Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
28506

Hỏi đáp về quyền con người – Bài 5

  1. Ở Việt Nam, thuật ngữ “quyền con người” lần đầu tiên được quy định trong bản Hiến pháp nào?

Ở Việt Nam, thuật ngữ “quyền con người” lần đầu tiên được quy định trong Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi, bổ sung năm 2001 (Hiến pháp năm 1992). Chế định “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” được quy định tại Chương V, bao gồm 34 điều. Lần đầu tiên đã đưa việc bảo vệ quyền con người thành nguyên tắc hiến định tại Điều 50: “Ở nước CHXHCN Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật”.

  1. Tại sao nói Hiến pháp 2013 là bước tiến trong tư duy lập pháp về quyền con người

Hiến pháp 2013 gồm 120 điều, trong đó dành riêng Chương 2 với 36 điều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân. Điều đáng chú ý, quyền con người, quyền công dân không chỉ quy định ở một chương, mà nằm ở nhiều chương khác nhau của Hiến pháp.

Hiến pháp năm 2013 đã quy định đầy đủ và toàn diện hệ thống các quyền con người, quyền công dân phù hợp với thực tiễn Việt Nam và với chuẩn mực quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia.

So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 có những sửa đổi, bổ sung và phát triển quan trọng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân trên một số điểm cơ bản sau đây:

Thứ nhất, về tên gọi và vị trí của chương: Chương “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” được chuyển vị trí từ Chương V Hiến pháp năm 1992 lên Chương thứ II; đánh dấu bước ngoặt trong sự thay đổi nhận thức, tư duy về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của chế định quyền con người trong hiến pháp và vai trò đặc biệt quan trọng của Hiến pháp đối với bảo vệ quyền con người.

Thứ hai, về khái niệm quyền con người, quyền công dân đã có sự phân biệt. Hiến pháp năm 2013 có sự phân biệt rõ ràng chủ thể của quyền con người là “mọi người”, “mọi người có quyền”, và chủ thể của quyền công dân là “công dân”, “công dân có quyền và có nghĩa vụ”. Theo đó, chỉ những người có quốc tịch của Nhà nước Việt Nam mới được hưởng quyền công dân, như quyền bầu cử, quyền ứng cử, quyền tham gia quản lý nhà nước…còn là quyền của tất cả mọi người, gồm cả công dân, người nước ngoài, người không có quốc tịch đều được hưởng.

Thứ ba, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định và làm rõ hơn các nguyên tắc về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân. Lần đầu tiên Hiến pháp quy định quyền con người, quyền công dân có thể bị hạn chế phù hợp với chuẩn mực quốc tế về quyền con người. Theo đó, Điều 14, Khoản 2 quy định, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Quy định này, một mặt, nhằm tránh các cơ quan nhà nước xâm phạm quyền con người, quyền công dân; mặt khác cũng hạn chế khả năng lợi dụng vấn đề quyền con người, quyền công dân để thực hiện các hành vi ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Đồng thời Hiến pháp cũng làm rõ hơn nguyên tắc quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân.

Thứ tư, Hiến pháp đặt trọng tâm trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, Hiến pháp quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của Nhà nước là công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân (Điều 3, Khoản 3 và Điều 14, Khoản 1). Việc quy định công nhận quyền con người, Nhà nước thừa nhận giá trị tự nhiên của quyền con người, mọi người từ khi sinh ra đều có quyền con người, đây không phải là sự ban phát của nhà nước. Từ sự thừa nhận giá trị tự nhiên, vốn có của con người, Nhà nước, các cơ quan nhà nước, cán bộ công chức nhà nước có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Thứ năm, Hiến pháp bổ sung nhiều quyền mới, là thành tựu của gần 30 năm Đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Đó là các quyền: Quyền sống (Điều 19); quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác (Điều 20); Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư (Điều 21); Quyền bảo đảm an sinh xã hội (Điều 34); Quyền kết hôn và ly hôn (Điều 36); Quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa (Điều 41); Quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp (Điều 42); Quyền được sống trong môi trường trong lành (Điều 43).

Thứ sáu, Hiến pháp năm 2013 sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân như mở rộng chủ thể có quyền bình đẳng, không phân biệt đối xử; trách nhiệm của nhà nước trước công dân của nước mình, công dân không thể bị trục xuất, giao nộp cho nước khác, bảo vệ công dân Việt Nam ở nước ngoài… Đồng thời khắc phục cách diễn đạt thể hiện tư tưởng ban phát quyền cho con người bằng cách thay đổi cách diễn đạt và văn phong pháp lý. Nhiều cụm từ “Nhà nước bảo đảm”, “Nhà nước tạo điều kiện”, “Nhà nước khuyến khích” đã được thay thế bằng “mọi người có quyền”, “công dân có quyền”. Hiến pháp cũng lược bỏ nhiều quy định về các cụm từ “theo quy định của pháp luật”, “theo quy định của luật” tránh cách hiểu và áp dụng tùy tiện, thừa nhận khả năng có thể áp dụng trực tiếp các quy định của Hiến pháp.

 Thứ bảy, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục kế thừa các nghĩa vụ cơ bản của công dân và sửa đổi bổ sung một số quy định về nghĩa vụ cho phù hợp với các quy định về chủ thể của quyền con người, quyền công dân. Ví dụ: Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế, trước kia nghĩa vụ này chỉ là công dân (Điều 47). Hiến pháp quy định một số quyền đồng thời là nghĩa vụ, như mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh (Điều 38); công dân có quyền và nghĩa vụ học tập (Điều 39), mọi người có quyền sống trong môi trường trong lành và nghĩa vụ bảo vệ môi trường (Điều 43);

Thứ tám, Hiến pháp quy định cơ chế bảo vệ hiến pháp, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân. Theo đó, Quốc hội các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và toàn thể Nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp. Cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định (Điều 119, Khoản 2). Theo dự thảo ban đầu được đưa ra lấy ý kiến toàn dân, Ủy sửa đổi Hiến pháp dự định thành lập Hội đồng Hiến pháp, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan việc thành lập Hội đồng Hiến pháp chưa chín muồi, nên Hiến pháp đểngỏ khả năng thành lập cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật quy định mà không cần phải sửa đổi Hiến pháp.

  1. Tại sao Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Giới hạn áp dụng một số quyền được quy định trong một số điều ước quốc tế về quyền con người, theo đó việc giới hạn này là quy định cho phép các quốc gia thành viên đưa ra những biện pháp hợp lý để hạn chế thực hiện một số quyền. Khoản 2 Điều 29 Tuyên ngôn nhân quyền thế giới năm 1948 (UDHR) quy định: “Mỗi người trong khi thực hiện các quyền và tự do cho cá nhân chỉ phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và sự tôn trọng đối với các quyền và tự do của những người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và sự phồn vinh chung trong một xã hội dân chủ.

Quy định trên mang hàm nghĩa, các biện pháp hạn chế không thể áp dụng theo cách thức độc đoán, tùy tiện, không có cơ sở và mang tính chất phân biệt đối xử. Hơn nữa, các cá nhân phải được sự bảo vệ của pháp luật bằng các biện pháp có hiệu quả để chống lại sự áp đặt phi pháp và mang tính chất lạm dụng.

Trong một số công ước như: Công ước ICCPR, ICESCR; Công ước về quyền trẻ em (CRC, 1989); Công ước quốc tế về bảo vệ quyền của người lao động di trú và các thành viên gia đình họ (ICRMW, 1990) có quy định cụ thể một số quyền phải chịu giới hạn, vì các mục đích: a) An ninh quốc gia; b) Trật tự công cộng; c) Sức khỏe và đạo đức xã hội; d) Quyền và tự do của người khác, hoặc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Các quyền có thể chịu giới hạn như: quyền tự do đi lại; quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng; quyền tự do lập hội; quyền hội họp hòa bình; …

Khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định về hạn chế quyền con người, quyền công dân là phù hợp với pháp luật quốc tế.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *