người lãnh đạo lại hiểu biết sơ sài, kiến thức thiếu thốn, tư duy tụt hậu. Do đó, người lãnh đạo phải không ngừng học tập, trau dồi và luôn lắng nghe. Luôn ý thức trong việc phải có được tầm nhìn, có bản lĩnh chính trị, văn hóa chính trị đáp ứng trọng trách “xứng tầm nhiệm vụ” như Nghị quyết Đại hội XIII về công tác cán bộ đã nêu. Chúng ta cũng bắt đầu nhìn thấy xuất hiện tín hiệu tích cực và sự chuyển biến về mặt này.

Thứ ba là, phải coi lợi ích dân tộc là trên hết. Bài học xương máu, đắt giá cho tất cả các thời khi cầm quyền trị quốc, muốn đưa đất nước đến đỉnh cao phồn vinh thì phải đặt lợi ích dân tộc lên trên hết.

Cuối cùng, chúng ta rất cần hội nhập quốc tế, bởi không nói được sự phát triển của Việt Nam nếu không có sự so sánh với các nước. Riêng ở góc độ nhân quyền ở Việt Nam, đã đến lúc chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa nghiên cứu văn hóa về quyền con người chứ không chỉ hiểu nhân quyền theo nghĩa định đề, mà văn hóa nhân quyền (Human rights culture) có một nội hàm rộng hơn rất nhiều. Có những đặc thù căn bản của các dân tộc ở các quốc gia, khu khác nhau trên thế giới và tính chất văn hóa chính là bản sắc của mỗi cộng đồng, dân tộc khác nhau và sự khác nhau cũng thể hiện trên rất nhiều phương diện. Sứ du mục người ta có ước vọng khác với sứ ven biển đấy là văn hoá. Trên cơ sở đó có thể khẳng định, văn hóa không phải là đơn điệu khi mình nghiên cứu nhân quyền từ góc độ văn hóa.

Với tinh thần cởi mở, quyết liệt của Đại hội XIII này, thì các nhà nghiên cứu về văn hóa, về lịch sử, đặc biệt là những người nghiên cứu trực diện về nhân quyền nên đặt vấn đề cách tiếp cận về nhân quyền thành nhân quyền văn hóa nói chung và nhân quyền văn hóa Việt Nam nói riêng. Biết đâu khi chúng ta nghiên cứu một cách thấu đáo thì Human rights culture của Việt Nam cũng có thể có những đóng góp đáng ghi nhận đối với những khái niệm, những nhận thức về nhân quyền của thế giới. Đừng bao giờ mặc cảm rằng thế giới nói gì cũng hay, khi chúng ta hiểu thấu đáo vấn đề này sẽ không mặc cảm rằng chúng ta phải chống đỡ, che đậy mà chúng ta tự tin, cởi mở, trao đổi thẳng thắn. Có một thời kỳ dài, ở nhiều thời điểm chúng ta chỉ nghiên cứu để đối phó, phòng vệ, giờ phải là nghiên cứu tấn công, bảo vệ những thành tựu không thể phủ nhận về nhân quyền mà chúng ta đã đạt được, nhất là trong thời kỳ gần 35 năm đổi mới.

Tôi cho rằng đại dịch COVID-19 diễn ra trong năm 2020, chúng ta nhìn rõ hơn những nước từng tự cho là đỉnh cao của nhân quyền đã bộc lộ ra quá nhiều vết. Tôi nghĩ rằng hai chữ Tự Tin là bao trùm trong mọi hoạt động để đưa tinh thần của Nghị quyết XIII vào cuộc sống. Đơn cử trường hợp nước Nhật. Người Nhật bị đánh dập vùi trong chiến tranh thế giới thứ hai, rồi họ gây dựng, phát triển đất nước cất cánh ngay từ những thập niên 70 một trong những nguyên nhân chính là họ có được sự tự tin, không cúi đầu trước người khác. Vượt qua những cái cụ thể để nói đến những định hướng lớn thì trong mỗi con người cần xác định tự tin mình là người Việt Nam hơn là tự hào mình là người Việt Nam. Nói một cách bao trùm, chúng ta làm mọi việc trên một tâm thức, trạng thái tự tin lúc đó chúng ta mới có thành công được./.

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *