Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
34845

Hỏi đáp về quyền con người – Bài 4

  1. Tại sao khẳng định quyền con người là mục tiêu, động lực của sự phát triển xã hội?

Lịch sử đã chứng minh, quyền con người là nội dung cơ bản của mọi xã hội, mọi thời đại. Ngày nay, quyền con người được xác định là mục tiêu hướng tới của mọi nhà nước. Nhà nước nào cũng đều quan tâm ghi nhận, bảo vệ quyền con người thông qua hiến pháp, pháp luật và trong thực tế cuộc sống. Thực tiễn đã chứng minh, khi quyền con người được tôn trọng và bảo vệ sẽ kích thích sự sáng tạo của mỗi cá nhân, tạo xung lực cho sự phát triển của cá nhân, cộng đồng cũng như của cả xã hội.

Lịch sử cũng cho thấy, nhân quyền là giá trị lớn của nhân loại, nhưng đó chỉ là một trong những giá trị mà nhân loại đã giành được từ cuộc đấu tranh chống lại mọi áp bức dân tộc, giai cấp. Mặc dù nhân quyền đã tạo ra bước tiến lớn lao và đó là động lực thúc đẩy mọi quá trình phát triển, nhưng nhân quyền mới tạo lập được sự bình đẳng về mặt xã hội – tức giúp tất cả mọi người được bình đẳng trên danh nghĩa (bằng pháp luật) để đạt tới tự do, chứ chưa khắc phục được bất bình đẳng về mặt sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và phân phối của cải xã hội. Chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhiều quốc gia đang hướng tới là xã hội luôn ý thức rõ việc nhận diện đầy đủ những biểu hiện và nguồn gốc của bất công và tìm phương thức, biện pháp xóa bỏ những bất công ấy. Đó là một trong những cách thức để tạo ra môi trường, điều kiện cho việc hiện thực hóa đầy đủ các quyền con người.

Cuộc đấu tranh giành độc lập của các quốc gia – dân tộc đã khẳng định rõ, không giành được quyền tự quyết dân tộc không thể có nhân quyền. Thực tiễn ở nhiều quốc gia cũng chứng minh, độc lập dân tộc cần gắn liền với việc lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa. Chỉ trong chế độ xã hội chủ nghĩa – một xã hội chủ trương xóa bỏ trên thực tế mọi bất bình đẳng về lợi ích – thì quyền con người mới có điều kiện thực hiện đầy đủ, trọn vẹn.

  1. Tại sao quyền con người, quyền công dân phải được ghi nhận và bảo vệ bằng pháp luật?

Thực tiễn Việt Nam và thế giới cho thấy, đảm bảo bằng pháp luật là một trong những điều kiện quan trọng nhất để các quyền con người được thực hiện. Mọi nhu cầu hay yêu sách về quyền nếu không được pháp luật ghi nhận và bảo vệ thì không thể có bất cứ một quyền con người nào.

C.Mác luôn đề cao vai trò của pháp luật, coi pháp luật “là kinh thánh tự do của nhân dân”. Trường phái pháp luật thực định cũng luôn khẳng định: “… con người về bản chất đã có những đặc quyền, nghĩa là những khả năng làm hoặc hành động một cách có ý thức, tránh hoặc từ chối, đòi hỏi, giành lấy và nhất là tự bảo vệ. Tự do bản thân chúng, các đặc quyền (prérogatives) ấy không phải là quyền. Để đạt tới tư cách đó, các đặc quyền phải là đối tượng của một quy chế đặc thù: quy chế pháp lý. Điều kiện cần và đủ là quy tắc phải đụng chạm đến chúng theo một cách nào đó; bằng cách chấp nhận, hạn chế, tổ chức, điều chỉnh, bắt buộc hoặc ngăn cấm. Không có luật pháp thì không có quyền (point de droit sans droit), và không có quyền nào mà lại không phải là một đặc quyền nhưng không nhất thiết là ngược lại”[1]… Quyền con người khi được pháp luật và xã hội ghi nhận trở thành ý chí của toàn dân, buộc cả xã hội phải phục tùng và nhà nước phải hết sức bảo vệ.

Sau khi LHQ ra đời, quyền con người được ghi nhận và bảo vệ bởi hệ thống pháp luật quốc tế – Luật quốc tế về quyền con người. Đó là kết quả hợp tác của cộng đồng quốc tế trong việc xây dựng các nguyên tắc, quy phạm và cơ chế thực thi, giám sát việc thực hiện quyền con người. Các văn kiện nhân quyền quốc tế luôn nhấn mạnh là “quyền con người phải được bảo vệ bằng nhà nước pháp quyền”, theo các nguyên tắc pháp quyền, chế độ pháp quyền.

Trong phạm vi quốc gia, pháp luật bảo vệ quyền con người thể hiện ở việc ghi nhận các quyền con người, quyền công dân trong pháp luật, hoàn thiện các thiết chế, bộ máy nhằm bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền con người. Mặc dù luôn nhấn mạnh “quyền bẩm sinh”, nhưng ngày nay, ở mọi quốc gia, quyền con người đều được ghi nhận và bảo vệ bằng các hình thức pháp luật khác nhau.

Quan điểm này là cơ sở để bác bỏ mặt phiến diện của thuyết nhân quyền tự nhiên, khẳng định vai trò của pháp luật trong việc bảo vệ quyền con người.

  1. Tại sao quyền của mỗi cá nhân không tách rời nghĩa vụ và trách nhiệm công dân?

Từ khi Luật Nhân quyền quốc tế ra đời, vấn đề quyền và nghĩa vụ cũng đồng thời được đặt ra. Nguyên tắc này được chia sẻ rộng rãi ở mọi quốc gia và cơ chế nhân quyền khu vực. Tuy nhiên, những người cổ vũ cho thuyết “nhân quyền phổ biến”, “nhân quyền tuyệt đối”… lại bác bỏ nghĩa vụ, trách nhiệm cá nhân khi thực thi nhân quyền. Ngay cả hiện nay, các nước phương Tây vẫn đẩy mạnh truyền bá thuyết “nhân quyền không kèm nghĩa vụ”. Thuyết này cho rằng, đã nói quyền con người thì chỉ đề cập trách nhiệm, nghĩa vụ của nhà nước, chứ không thể nói trách nhiệm của cá nhân. Theo đó, nhà nước phải có nghĩa vụ tôn trọng, thực hiện quyền con người chứ không phải “ban phát” quyền con người, cá nhân chỉ có trách nhiệm duy nhất là đấu tranh để nhà nước phải tôn trọng, thực hiện các quyền con người đó… Quan điểm này đã ảnh hưởng mạnh vào Việt Nam, dẫn đến những nhận thức mơ hồ về trách nhiệm cá nhân khi hưởng thụ quyền.

Bàn về vấn đề này, C.Mác viết: “Không có quyền lợi nào mà không có nghĩa vụ, không có nghĩa vụ nào mà không có quyền lợi”[2]. Trên thực tế, ở bất cứ quốc gia nào, người dân cũng phải thực hiện những nghĩa vụ nhất định, theo quy định của pháp luật, không chỉ trên tư cách công dân mà còn cả tư cách con người đối với xã hội mà mình đang sinh sống. Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới 1948 cũng ghi nhận: “Mỗi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng mà chính trong đó nhân cách của bản thân có thể phát triển tự do và đầy đủ” (Điều 29). Lời nói đầu hai công ước nhân quyền quan trọng nhất là Công ước ICPPR và Công ước ICESR (năm 1966) cũng đều nhấn mạnh, “mỗi cá nhân trong khi được hưởng thụ các quyền cần tôn trọng tự do của người khác và tôn trọng trật tự xã hội, lợi ích của cộng đồng”. Việc luật nhân quyền quốc tế hạn chế một số quyền con người cũng với một ý nghĩa như vậy. Văn kiện nhân quyền của hầu hết các khu vực và tiểu khu vực đều nhấn mạnh nghĩa vụ trong khi thực thi các quyền con người…

Thực tế nói trên là cơ sở lý luận và thực tiễn của quan điểm “Quyền dân chủ, tự do của mỗi cá nhân không tách rời nghĩa vụ và trách nhiệm công dân”[3] của Đảng.

Quan điểm này có ý nghĩa hết sức quan trọng, vì nó chỉ ra được cách thức giải quyết một trong những mối quan hệ cơ bản nhất của vấn đề nhân quyền, khắc phục được cách hiểu phiến diện, cực đoan về vấn đề nhân quyền.

[1] Trích theo Jacques Mourgon trong Quyền con người, Nhà xuất bản Đại học Pháp, tháng 1-1990.

[2]C.Mác và Ph.Ăng ghen: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.1994, t.16, tr.25.

[3]Chỉ thị 12-CT/TW (1992).

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *