Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
52784

BẢO VỆ NGƯỜI TỐ CÁO THAM NHŨNG: CẦN CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐỦ MẠNH. Kỳ 1: HÀNH LANG PHÁP LÝ ĐỂ BẢO VỆ NGƯỜI TỐ CÁO

BẢO VỆ NGƯỜI TỐ CÁO THAM NHŨNG: CẦN CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐỦ MẠNH. Kỳ 1: HÀNH LANG PHÁP LÝ ĐỂ BẢO VỆ NGƯỜI TỐ CÁO.

Người tố cáo được dư luận thừa nhận là nguồn tin quan trọng tiết lộ tham nhũng và các hành vi sai trái khác. Nếu không được pháp luật bảo vệ đầy đủ, người tố cáo tham nhũng chắc chắn đối mặt với việc bị trù dập, sa thải, giáng chức hoặc bị quấy nhiễu, thậm chí bị đe doạ tính mạng. Do đó, bảo vệ người tố cáo là vấn đề mang tính toàn cầu, được nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam hết sức quan tâm. Tạp chí Nhân quyền Việt Nam xin giới thiệu Bài viết 2 kỳ “Bảo vệ người tố cáo tham nhũng” để làm rõ thêm vấn đề này.

Kỳ 1: HÀNH LANG PHÁP LÝ ĐỂ BẢO VỆ NGƯỜI TỐ CÁO

Nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng pháp luật bảo vệ người tố cáo, đẩy mạnh việc thực thi pháp luật, xây dựng môi trường thuận lợi để người dân tố cáo tham nhũng. Hiện nay hệ thống pháp luật về bảo vệ người tố cáo tham nhũng của nước ta cũng ngày càng hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý quan trọng để người dân lên tiếng tố cáo hành vi tham nhũng. 

Kinh nghiệm ở một số quốc gia

Ngay từ năm 1766, Thụy Điển đã có những quy định được coi như luật tự do thông tin đầu tiên trên thế giới. Mặc dù Thụy Điển không có luật riêng về tố cáo nhưng tài liệu này hình thành khuôn khổ pháp lý bảo vệ những người tiếp xúc với hành vi sai trái. Mọi công dân Thụy Điển được tự do chuyển thông tin đến các phương tiện truyền thông, ngoại trừ bí mật y tế và thông tin an ninh quốc gia. Nhân viên công ty có thể báo cáo việc làm sai trái với người ngoài nếu có nguy cơ bị chủ sa thải.

Năm 2004, Romania đã trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu thông qua Đạo luật Bảo vệ người tố cáo. Đây là một đạo luật riêng bảo vệ người tố cáo khỏi sự trả thù. Đối tượng của Luật là các nhân viên chính phủ. Luật này cũng bảo vệ những thông tin được gửi đến các nhà báo, nhà hoạt động và các tổ chức khác ngoài nơi làm việc, có nghĩa là, người tố cáo có thể không thông báo cho chủ sử dụng lao động của họ mà không bị trừng phạt.

BẢO VỆ NGƯỜI TỐ CÁO THAM NHŨNG: CẦN CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐỦ MẠNH. Kỳ 1: HÀNH LANG PHÁP LÝ ĐỂ BẢO VỆ NGƯỜI TỐ CÁO
BẢO VỆ NGƯỜI TỐ CÁO THAM NHŨNG: CẦN CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐỦ MẠNH. Kỳ 1: HÀNH LANG PHÁP LÝ ĐỂ BẢO VỆ NGƯỜI TỐ CÁO

Nước Anh đã thông qua Luật Công khai lợi ích công cộng, một bộ luật toàn diện về tố cáo và bảo vệ người tố cáo vào năm 1998. Đối tượng điều chỉnh của Luật gồm nhân viên chính phủ, khu vực tư nhân và phi lợi nhuận, các nhà thầu, học viên và người lao động Anh ở nước ngoài. Luật yêu cầu những người chủ lao động, các giám đốc, người đứng đầu các cơ quan chính phủ phải chứng minh được là họ không thực hiện hành vi nào chống lại người tố cáo. Cách chứng minh ngược này đã trở thành một tiêu chuẩn quốc tế quan trọng. Luật sử dụng một hệ thống “bậc thang” độc đáo để người tố cáo có thể tiết lộ thông tin mà không sợ bị trả thù.

Năm 2008, Hàn Quốc thành lập Chống tham nhũng và Quyền công dân Hàn Quốc (ACRC) trên cơ sở hợp nhất ba cơ quan, gồm Ủy ban Chống tham nhũng, Ủy ban Xử lý các vụ việc tham nhũng nghiêm trọng và Ủy ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân chú trọng vào việc nghiên cứu, sửa đổi, điều chỉnh chính sách để các cá nhân không thể lợi dụng cơ chế, chính sách để tham nhũng.

Điều 33 Công ước LHQ về chống tham nhũng (UNCAC) mà Việt Nam tham gia, nhấn mạnh:

Để bảo vệ người tố giác tham nhũng, phải xác định được người tố giác và những mối nguy hiểm mà họ có thể gặp phải, bao gồm nguy cơ đe dọa về danh dự, nhân phẩm, kinh tế, sự nghiệp… và xác định khả năng đền bù hoặc bồi thường cho người tố giác. Mặc dù được luật pháp bảo vệ, nhưng nhìn chung, cuộc đời của những người tố cáo nổi tiếng đều rất sóng gió.

Rất ít trường hợp được bảo vệ thành công. Điển hình là Edward Snowden, người đã công bố tài liệu về các chương trình tuyệt mật của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ NSA, trong đó có bao gồm chương trình giám sát PRISM cho các báo The Guardian và The Washington Post vào tháng 6/2013. Người này hiện vẫn tị nạn ở Nga kể từ năm 2013.

Người dân Hồng Kông luôn sẵn sàng hợp tác với Uỷ ban độc lập chống tham nhũng Hồng Kông ICAC vì họ tin tưởng tổ chức này. Nhiều công dân đã mạnh dạn gửi thông tin tố cáo tham nhũng cho tổ chức chống tham nhũng của New Zealand vì thấy rằng thông tin của họ, kể cả thông tin nặc danh, được công khai trên internet. Đó là những công việc có thể làm được ngay nếu các chính phủ có quyết tâm chống tham nhũng.

Để thể hiện sự tôn trọng đối với người tố cáo, tòa án ở Mỹ đã ra nhiều quyết định bồi thường thiệt hại cho người tố cáo. Một nhân viên phân tích thuộc Cơ quan nhà ở công cộng bang California báo cáo về một vụ tiết lộ thông tin dự thầu. Anh này bị sa thải nhưng được toà án phán quyết bồi thường thiệt hại 1,3 triệu USD. Ở bang Pennsylvania, một nhân viên dịch vụ nhà báo cáo một trường hợp kinh doanh vụ lợi và nhận được 900.000 USD thiệt hại do mất việc làm. Các khoản bồi thường lớn cũng được trao cho người tố cáo báo cáo vi phạm về sức khỏe và an toàn công cộng…

Thực tiễn ở Việt Nam

Tố cáo là một quyền cơ bản của công dân, được quy định tại Điều 30 Hiến pháp 2013 như sau: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.

Quy định pháp luật về bảo vệ người tố cáo thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật như Luật Khiếu nại (năm 2011), Luật Tố cáo (năm 2018), Luật Tiếp công dân (năm 2013), Luật Tiếp cận thông tin (năm 2016), Luật Phòng, chống tham nhũng (năm 2018), Bộ luật Hình sự (năm 2015)…

Bảo vệ người tố cáo là trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, địa phương, đơn vị. Thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu được quy định cụ thể tại các điều của Luật Tố cáo. Luật Tố cáo dành hẳn một chương (chương VI) về bảo vệ người tố cáo. Về trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân trong việc bảo vệ người tố cáo,Điều 49 của Luật Tố cáo quy định: Người giải quyết tố cáo có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ thuộc quyền quản lý và những nội dung bảo vệ khác nếu thuộc thẩm quyền của mình…

Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật tố cáo năm 2018 nêu rõ nguyên tắc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật tố cáo, trong đó có quy định cụ thể về xử lý kỷ luật đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo.

Bên cạnh xử lý hành chính, Bộ luật Hình sự 2015 đã sửa đổi, bổ sung mức hình phạt đối với tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt, Luật quy định phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với người có hành vi trả thù người khiếu nại, tố cáo; dẫn đến biểu tình; làm người khiếu nại, tố cáo tự sát. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Tuy nhiên trong quá trình khiếu nại tố cáo, người tố cáo cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Đó là trường hợp cựu đại tá công an Đinh Đình Phú, người có công đấu tranh làm rõ vụ chia chác đất công ở Đồ Sơn, Hải Phòng năm 2004. Ông bị xã hội đen đe dọa nhiều lần. Một vụ việc khác diễn ra năm 2007 là thương binh Hoàng Văn Hưng tố cáo 30 cán bộ ở thị xã Hà Tiên tham nhũng đất đai. Ông Hưng không được khen thưởng mà còn bị đánh tiếng đe dọa và cao điểm là bị những kẻ lạ mặt tấn công làm gãy chân.

Bốn nông dân Lê Văn Lương, Nguyễn Thuận Trưởng, Nguyễn Văn Vinh, Ngô Minh Phiện ở xã Vĩnh Thành, Vĩnh Linh, Quảng Trị bị đe dọa, cắt điện, phá hồ nuôi cá, ném đá vào nhà, bị đánh, chém vì tố cáo tham nhũng. Có thể thấy vẫn còn những lỗ hổng về đạo đức, lối sống, về khoảng mờ trong thực thi pháp luật phải giải quyết.

Trong thực tế, hầu hết những người bị tố cáo thường có chức vụ, quyền hạn hay thế lực cao hơn người tố cáo, ở vị trí cao hơn họ dễ dàng trù dập, hủy hoại người tố cáo. Trường hợp ông Lê Xuân Mậu, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch, trợ lý tổng giám đốc Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam tố cáo Tổng giám đốc Tổng Công ty về những sai phạm dẫn đến việc Tổng Công ty nợ nần chồng chất. Ông bị cho “ngồi chơi xơi nước”, một kiểu trù dập rất phổ biến trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước.

Đa số người tố cáo đơn độc và bị cô lập trước tập thể, nếu như không được người đứng đầu bảo vệ, ủng hộ. Ngay sau khi công khai tố cáo, người tố cáo thường bị tách khỏi những công việc đang làm, những việc quan trọng, hoặc thông tin, tài liệu liên quan và còn bị đối xử như một mối đe dọa. “Xã hội im lặng” càng khiến cho mọi chuyện khó khăn hơn đối với người tố cáo.

Điển hình trường hợp ông Lê Phước Cẩm, một cán bộ hưu trí tố cáo Lê Văn Ngọc (còn gọi là Sáu Ngọc), Giám đốc Công ty Ngọc Sơn về phá rừng, khai thác trái phép rừng Khe Diên, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Gia đình ông Cẩm rất nghèo, vợ đau ốm, con bị chất độc da cam, đã thế còn bị Giám đốc Công ty Ngọc Sơn và bọn tiêu cực, tham nhũng hăm doạ giết. Ông gửi đơn lên huyện, nhưng lại bị Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn là ông Nguyễn Xuân Thanh và cán bộ huyện lên án, chỉ trích ông. Huyện còn vu cho tội gây rối, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm. Ông bị Đảng ủy xã Quế Trung xếp loại đảng viên yếu kém. Sau này ông than thở: “Tôi thấy mình quá đơn độc.

Cầm bằng chứng tố giác lên chi bộ thôn, thôn im lặng; tố lên Đảng bộ xã, xã im lặng; tố lên đến huyện thì huyện để tin rò rỉ. Thậm chí khi bị đe dọa trực tiếp đến tính mạng toàn gia đình, tôi cũng không nhận được sự bảo vệ trực tiếp nào từ chính quyền dù đã thông báo rõ…”. May là nhờ có sự vào cuộc của Trung ương và tỉnh, nên số ít người tố cáo như ông Cẩm được minh oan, nhưng thiệt thòi về danh dự, tinh thần, sức khỏe và kinh tế thì chưa được bù đắp.

Trên thực tế là có nhiều người biết rõ hoặc biết một phần hành vi tham nhũng nhưng hầu hết không dám tố cáo vì lo sợ bị trả thù.

Tâm lý lo sợ cùng với lợi ích thiết thân là những rào cản đối với công tác chống tham nhũng hiện nay, nhất là khi sự bảo vệ yếu ớt hoặc không được bảo vệ. Hiện nay còn xuất hiện tình trạng người bị tố cáo tìm kiếm chứng cứ để chống lại người tố cáo, bóp méo sự thật. Một số lãnh đạo sử dụng chi bộ, cấp ủy, hội đồng khen thưởng kỷ luật cơ quan như công cụ để đàn áp, kỷ luật người tố cáo.

Điển hình là trường hợp ông Võ Sĩ Toản, Trưởng ban Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã lấy danh nghĩa là Bí thư Chi bộ, thủ trưởng cơ quan chỉ đạo kiểm điểm, trù dập người tố cáo. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc và xác định rõ sai phạm của ông Toản và quyết định giữ nguyên hình thức kỷ luật “cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng” đối với ông này.

Tình hình hiện nay cho thấy, người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, địa phương, đơn vị để xảy ra tham nhũng, hoặc người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của đơn vị để xảy ra tham nhũng thường tìm mọi cách che chắn, bảo vệ người bị tố cáo, bưng bít thông tin, thoái thác trách nhiệm, thậm chí chỉ đạo tổ chức đảng, chính quyền ở đó làm mọi cách để người tố cáo phải rút đơn, hoặc điều đình để người tố cáo không phản ánh những việc làm sai trái. Do đó, sớm hoàn thiện các quy định bảo vệ người tố cáo, đồng thời làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc giải quyết đơn thư tố cáo là việc làm rất cần thiết.■

 HÀ HỒNG HÀ

Tố cáo là một phương thức thể hiện quyền làm chủ, quyền giám sát của nhân dân đối với bộ máy Nhà nước.

Theo các quy định gần đây của Đảng, tố cáo còn là phương thức để nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Điều 47 Luật Tố cáo quy định rõ phải bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Người tố cáo được bảo vệ bí mật thông tin cá nhân, trừ trường hợp người tố cáo tự tiết lộ…

nhanquyenvn.org

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *