Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
50288

Tự do tôn giáo tại Việt Nam – Bài 6: Quyền tự do tôn giáo của người dân tộc thiểu số được đảm bảo

Không chỉ là quốc gia đa tôn giáo, Việt Nam còn là quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc cùng sinh sống và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các dân tộc thiểu số được Đảng, Nhà nước bảo đảm như các dân tộc khác. Về mặt văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam có những nét riêng rất độc đáo tạo nên nền văn hóa Việt Nam rất đa dạng. Hầu hết các dân tộc thiểu số vẫn giữ tín ngưỡng nguyên thủy, thờ đa thần với quan niệm vạn vật hữu linh và thời cũng theo phong tục tập quán truyền thống. Sau này, theo thời gian, các tôn giáo dần dần thâm nhập vào những vùng đồng bào dân tộc thiểu số hình thành các cộng đồng tôn giáo. Cụ thể như sau:

Một là, cộng đồng dân tộc Khmer ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long theo Phật giáo Nam tông. Theo thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ, tính đến năm 2020, cả nước gần 1,3 triệu tín đồ, hơn 7000 vị sư, sinh hoạt tại 462 ngôi chùa trên địa bàn 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó tập trung chủ yếu ở các địa phương khu vực Tây Nam bộ. Do những đặc điểm riêng về lịch sử, con người và vùng đất nên vấn đề Phật giáo Nam tông của đồng bào Khmer ở Nam Bộ cần được quan tâm giải quyết trên ba khía cạnh: về vùng đất Nam Bộ liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, về nguồn gốc tộc người Khmer trong mối quan hệ với Campuchia, về vấn đề Phật giáo Nam tông trong ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Hai là, cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên theo đạo Công giáo, đặc biệt là đạo Tin lành. Theo thống kê của Giáo hội Công giáo, năm 2017 ở khu vực Tây Nguyên có 49.581 người dân tộc thiểu số theo đạo Công giáo. Theo công bố của Ban Tôn giáo Chính phủ năm 2019, ở 5 tỉnh Tây Nguyên và vùng cao duyên hải miền Trung và Nam Trường Sơn có 639.990 người dân tộc thiểu số theo đạo Tin lành (chưa kể 20.100 tín đồ là người Kinh), sinh hoạt ở 331 chi hội và 1.742 điểm nhóm (gấp hơn 12 lần so với trước năm 1975) của hơn 30 tổ chức, hệ phái Tin lành.

Ba là, cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Bắc (bao gồm các tỉnh miền núi phía Bắc) theo Công giáo, đạo Tin lành. Theo thống kê của Giáo hội Công giáo Việt Nam năm 2005, ở các tỉnh Tây Bắc có 38 nghìn người dân tộc thiểu số theo Công giáo. Đặc biệt, chỉ hơn ba chục năm trở lại đây (1985-2019), trừ hơn một nghìn người Dao theo Tin lành ở Bắc Sơn (Lạng Sơn) đã có đến 233.619 người Mông và số ít người Dao, Sán Chỉ, Pà Thẻn… theo đạo Tin lành.

Ngoài ra, cộng đồng người Chăm theo Hồi giáo và Bà-la-môn. Năm 2017, người Chăm theo Hồi giáo chính thống (Chăm Hồi) là 30.000 người, người Chăm theo Hồi giáo không chính thống (Chăm Bà-ni) là 50.095 người, người Chăm theo đạo Bà-la-môn (Bà Chăm) là 66.515 người (tổng số người Chăm ở Việt Nam là 162.000 người ở 24 tỉnh, thành phố).

Đồng bào các dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Cho nên, mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều hướng vào phục vụ các tầng lớp nhân dân. Vì thế, cũng như dân tộc Kinh, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các dân tộc thiểu số được bảo đảm. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại thành phố Cần Thơ để đáp ứng nhu cầu đào tạo tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer. Kinh sách của các tổ chức tôn giáo đã được phép xuất bản bằng 13 thứ tiếng dân tộc. Năm 2020, có 5.000 bản in Kinh thánh bằng tiếng Ê Đê, 3.000 bản in Kinh thánh tiếng Gia Rai. Khu vực Tây Nguyên, Bình Phước hiện có khoảng 583.000 tín đồ (97% là đồng bào dân tộc thiểu số) sinh hoạt tôn giáo tại hơn 2.000 hội thánh, điểm nhóm. Khu vực miền núi phía Bắc có hơn 230.000 tín đồ là đồng bào dân tộc thiểu số sinh hoạt tôn giáo tại 1.640 hội thánh, điểm nhóm, đáp ứng được nhu cầu tinh thần của đồng bào có đạo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *