Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
34632

Hỏi đáp về quyền con người – Bài 2

  1. Quyền cá nhân và quyền tập thể có gì khác nhau không?

Do chủ thể chính của quyền con người là các cá nhân nên khi nói đến quyền con người về cơ  bản là nói đến các quyền cá nhân (individual rights). Tuy nhiên, ngoài các cá nhân, chủ thể  của quyền con người còn bao gồm các nhóm xã hội nhất định, vì thế, bên cạnh các quyền cá nhân, người ta còn đề cập đến các quyền tập thể (group rights hay collective rights). Nếu như quyền cá nhân có thể hiểu là các quyền thuộc về  mỗi cá nhân, bất kể  họ có hay không là thành viên của bất kỳ  một nhóm xã hội nào và việc hưởng thụ các quyền cơ bản là dựa trên cơ sở cá nhân thì ngược lại, quyền tập thể có thể hiểu là những quyền đặc thù chung của một tập thể hay một nhóm xã hội nhất định, mà để được hưởng thụ các quyền này cần phải là thành viên của nhóm, và trong nhiều trường hợp phải được thực hiện với tính chất tập thể. Cụ thể, một số  quyền tập thể đôi khi cần phải thực hiện cùng với các thành viên khác của nhóm (ví dụ như quyền tự  do hội họp, lập hội…) thì mới mang ý nghĩa đích thực. Tuy nhiên, không phải tất cả các quyền của nhóm đều đòi hỏi phải thực hiện bằng cách thức tập thể, mà có thể được thực hiện cả với tư cách tập thể hoặc cá nhân. Đơn cử, một thành viên của một dân tộc thiểu số có thể cùng với cộng đồng mình yêu cầu được bảo đảm các quyền về  sử  dụng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình trên các phương tiện truyền thông, nhưng đồng thời có thể  một mình thực hiện quyền chung của dân tộc thiểu số là được nói tiếng nói hay mặc trang phục của dân tộc đó… Khái niệm quyền của nhóm còn được mở rộng để chỉ các quyền của một dân tộc (people’s rights) cụ thể như quyền tự  quyết dân tộc, quyền  được bảo tồn tài nguyên và  đất  đai truyền thống của các dân tộc bản địa…

Nhìn chung, các quyền cá nhân và quyền tập thể  hỗ trợ, bổ  sung cho nhau, song cũng có trường hợp mâu thuẫn nhau nên cần nghiên cứu tìm ra biện pháp giải quyết các xung đột có thể xảy ra, làm hài hoà các quyền tập thể và quyền cá nhân.

Color image of crowds making peace sign (victory sign) during a protest rally. Selective focus with copy space below.
  1. Thuật ngữ “quyền con người” được đề cập lần đầu tiên trong văn kiện nào của Đảng Cộng sản Việt Nam? Kể từ ngày thành lập Đảng đến nay, Đảng đã ban hành bao nhiêu chỉ thị chuyên biệt về quyền con người?

Thuật ngữ “quyền con người” được đề cập lần đầu tiên trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991: … “Nhà nước định ra các đạo luật nhằm xác định các quyền công dân và quyền con người, quyền đi đôi với nghĩa vụ và trách nhiệm”2.

Kể từ ngày thành lập Đảng đến nay, Đảng đã ban hành 02 Chỉ thị chuyên biệt về quyền con người, bao gồm:

– Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 12/7/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Vấn đề quyền con người và quan điểm chủ trương của Đảng ta”

– Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 20/7/2010 của Ban Bí thư về “Công tác nhân quyền trong tình hình mới”; Hội nghị TW 8 Khóa VII (1995) về “Tăng cường pháp chế XHCN; xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam quản lý xã hội bằng pháp luật”

  1. Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chị thị số 12-CT/TW về “Vấn đề quyền con người và quan điểm chủ trương của Đảng ta” trong bối cảnh nào?

Chỉ thị số 12-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Vấn đề quyền con người và quan điểm chủ trương của Đảng ta”được ban hành ngày 12/7/1992 trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều điểm nổi bật. Năm 1990, 1991 tình hình quốc tế có nhiều biến động lớn. Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Quyền con người trở thành mũi nhọn cho các thế lực thù địch tấn công hệ thống chủ nghĩa xã hội. Bối cảnh quốc tế đã có tác động to lớn đối với Việt Nam. Để thoát khỏi khủng hoảng chung,Việt Nam bắt đầu đổi mới trên lĩnh vực kinh tế đặt ra vấn đề trực tiếp là tự do kinh doanh, lao động việc làm. Việt Nam thực hiện nhiều trách nhiệm quốc gia, trong đó có việc nộp các báo cáo quốc gia về quyền con người. Chỉ thị số 12 đã đề cập toàn diện, hệ thống các quan điểm cơ bản về quyền con người.  Các quan điểm về quyền con người của Việt Nam lần đầu tiên được nêu trong Chỉ thị số 12 đã đặt nền móng xây dựng Hiến pháp năm 1992.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *