Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
6554

Phòng, chống tra tấn và bình đẳng giới – Bài 2

Các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới

Để đảm bảo bình đẳng giới, thông qua 04 biện pháp thực hiện:

Một là, ban hành các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới (Điều 19). Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới gồm: Quy định tỷ lệ nam, nữ hoặc bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng tham gia, thụ hưởng; đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ năng lực cho nữ hoặc nam; hỗ trợ để tạo điều kiện, cơ hội cho nữ hoặc nam; quy định tiêu chuẩn, điều kiện đặc thù cho nữ hoặc nam; quy định nữ được quyền lựa chọn trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam; quy định việc ưu tiên nữ trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam; các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động; Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ có thẩm quyền quy định biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, có trách nhiệm xem xét việc thực hiện biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới và quyết định chấm dứt thực hiện khi mục đích bình đẳng giới đã đạt được.

Hai là, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (Điều 20 – 22). Bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật. Theo đó, việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới. Các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới là một căn cứ quan trọng của việc rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật. Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể: Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật bao gồm xác định vấn đề giới và các biện pháp giải quyết trong lĩnh vực mà văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh; dự báo tác động của các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khi được ban hành đối với nữ và nam; xác định trách nhiệm và nguồn lực để giải quyết các vấn đề giới trong phạm vi văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh. Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, chuẩn bị báo cáo việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo các nội dung quy định và phụ lục thông tin, số liệu về giới có liên quan đến dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Cơ quan thẩm định văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới đánh giá việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung đánh giá bao gồm xác định vấn đề giới trong dự án, dự thảo; việc bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới trong dự án, dự thảo; tính khả thi của việc giải quyết vấn đề giới được điều chỉnh trong dự án, dự thảo; việc thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng dự án, dự thảo theo các nội dung đã quy định.

Uỷ ban của Quốc hội phụ trách lĩnh vực giới có trách nhiệm tham gia với Hội đồng dân tộc, Uỷ ban khác của Quốc hội để thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới đối với các dự án luật, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trước khi trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua. Nội dung thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới bao gồm: Xác định vấn đề giới trong dự án, dự thảo; việc bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới trong dự án, dự thảo; việc tuân thủ thủ tục và trình tự đánh giá việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng dự án, dự thảo; tính khả thi của dự án, dự thảo để bảo đảm bình đẳng giới.

Ba là, thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới (Điều 23). Thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới là biện pháp quan trọng nhằm nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới. Thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới được đưa vào chương trình giáo dục trong nhà trường, trong các hoạt động của cơ quan, tổ chức và cộng đồng. Thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới thông qua các chương trình học tập, các ấn phẩm, các chương trình phát thanh, truyền hình và các hình thức khác.

Bốn là, nguồn tài chính hoạt động bình đẳng giới (Điều 24).  Ngân sách nhà nước; đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân; các nguồn thu hợp pháp khác. Việc quản lý, sử dụng nguồn tài chính cho hoạt động bình đẳng giới phải đúng mục đích, có hiệu quả và theo quy định của pháp luật.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về bình đẳng giới, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới (Điều 37 và 38)

Các hành vi vi phạm về bình đẳng giới bị xử lý theo quy định pháp luật (Điều 39 và 42). Việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới dựa trên nguyên tắc: mọi hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Việc xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để theo đúng quy định của pháp luật. Tuỳ tính chất, mức độ vi phạm, có các hình thức sau xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới: xử lý kỷ luật; xử lý hành chính; truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *