Bảo vệ quyền con người trước hết thuộc trách nhiệm của mỗi quốc gia – chủ thể của luật quốc tế.
Cơ chế nhân quyền quốc gia khá đa dạng, bao gồm cơ chế thực thi và giám sát nhân quyền. Khi đã trở thành thành viên một điều ước quốc tế về quyền con người, quốc gia có nghĩa vụ thông qua mọi biện pháp nhằm thực hiện các quyền con người trên thực tế. Vì vậy, nghĩa vụ xây dựng, củng cố cơ chế quốc gia – bao gồm cơ chế thực thi và cơ chế giám sát; kể cả các cơ quan nghiên cứu và giáo dục nhân quyền – luôn được coi trọng.
Trong cơ chế giám sát, cơ chế giám sát độc lập với sự tham gia của xã hội dân sự (ở Việt Nam gọi là các tổ chức xã hội) được đề cao. Vì đây là các chủ thể có vai trò quan trọng trong việc phát hiện những vi phạm nhân quyền; đồng thời, có thể tham gia tích cực trong việc khắc phục hậu quả.
Một cơ quan nhân quyền quốc gia cũng đóng vai trò to lớn trong việc giám sát, bảo vệ nhân quyền.
Mô hình và cách tổ chức, hoạt động của cơ chế nhân quyền quốc gia bao gồm: Ủy ban nhân quyền quốc gia, Thanh tra Quốc hội về nhân quyền (Ombudsman), Viện Nhân quyền quốc gia (mô hình các quốc gia Bắc Âu), Hội đồng Nhân quyền.