6. Những nội dung chính về quyền con người trong Chỉ thị 12-CT/TW ngày 12/7/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Vấn đề quyền con người và quan điểm chủ trương của Đảng ta”?
– Quyền con người là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài qua các thời đại của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới, và cũng là thành quả của cuộc đấu tranh của loài người làm chủ thiên nhiên; qua đó, quyền con người trở thành giá trị chung của nhân loại.
– Trong xã hội có phân chia giai cấp đối kháng,khái niệm quyền con người mang tính giai cấp sâu sắc. Giải phóng con người gắn liền với giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội. Chỉ dưới tiền đề độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội thì quyền con người mới có điều kiện được bảo đảm rộng rãi, đầy đủ, trọn vẹn nhất.
– Trong chủ nghĩa xã hội, có sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích toàn xã hội. Chúng ta coi trọng bảo đảm lợi ích của cá nhân, của con người vì đó là mục tiêu, là động lực của sự phát triển xã hội. Đồng thời, bảo đảm lợi ích của tập thể, của cả cộng đồng xã hội.
– Quyền dân chủ, tự do của mỗi cá nhân không tách rời nghĩa vụ và trách nhiệm công dân. Dân chủ phải đi đôi với kỷ cương, pháp luật. Mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân.
– Quyền con người gắn với quyền dân tộc cơ bản và thuộc phạm vi chủ quyền quốc gia.
– Quyền con người luôn luôn gắn liền với lịch sử, truyền thống và phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, văn hóa của đất nước. Do vậy, không thể áp đặt hoặc sao chép máy móc các tiêu chuẩn, mô thức của nước này cho nước khác.
– Đối với chúng ta, vấn đề quyền con người được đặt ra xuất phát từ mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, từ bản chất của chế độ ta và bao quát rộng rãi nhiều lĩnh vực từ chính trị, tư tưởng, văn hóa đến kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, pháp chế… Vì vậy đây là trách nhiệm chung mà tất cả các ngành, các địa phương, cơ sở phải tích cực và chủ động thực hiện, ngày càng hoàn thiện và nâng cao các quyền con người, vì lợi ích của nhân dân ta. Mặt khác, quyền con người là vấn đề đang được đặt ra trong các mối quan hệ quốc tế. Cần làm tốt công tác đối ngoại, giữ vững độc lập chủ quyền của nước ta, sẵn sàng tỏ thiện chí hợp tác trong quan hệ quốc tế vì quyền con người, đồng thời đấụ tranh với những âm mưu lợi dụng vấn đề này để chống phá ta.
7. Vì sao quyền con người là giá trị chung của nhân loại?
Quyền con người bắt nguồn từ phẩm giá con người nhưng quyền con người có nội hàm phong phú như ngày nay là thành quả chung của cả nhân loại trong việc chinh phục giới tự nhiên và giải phóng con người khỏi mọi sự tha hóa, khôi phục bản thể vốn có của con người. Khái niệm quyền con người ra đời khá muộn, gắn liền với các cuộc cách mạng tư sản nhưng những nội dung của quyền con người xuất hiện sớm và tồn tại trong mọi nền văn hóa.
Lịch sử đã chứng minh, những tư tưởng về quyền con người cũng như những quy định trong pháp luật và kết quả đạt được về quyền con người là thành quả đấu tranh lâu dài, gian khổ của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức qua mọi thời kỳ phát triển của lịch sử. Quyền con người phát triển không ngừng, gắn liền với các hình thái kinh tế – xã hội, với nền văn minh nhân loại. Mỗi bước tiến của lịch sử nhân loại đều đánh dấu nấc thang mới trong nhận thức và hiện thực hóa các quyền con người. Quyền con người vừa là sản phẩm của văn minh nhân loại, vừa là sản phẩm của cuộc đấu tranh lâu dài của con người chống lại áp bức, bất công, làm chủ thiên nhiên và tự hoàn thiện chính mình…
Thực tiễn nói trên là cơ sở để Đảng khẳng định: “quyền con người là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài qua các thời đại của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới, và cũng là thành quả của cuộc đấu tranh của loài người làm chủ thiên nhiên; qua đó, quyền con người trở thành giá trị chung của nhân loại”[1].
Quan điểm “quyền con người là giá trị chung của nhân loại” có ý nghĩa quan trọng, chỉ rõ nguồn gốc của quyền con người, giúp chúng ta có cơ sở bác bỏ các quan điểm sai trái, coi quyền con người là phát kiến, là giá trị riêng có của phương Tây. Quan điểm này góp phần khắc phục các biểu hiện phiến diện, cực đoan: quay lưng, khước từ những giá trị tiến bộ, văn minh hoặc chấp nhận sự áp đặt mô hình của nước này cho nước khác. Là giá trị chung nên tất cả các quốc gia, dân tộc – không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa – đều có quyền thụ hưởng và có nghĩa vụ bảo vệ, phát triển giá trị xã hội cao quý này.
Từ quan điểm này, Đảng chủ trương: “Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người (…) Chống tư tưởng, văn hóa phản tiến bộ, trái với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và những giá trị cao quý của loài người, trái với phương hướng đi lên chủ nghĩa xã hội”[2]; “Chú trọng nghiên cứu những vấn đề về thời đại, về chủ nghĩa tư bản hiện đại, về những biến đổi trong các quan hệ quốc tế, về trật tự thế giới mới, dự báo xu hướng phát triển của thế giới và của khu vực trong những thập kỷ tới”[3].
Những năm qua, Nhà nước Việt Nam đã chủ động tham gia vào các diễn đàn và hoạt động nhân quyền khu vực cũng như toàn cầu. Đảng luôn khẳng định, việc bảo đảm quyền con người là một mục tiêu, động lực của cách mạng, là trách nhiệm lớn của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, nước ta cũng tích cực, chủ động tham gia vào công việc chung của cộng đồng quốc tế trong thúc đẩy quyền con người khu vực và thế giới với phương châm “Chủ động, tích cực tham gia các công việc chung của cộng đồng quốc tế, các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế, nâng cao vị thế của đất nước (…) là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”
[1] Chỉ thị 12-CT/TW ngày 12/7/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII về “Vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta”
[2]Các cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb.Chính trị quốc gia, H.1998, tr.120.
[3] Nghị quyết của Bộ Chính trị số 01/NQ-TƯ Về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay (ngày 28-3-1992)