Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
53465

Bối cảnh ra đời ra đời của Công ước Chống tra tấn

 

Năm 1946, các quốc gia thành viên Liên Hiệp quốc nhất trí thông qua Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền ghi nhận các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền không bị tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo và hạ nhục… Trên cơ sở Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền, nhiều văn kiện pháp lý quốc tế cũng được ban hành, trong đó có ghi nhận quyền không bị tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người như Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng năm 1948, Công ước của Châu Âu về nhân quyền năm 1950…

Hội thảo về Công ước chống tra tấn tại Hà Nội

Đến năm 1966, Liên Hiệp quốc thông qua 02 Công ước quốc tế quan trọng về quyền con người là Công ước về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (Công ước ICESCR), Công ước về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR). Quyền không bị tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo và hạ nhục được nhắc lại tại Điều 7 Công ước ICCPR.

Nhận thức được tầm quan trọng của quyền không bị tra tấn hay ngược đãi ngày 09/12/1975, Đại hội đồng Liên Hiệp quốc thông qua một văn kiện riêng về quyền này với tên gọi “Tuyên bố về bảo vệ mọi người khỏi bị tra tấn và các hành vi đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người”  (sau đây gọi là Tuyên bố về chống tra tấn). Ngay sau khi thông qua Tuyên bố về chống tra tấn, ngày 09/12/1975, Đại hội đồng Liên Hiệp quốc thông qua Nghị quyết số 3453 (XXX) yêu cầu Uỷ ban Nhân quyền (Commission on Human Rights)  tiến hành nghiên cứu các vấn đề liên quan đến “tra tấn” và thực hiện các bước cần thiết để đảm bảo thực hiện hiệu quả Tuyên bố về chống tra tấn. Hai năm sau đó, Đại hội đồng Liên Hiệp quốc tiếp tục thông qua Nghị quyết số 36/62 yêu cầu Uỷ ban Nhân quyền xây dựng dự thảo Công ước về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (sau đây gọi là Công ước Chống tra tấn) trên cơ sở các nguyên tắc đã được quy định bởi Tuyên bố về chống tra tấn.

Để thực hiện các Nghị quyết nói trên của Đại hội đồng Liên Hiệp quốc, hai Nhóm làm việc đặc biệt đã được thành lập để thảo luận và xây dựng dự thảo Công ước Chống tra tấn. Dự thảo Công ước Chống tra tấn được giới thiệu lần đầu bởi Thụy Điển và được gửi để Nhóm làm việc thứ hai xem xét, thảo luận vào năm 1978. Dự thảo Công ước Chống tra tấn này tiếp tục được Nhóm công tác sử dụng để thảo luận, chuyển tới các quốc gia thành viên của Liên Hiệp quốc và đệ trình lên Hội đồng kinh tế, văn hoá và xã hội Liên Hiệp quốc (ECOSOC) để lấy ý kiến. Ngày 24/5/1984, Hội đồng ECOSOC đã chấp thuận cho phép trình dự thảo Công ước Chống tra tấn lên Đại hội đồng Liên Hiệp quốc để chờ thông qua.

Ngày 10/12/1984, Đại hội đồng Liên Hiệp quốc đã thông qua Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Nghị quyết số 39/46). Công ước được để mở cho các quốc gia tham gia ký kết.

Ngày 26/6/1987, sau khi Tổng thư ký Liên Hiệp quốc nhận được văn kiện phê chuẩn của quốc gia thứ 20, Công ước Chống tra tấn chính thức có hiệu lực theo quy định của khoản 1 Điều 27 Công ước. Đến nay, Công ước Chống tra tấn đã có 166 quốc gia thành viên. Liên Hiệp quốc chọn ngày có hiệu lực của Công ước là ngày Quốc tế ủng hộ các nạn nhân bị tra tấn hàng năm.

Trong quá trình thực thi Công ước, Đại hội đồng Liên Hiệp quốc cũng thông qua Nghị định thư không bắt buộc của Công ước Chống tra tấn ngày 18/12/2002 (viết tắt là OPCAT) theo Nghị quyết số 57/199. Nghị định thư OPCAT có hiệu lực từ ngày 22/6/2006 thiết lập một hệ thống giám sát quốc tế phòng ngừa tra tấn thông qua các chuyến thăm của các cơ quan quốc tế độc lập, các tổ chức trong nước đối với các cơ sở giam giữ. Nghị định thư OPCAT cũng thành lập một tiểu ban về phòng, chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người khác để thực hiện các chuyến thăm và hỗ trợ các quốc gia thành viên và các thể chế quốc gia trong thực hiện các hoạt động tương tự trong phạm vi quốc gia.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *