Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
34427

Một số hỏi đáp về quyền con người – Bài 1

  1. Quyền con người có nguồn gốc tự  nhiên hay do pháp luật quy định?

Có hai trường phái trái ngược nhau về vấn đề này. Theo học thuyết về quyền tự nhiên (natural rights), nhân quyền là những gì bẩm sinh, vốn có mà mọi cá nhân sinh ra  đều được hưởng, chỉ  đơn giản bởi họ là thành viên của gia đình nhân loại. Do  đó, các quyền con người không phụ  thuộc vào phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa hay ý chí của bất cứ cá nhân, giai cấp, tầng lớp, tổ chức, cộng đồng hay nhà nước nào. Cũng do đó, không một chủ thể  nào, kể cả các nhà nước, có thể ban phát hay tùy tiện tước bỏ các quyền con người. Ngược lại, học thuyết về các quyền pháp lý (legal rights) cho rằng các quyền con người phải do các nhà nước quy định trong pháp luật. Như vậy, theo học thuyết này, phạm vi, giới hạn và ở góc độ nhất định, cả thời hạn hiệu lực của các quyền con người phụ thuộc vào ý chí của tầng lớp thống trị  và những yếu tố  như  phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa… của từng xã hội. Cho đến nay, cuộc tranh luận về tính đúng đắn của hai học thuyết kể trên vẫn còn tiếp tục.

Hiện nay, hầu hết các văn kiện pháp luật của các quốc gia  đều thể hiện các quyền con người là các quyền pháp lý. Tuyên ngôn nhân quyền thế giới năm 1948, nhân quyền được khẳng định một cách rõ ràng là các quyền tự  nhiên, vốn có và không thể chuyển nhượng được của các cá nhân. Những giá trị tự nhiên, vốn có của mọi cá nhân, được pháp luật (quốc gia, quốc tế, khu vực) ghi nhận và bảo vệ. Tuyên ngôn toàn thế  giới về  nhân quyền (đoạn 1, Lời nói  đầu) nêu rằng:… thừa nhận phẩm giá vốn có và các quyền bình  đẳng và không thể tách rời của mọi thành viên trong gia đình nhân loại. Ở  góc  độ  quốc gia, Tuyên ngôn  Độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (1776) nêu rằng:… mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong đó có quyền sống, quyền tự  do và quyền mưu cầu hạnh phúc… Những tuyên bố này về  sau  được tái khẳng  định trong bản Tuyên ngôn Dân quyền và Nhân quyền 1789 của nước Pháp và bản Tuyên ngôn Độc lập 1945 của Việt Nam.

  1. Thế nào là “các thế hệ  quyền con người”?

          Ý tưởng phận định  ba “thế  hệ  quyền con người” (generations of human rights) nhằm phân tích lịch sử phát triển của quyền con người. Thế hệ thứ nhất là các quyền dân sự, chính trị hướng vào tự do và sự  tham gia vào  đời sống chính trị  của các cá nhân, bao gồm các quyền và tự do cá nhân về phương diện dân sự và chính trị (quyền sống, quyền tự do tư tưởng, tự do tôn giáo tín ngưỡng, tự do biểu đạt, quyền được bầu cử,  ứng cử, quyền  được xét xử  công bằng…). Thế hệ  quyền con người này gắn liền với cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản lật đổ chế độ phong kiến. Những văn kiện pháp lý quốc tế  đề  cập đến thế hệ quyền này là Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới 1948 (UDHR) và Công  ước quốc tế  về  các quyền dân sự, chính trị, 1966 (ICCPR). Thế  hệ thứ  hai là các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa hướng vào việc tạo lập những  điều kiện và sự đối xử bình đẳng, công bằng cho mọi công dân trong xã hội (quyền có việc làm, quyền được bảo trợ xã hội, quyền được chăm sóc y tế, quyền có nhà ở…). Văn kiện pháp lý quốc tế  đề cập đến thế hệ quyền này là Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hoá, xã hội, 1966 (ICESCR). Thế  hệ thứ ba là các quyền tập thể bao gồm các quyền tiêu biểu như quyền tự quyết dân tộc (right to self‐determination); quyền phát triển (right to development); quyền với các nguồn tài nguyên thiên nhiên (right to natural resources); quyền được sống trong hoà bình (right to peace); quyền  được sống trong môi trường trong lành (right to a healthy environment)… Danh mục các quyền thuộc thế hệ quyền này vẫn đang được bổ sung, trong đó những quyền được đề cập gần đây bao gồm: quyền được thông tin và các quyền về thông tin (right to communicate; communication rights); quyền được hưởng thụ các giá trị văn hóa (right to participation in cultural heritage). Những văn kiện pháp lý quốc đề cập đến thế hệ  quyền này là Tuyên ngôn về trao trả độc lập cho các quốc gia và dân tộc thuộc  địa, 1960; Hai Công ước ICCPR (Điều 1) và ICESCR (Điều 1); Tuyên bố về quyền của các dân tộc  được sống trong hoà bình, 1984; Tuyên bố về quyền phát triển, 1986… Ngoại trừ  một số  quyền như  quyền tự  quyết dân tộc, nhiều quyền trong thế hệ thứ ba chưa  được pháp  điển hóa bằng các điều ước quốc tế, mà chủ yếu mới chỉ được đề cập trong các tuyên bố, tuyên ngôn (các văn kiện luật mềm ‐ soft law). Vì vậy, tính pháp lý và tính hiện thực của hầu hết các quyền trong thế hệ này hiện vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *