Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
52425

Ý nghĩa và nội dung cơ bản của Công ước Chống tra tấn

Công ước Chống tra tấn là một trong 09 công ước quốc tế cơ bản về quyền con người của Liên Hiệp quốc. Tính đến hết tháng 6/2019, Công ước Chống tra tấn đã có 166 quốc gia thành viên, trong đó có 06 quốc gia ASEAN (bao gồm Campuchia, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Lào, Việt Nam). Sự ra đời và mức độ phổ biến của Công ước đã khẳng định nỗ lực, quyết tâm chung của cộng đồng quốc tế trong cuộc đấu tranh chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác trên toàn thế giới.

Tập huấn về Công ước chống tra tấn của Liên Hợp Quốc

Việc Đại hội đồng thông qua Công ước Chống tra tấn là sự kiện lịch sử mang đậm dấu ấn tiến bộ của nhân loại trong nỗ lực bảo vệ con người khỏi bị tra tấn là bước đột phá trong cuộc đấu tranh phòng, chống tra tấn trên toàn thế giới và là công cụ hữu hiệu để loại bỏ hoàn toàn hành vi tra tấn ra khỏi đời sống của xã hội văn minh.

Công ước Chống tra tấn gồm 33 điều, chia thành 03 phần với các nội dung cụ thể như sau: từ Điều 1 đến Điều 16 quy định về khái niệm tra tấn và các nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Công ước trong việc nghiêm cấm, trừng trị, phòng ngừa các hành vi tra tấn cũng như bảo vệ nạn nhân bị tra tấn; từ Điều 17 đến Điều 24 quy định về nghĩa vụ báo cáo của các quốc gia thành viên lên Ủy ban chống tra tấn của Liên Hiệp quốc và thẩm quyền của Ủy ban, hoạt động của báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp quốc về chống tra tấn, quyền của các quốc gia về tuyên bố ký, phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước; từ Điều 25 đến Điều 33 gồm những quy định liên quan đến ký, phê chuẩn, gia nhập, hiệu lực và sửa đổi Công ước.

Ngày 07/11/2013, đại diện của Chính phủ Việt Nam đã ký tham gia Công ước Chống tra tấn tại New York, Mỹ.

Ngày 28/11/2014, với 100% số đại biểu tán thành, Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 8 đã thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH13 phê chuẩn Công ước Chống tra tấn. Ngày 05/02/2015, Việt Nam nộp văn kiện phê chuẩn cho Tổng thư ký Liên Hiệp quốc.

Về bảo lưu: Tại thời điểm phê chuẩn Công ước, Việt Nam đã tuyên bố không công nhận thẩm quyền của Ủy ban Chống tra tấn trong việc điều tra tình huống tra tấn diễn ra trên diện rộng tại quốc gia thành viên (Điều 20) và bảo lưu khoản 1 Điều 30 Công ước Chống tra tấn về giải quyết tranh chấp trong quá trình thực hiện, giải thích quy định Công ước Chống tra tấn.

Bên cạnh đó, Việt Nam tuyên bố không coi Công ước là cơ sở pháp lý trực tiếp để thực hiện dẫn độ đối với các tội phạm được quy định tại Điều 4 Công ước. Việc dẫn độ các tội phạm này sẽ được quyết định dựa trên cơ sở các điều ước quốc tế về dẫn độ mà Việt Nam là thành viên và nguyên tắc có đi có lại; đồng thời việc thực hiện dẫn độ sẽ được thực hiện theo quy định pháp luật của Việt Nam.

Ngay sau khi phê chuẩn Công ước Chống tra tấn, ngày 17/3/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 364/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước Chống tra tấn. Trong giai đoạn từ năm 2015-2017, trên cơ sở quy định tại Điều 19 Công ước và Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước Chống tra tấn, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thực hiện xây dựng Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước Chống tra tấn lần thứ nhất của Việt Nam. Ngày 20/7/2017, Việt Nam chính thức gửi Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước Chống tra tấn lần thứ nhất tới Ủy ban Chống tra tấn.

Ngày 10-11/11/2018, Đoàn Công tác liên ngành của Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công an tham dự Phiên đối thoại với Ủy ban Chống tra tấn về Báo cáo quốc gia lần thứ nhất.

Ngày 28/12/2018, Ủy ban Chống tra tấn đã gửi các khuyến nghị của Ủy ban tới Việt Nam. Hiện nay, các Bộ, ngành của Việt Nam đang thực hiện nghiên cứu, xem xét tổ chức thực hiện các khuyến nghị này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *