Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
22835

Đời sống tôn giáo ở Việt Nam ngày càng thay đổi tích cực!

Nói đến đời sống tôn giáo là nói đến các mặt sinh hoạt tôn giáo của tín đồ, hoạt động của chức sắc, chức việc, tính pháp lý và những hoạt động của các tổ chức tôn giáo, như: việc đăng ký, công nhận tổ chức tôn giáo, việc đào tạo, phong chức, phong phẩm, việc thuyên chuyển chức sắc, việc in ấn xuất bản kinh sách, việc sửa chữa nơi thờ tự, việc tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, việc thực hiện các mối quan hệ với các tổ chức tôn giáo quốc tế…

Sinh hoạt tôn giáo của tín đồ là một trong những yếu tố quan trọng khi tiếp cận đời sống tôn giáo vì nó thể hiện niềm tin tôn giáo, đồng thời, cũng thể hiện sự tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhà nước. Từ khi đổi mới đến nay, với sự cởi mở của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, các tín đồ tôn giáo đều thực hiện các sinh hoạt tôn giáo bình thường tại gia đình và nơi thờ tự theo nghi lễ truyền thống của tôn giáo mình. Một số tôn giáo, nhất là những tôn giáo có phạm vi địa phương, mới ra đời hoặc mới truyền vào, vì nhiều lý do trước đây các sinh hoạt tôn giáo không được thực hiện hoặc thực hiện gián đoạn thì từ khi đổi mới đến nay, các sinh hoạt tôn giáo đều được phục hồi và duy trì, điển hình là đạo Tin lành ở khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc.

Đồng bào dân tộc hành lễ tôn giáo tại Nhà thờ

Sự sôi động của đời sống tôn giáo ở Việt Nam hiện nay được thể hiện trước hết ở sự gia tăng số tín đồ tôn giáo. Có thể lấy một số mốc thời gian trước và sau đổi mới để so sánh: năm 1985, số lượng tín đồ là 14 triệu, năm 1990 là 14,50 triệu; năm 2000 là 20,0 triệu; năm 2005 là 22,0 triệu, năm 2010 là 23,0 triệu, năm 2017 là 25,2 triệu và năm 2021 là hơn 26,5 triệu. Ngoài ra, trong những năm gần đây, các cấp chính quyền Việt Nam đã quan tâm, tạo điều kiện cho các tôn giáo tổ chức nhiều hoạt động, sinh hoạt tôn giáo với quy mô lớn, kéo dài thời gian và thu hút đông đảo tín đồ tham gia, như: Hội yến Diêu Trì Cung (Rằm tháng 8 hàng năm trong Cao Đài Tây Ninh); lễ Khai đạo Phật giáo Hòa Hảo (18/5 Âm lịch); Lễ hội Hành hương Thánh địa La ang của Công giáo; lễ Phật đản trong Phật giáo… Nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện cho các tôn giáo đăng cai tổ chức tại Việt Nam như: Lễ khai mạc Năm Thánh 2010 của Giáo hội Công giáo Việt Nam tại Sở Kiện, Hà Nam là nơi gặp gỡ của gần 100 nghìn tín đồ, chức sắc đến từ mọi miền Tổ quốc và khách quốc tế; lễ Kỷ niệm 100 năm đạo Tin lành truyền đến Việt Nam (2011) tại Đà Nẵng, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thu hút hàng vài chục nghìn lượt tín đồ, chức sắc và khách quốc tế tới tham dự; Đại lễ Vesak năm 2008 tại Hà Nội có gần 10 nghìn tăng, ni, phật tử và khoảng 4 nghìn khác quốc tế từ 74 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự; Đại lễ Vesak năm 2014 tại Bái Đính, Ninh Bình (từ ngày 07 đến ngày 11 tháng 5 năm 2014) có hơn 10 nghìn tăng, ni, phật tử tham dự, trong đó có 1.150 khách quốc tế đến từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ; gần đây nhất, Đại lễ Vesak năm 2019 tổ chức tại chùa Tam Chúc, Hà Nam (từ ngày 12 đến ngày 14 tháng 5 năm 2019) với sự tham dự của khoảng 30 nghìn tăng, ni, phật tử cả nước, 250 tăng, ni, phật tử là Kiều bào Việt Nam đang ở nước ngoài, 1.650 khách quốc tế đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 04 lãnh đạo quốc gia (Tổng thống Nepan; Thủ tướng Myanmar; Phó Tổng thống Ấn Độ; Phó Chủ tịch Quốc hội Butan) và Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, 28 vị đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam…

Cùng với quá trình hội nhập quốc tế, số người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam gia tăng, hiện nay khoảng gần 90.000 người, phần lớn đều có nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo và thực hiện sinh hoạt tôn giáo. Việt Nam đã đáp ứng nhu cầu tinh thần của người nước ngoài cư trú hợp pháp bằng việc hoàn thiện những quy định phù hợp với hoàn cảnh mới, được thể hiện rõ trong Mục 2 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (từ Điều 47 đến Điều 53); trong đó nổi bật là tạo điều kiện cho nhóm người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam có thể thuê, mượn địa điểm để sinh hoạt tôn giáo, mời chức sắc, chức việc là người Việt Nam hay nước ngoài đến giảng đạo, mang theo các sản phẩm tôn giáo…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *