Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
14250

Sức sống mới trên “vùng đất thép”

    

Khi những vết thương chiến tranh đang dần được hàn gắn, người ta có thể cảm nhận rất rõ sự thay da đổi thịt từng ngày trên mảnh đất Thành cổ. Nơi đây trong lịch sử đã từng là nỗi đau của sự chia cắt giữa nhân dân hai miền Nam – Bắc lúc bấy giờ, một phần của Quảng Trị từ Sông Bến Hải trở ra được giải phóng, các huyện từ Gio Linh trở vào Hải Lăng trở thành thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ. Thị xã Quảng Trị, trong đó có Thành cổ Quảng Trị trở thành trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế – xã hội đã bị quân Mỹ chiếm đóng và biến thành khu quân sự, làm kho tàng quân đội và trung tâm chỉ huy chiến dịch toàn tỉnh, đồng thời mở thêm nhà giam để đàn áp phong trào cách mạng.Quảng Trị ngày nay đã không ngừng mở mang và phát triển, nhanh chóng trở nên sầm uất và trở thành trung tâm buôn bán tấp nập với nhiều sản vật quý, giao thương thuận lợi nhờ tiếp giáp quốc lộ nối liền hai miền Nam – Bắc của đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thăm và tặng quà cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Hiện tỉnh đang quản lý hơn 142.000 người có công, trong đó có 14.611 thương binh, hơn 3.000 bệnh binh, 2.100 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, hơn 20.000 hồ sơ liệt sỹ, 2.653 bà mẹ Việt Nam anh hùng… Hàng tháng, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ – TBXH) thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua hệ thống Bưu điện theo hướng dẫn của Bộ LĐ – TBXH cho hơn 20.000 đối tượng với tổng kinh phí trên 32 tỉ đồng.

Ông Phan Văn Linh, Giám đốc Sở LĐ – TBXH tỉnh Quảng Trị cho biết: Năm 2019, tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết gần 5.000 hồ sơ các loại liên quan đến chính sách người có công; phản hồi 125 đơn thư liên quan đến các chế độ chính sách, mộ liệt sĩ và Nghĩa trang liệt sĩ; rà soát, báo cáo Bộ LĐ – TBXH xem xét giải quyết các trường hợp người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày. Rà soát, xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi cho 113 hồ sơ liệt sĩ, thương binh, trong đó có 16 hồ sơ đủ điều kiện trình Ban chỉ đạo cấp tỉnh đợt 1; 18 hồ sơ được Bộ LĐ – TBXH đồng ý cho bổ sung người xác nhận (hiện đã được hướng dẫn để trình đợt 2). Trình Cục Người có công cấp lại 115 Bằng Tổ quốc ghi công; phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức đưa 26 hài cốt liệt sĩ và 01 mộ tập thể từ Lào về an tang tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9.

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết 1.585 hồ sơ các loại, bao gồm 73 trường hợp hưởng trợ cấp hàng tháng; 819 trường hợp hưởng trợ cấp một lần; 411 hồ sơ mai táng phí; 225 hồ sơ thờ cúng liệt sỹ; 23 thân nhân người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 22 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 23 trường hợp tuất con liệt sỹ tàn tật; công nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 21 trường hợp; giải quyết 10 trường hợp ưu đãi đối với mẹ Việt Nam anh hung; tổ chức điều dưỡng cho 5.050 lượt đối tượng; trang cấp dụng cụ chỉnh hình cho 183 lượt người; phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tổ chức đưa 16 hài cốt và 01 mộ tập thể từ nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào về an tang tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9…

Thành Cổ Quảng Trị hôm nay

Đặc biệt, nhằm thực hiện chi trả cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Quảng Trị còn tiến hành rà soát, lập danh sách hỗ trợ cho 14.737 lượt người có công theo QĐ số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4 của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí trên 22 tỷ đồng. Tổ chức giám định 24 trường hợp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; di chuyển 39 hồ sơ người có công với cách mạng đi và đến; đính chính, bổ sung thông tin cho 60 hồ sơ. Thực hiện cấp mới, cấp lại thẻ, giấy chứng nhận các loại cho 42 trường hợp; giải quyết 03 hồ sơ ưu đãi giáo dục; cấp sổ dụng cụ chỉnh hình cho 03 trường hợp. Giải quyết chế độ BHYT cho 137 đối tượng; mai táng phí cho 33 đối tượng; cấp lại 88 Bằng Tổ quốc ghi công. Tham mưu 04 quyết định trợ cấp thương binh; 02 quyết định trợ cấp nuôi dưỡng người có công sống độc thân, cô đơn không nơi nương tựa; hướng dẫn, bổ sung hồ sơ cho 13 trường hợp chưa đủ điều kiện; 22 trường hợp không đủ điều kiện hưởng chế độ chất độc hóa học.

Nhằm giúp cho người có công có nhà ở ổn định và nâng cao chất luợng cuộc sống, ngoài nguồn kinh phí của Trung ương, Quảng Trị còn huy động nguồn lực để xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa cho người có công với cách mạng. Đến nay, tỉnh đã huy động được trên 356 tỷ đồng ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, trong đó nguồn vốn xã hội hóa 131 tỷ đồng để xây dựng mới 6.595 nhà tình nghĩa, sửa chữa gần 7.370 nhà cho người có công với cách mạng.

Cùng với cả nước, trong những ngày tháng 7 nghĩa tình, Quảng Trị đã triển khai các hoạt động kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/2/2020) như: tổ chức thăm và tặng quà các gia đình thương binh, thân nhân liệt sỹ và người có công, các đơn vị nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh từ 15/7 – 25/7/2020; đưa đại biểu mẹ Việt Nam anh hùng của tỉnh dự Hội nghị “Gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc năm 2020” tại Hà Nội; đưa thân nhân gia đình liệt sỹ dự Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công đối với liệt sỹ tại tỉnh Quảng Nam. Tổ chức dâng hương, lễ viếng nghĩa trang liệt sỹ tỉnh. Tổ chức thắp nến tri ân tưởng niệm tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh; tổ chức các hoạt động khám, chữa bệnh cho các gia đình chính sách, đặc biệt là các gia đình chính sách ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số…

Theo ông Phan Văn Linh, song song với việc triển khai các hoạt động, trong thời gian tới, tỉnh sẽtiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; phát huy truyền thống đạo lý của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”; đặc biệt là đẩy mạnh sâu rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đối tượng chính sách. Tập trung rà soát, giải quyết hồ sơ còn tồn đọng; xem xét, thẩm định trình cấp có thẩm quyền giải quyết những tồn đọng chính sách sau chiến tranh đảm bảo công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những sai phạm lợi dụng chính sách để trục lợi.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng dư âm của cuộc chiến 81 ngày đêm thì vẫn còn đó. Cổ thành xưa và khúc tráng ca về dòng sông Thạch Hãn đã trở thành tượng đài lịch sử trong tâm khảm đồng bào cả nước. Sự sống nơi vùng đất thép kiên cường trong kháng chiến giờ đây được coi là biểu tượng cho sự hồi sinh từ biết bao khó khăn gian khổ của các chiến sỹ và đồng bào cả nước đã chiến đấu anh dũng để giành lại độc lập, tự do và hòa bình cho Tổ quốc. Đồng thời, nơi đây còn là chứng nhân của lịch sử, chứng kiến sự đổi thay của đất nước, nhắc nhớ một thời hào hùng và bi tráng của dân tộc trên hành trình đấu tranh vì độc lập tự do.■

Nguyễn Thị Hà Giang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *