Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
20280

Khủng hoảng COVID-19 đã tạo ra khoảng cách chưa từng có về tỷ lệ thất nghiệp theo hướng bất lợi cho phụ nữ

Báo cáo tác động của đại dịch COVID-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng thế giới thực hiện[1] cho thấy có tới 87,2% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19, phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập. Trong số các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp lại chủ yếu do phụ nữ làm chủ[2]. Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng dịch bệnh COVID-19 khiến cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ bị thiệt hại hơn nhiều so với doanh nghiệp do nam làm chủ. Số doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ phải tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh cao gấp đôi so với doanh nghiệp nhỏ và vừa do nam làm chủ.

Báo cáo tác động của dịch COVID-19 đến tình hình lao động việc làm quý II năm 2021 cho biết, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đã làm nghiêm trọng hơn những tác động tiêu cực đến người lao động. Trong quý II năm 2021, dân số từ 15 tuổi trở lên tham lực lượng lao động tăng so với cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi có dịch COVID-19. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lao động có việc làm trong quý II năm 2021 giảm so với quý trước; lao động có việc làm phi chính thức tiếp tục tăng, đưa quý II năm 2021 trở thành quý có tỷ lệ lao động phi chính thức ở mức cao nhất so với các quý khác trong vòng 3 năm trở lại đây. Dịch vụ là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19.

Khủng hoảng COVID-19 đã tạo ra khoảng cách về tỷ lệ thất nghiệp theo hướng bất lợi cho phụ nữ, vốn chưa từng có trước đại dịch. Trong quý IV năm 2019, không có sự khác biệt rõ ràng về tỷ lệ thất nghiệp giữa nam và nữ (cùng ở mức 1,4%). Khi đại dịch xuất hiện, tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ trong quý III năm 2020 tăng so với quý IV năm 2019 (tương ứng 2,2% so với 1,4%), trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở nam không thay đổi (1,3% vào quý III năm 2020). Trong số những phụ nữ phải rời bỏ lực lượng lao động trong quý II, III năm 2020 thì nhóm phụ nữ trẻ (từ 15 đến 24 tuổi) và nhóm phụ nữ từ 55 tuổi trở lên chiếm phần lớn.

Sự ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với nam và nữ có sự khác nhau. Phụ nữ thường tập trung ở một số ngành/lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và bị ảnh hưởng nhiều nhất, cụ thể là thương mại bán lẻ (64%), khách sạn và du lịch (66%), và các ngành sản xuất hàng may mặc xuất khẩu (77%). Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)[3], các lĩnh vực này đã bị giảm sút hoạt động kinh tế trên diện rộng, bao gồm chuỗi cung ứng bị gián đoạn từ Trung Quốc và khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài. Sự tham gia của lực lượng lao động ở mức thấp nhất trong một thập kỷ. Đáng chú ý là tỷ lệ phụ nữ cho biết họ là lao động tự làm hoặc lao động gia đình đã tăng lên và cao gấp đôi so với tỷ lệ này ở nam giới (19,6% so với 8,6% ở nam giới). Đây là nhóm đối tượng lao động phần lớn không có bảo hiểm xã hội. Trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2020, lĩnh vực bán lẻ và giải trí đã giảm 67% lao động.

Tháng 4 năm 2020, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) báo cáo 80% các cơ sở sản xuất hàng may mặc đã giảm ca làm việc cho công nhân, với lực lượng lao động chủ yếu là phụ nữ[4]. Du lịch sinh thái đã tạo ra “con đường tắt” cho phụ nữ ở nông thôn, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số cơ hội tạo việc làm, tăng thu nhập, thì COVID-19 đã làm đình trệ du lịch quốc tế và gián đoạn du lịch trong nước, khiến những thành quả này bị đảo ngược[5]. Báo cáo cũng chỉ ra rằng người lao động giúp việc gia đình cũng bị mất việc làm trên diện rộng trong thời kỳ giãn cách xã hội, nhất là khi có nhiều gia đình nước ngoài rời đi[6]. Lực lượng lao động phi chính thức, bao gồm phụ nữ bán hàng rong, những người làm việc trong ngành công nghiệp giải trí cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng về thu nhập do phải thực hiện giãn cách xã hội, song vẫn chưa có những con số cụ thể đánh giá mức độ tác động đối với nhóm này.

Điều đáng quan tâm là sau mỗi lần dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động kinh tế được khôi phục trở lại,học sinh được tới trường học, cả nam giới và phụ nữ đều tăng số giờ làm việc để cố gắng bù đắp thu nhập bị mất trước đó. Tuy nhiên, trung bình phụ nữ làm thêm nhiều giờ hơn nam giới, điều này khiến gánh nặng kép của họ lại càng trở nên nặng nề thêm.

[1] Số liệu được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 12.3.2021.

[2] Phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình tại Đại hội đại biểu Hiệp hội nữ Doanh nhân Việt Nam lần thứ hai, nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 30.3.2021.

[3] ILO Việt Nam. Tháng 4/2020. COVID-19 và thị trường lao động tại Việt Nam.

[4] Ngành dệt may của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. (Ngày 19 tháng 5 năm 2020). Diễn đàn Đông Á. https://www.eastasiaforum.org/2020/05/19/vietnams-textile-and-garment-industry-hit-hard-by-covid-19/

[5] Ngân hàng Thế giới. Tháng 4/2020. COVID-19 Ghi chú Phản ứng Chính sách # 4. Làm thế nào để khởi động nền kinh tế Việt Nam?

[6] Oxfam International Việt Nam. Không để ai bị bỏ lại phía sau. https://vietnam.oxfam.org/latest/stories/leaving-no-one-behind. Truy cập ngày 8/7/2020. Trích dẫn trong UNICEF. Tháng 8/2020. Đánh giá nhanh tác động KT&XH của đại dịch COVID-19 đối với trẻ em và gia đình tại Việt Nam. Hà Nội: UNICEF.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *