Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
37653

Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quyền con người hiện nay

Việc hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quyền con người giúp cộng động quốc tế có các cơ chế tập thể đủ mạnh nhằm giải quyết các thách thức chung, những điểm nóng, những vi phạm nhân quyền đòi hỏi sự lên tiếng, can thiệp của cộng đồng quốc tế, đồng thời, có cơ chế phân bổ nguồn lực cần thiết, hỗ trợ năng lực, kỹ thuật nhằm đẩy mạnh thực thi quyền con người tại các nước.

Phương thức tham gia hữu hiệu vào quá trình toàn cầu hóa và liên kết khu vực

Hội nhập quốc tế ngày nay là một xu thế khách quan, thu hút sự tham gia của hầu hết các nước trên thế giới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các quốc gia không thể tự biệt lập mình trong không gian toàn cầu. Sự tương tác giữa quốc gia và môi trường quốc tế ngày càng tăng, tính tùy thuộc lẫn nhau ngày càng lớn. Do đó, một cách tự nhiên, các quốc gia chủ động phát triển các luật lệ và chuẩn mực chung nhằm thúc đẩy hợp tác, tranh thủ những xu hướng, điều kiện quốc tế theo hướng có lợi nhất cho quốc gia, dân tộc mình.

Một phiên họp Hội đồng Bảo an LHQ ở New York

Hầu như tất cả các quốc gia đều là thành viên của một tổ chức khu vực hoặc thể chế đa phương quốc tế nào đó, rất ít quốc gia nằm ngoài hoặc biệt lập hoàn toàn với khu vực hay thế giới. Đặc biệt, khu vực châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục phát triển năng động với mức độ liên kết ngày một tăng và trở thành trung tâm của hội nhập quốc tế trên thế giới. ASEAN đã hình thành Cộng đồng với 03 trụ cột về chính trị – an ninh, kinh tế và văn hóa – xã hội vào năm 2015 và tiếp tục giữ vai trò trung tâm trong các cơ chế hợp tác khu vực. Có thể nói, hội nhập quốc tế ngày nay đã trở thành một phương thức tham gia hữu hiệu vào quá trình toàn cầu hóa và liên kết khu vực.

Hội nhập quốc tế hiện nay được coi là một phương cách hữu hiệu giúp các nước, đặc biệt là các nước nhỏ, giải quyết vấn đề an ninh và phát triển thông qua việc chủ động hợp tác, thiết lập các khuôn khổ pháp lý nhằm điều tiết sự phụ thuộc lẫn nhau, xử lý các thách thức toàn cầu và khu vực đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát và năng lực tự chủ của từng quốc gia riêng lẻ. Chính vì vậy, hội nhập quốc tế cho phép sử dụng ngày càng nhiều hơn các nguồn lực bên ngoài để giải quyết các vấn đề trong nước. Đặc biệt, hội nhập quốc tế giúp các nước nhỏ có thể dựa vào luật lệ và chuẩn mực quốc tế để hạn chế việc lạm dụng sức mạnh bất tương xứng và các hành vi đơn phương của các nước lớn hơn. Thực tiễn nước ta những năm qua cũng đã cho thấy hội nhập quốc tế đã giúp Việt Nam huy động được nguồn lực bên ngoài, nâng cao vị thế quốc tế, qua đó tạo nên sức mạnh tổng hợp quốc gia, tận dụng các cơ chế quốc tế để giải quyết các vấn đề an ninh và phát triển của đất nước. Đây là minh chứng thực tiễn cho sự đúng đắn của đường lối đổi mới, hội nhập quốc tế của Đảng ta và là tiền đề quan trọng cho chủ trương “tích cực, chủ động hội nhập quốc tế” trong giai đoạn tới.

Bản chất của hội nhập quốc tế là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh, trong đấu tranh có hợp tác và trong hợp tác có đấu tranh. Trong xử lý các vấn đề nảy sinh của quá trình hội nhập quốc tế, cho dù ở mặt hợp tác hay đấu tranh thì nguyên tắc tối thượng vẫn là vì lợi ích quốc gia, dân tộc, xử lý linh hoạt và khôn khéo mối quan hệ đối tác và đối tượng, không để rơi vào thế bị động, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền.

Đẩy mạnh thực thi quyền con người tại các nước

Quyền con người là vấn đề phức tạp, với nhiều quan điểm, trường phái quốc tế khác biệt, thậm chí đối lập nhau và liên quan chặt chẽ đến chế độ chính trị, hệ thống pháp lý, bối cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội mỗi nước. Tuy vậy, những thập kỷ vừa qua thế giới đã chứng kiến xu hướng hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quyền con người. Các nước ngày càng tham gia vào các cơ chế quốc tế về quyền con người mặc dù chắc chắn sẽ xảy ra quá trình cọ xát lập trường giữa các nước, các khối có quan điểm riêng biệt. Việc hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quyền con người giúp cộng động quốc tế có các cơ chế tập thể đủ mạnh nhằm giải quyết các thách thức chung, những điểm nóng, những vi phạm nhân quyền đòi hỏi sự lên tiếng, can thiệp của cộng đồng quốc tế, đồng thời, có cơ chế phân bổ nguồn lực cần thiết, hỗ trợ năng lực, kỹ thuật nhằm đẩy mạnh thực thi quyền con người tại các nước.

Việt Nam kêu gọi hợp tác quốc tế thúc đẩy phổ cập vaccine chống COVID-19 tại Liên hợp quốc

Trong các vấn đề toàn cầu hiện nay, vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo ngày càng có vị trí nổi bật trong quan hệ quốc tế, được đề cập thường xuyên trong các diễn đàn đa phương cũng như quan hệ song phương giữa các nước. Với chủ thể là con người nên dân chủ, nhân quyền có nội hàm rộng, được gắn kết vào hầu hết các vấn đề quốc tế, từ giải quyết xung đột, kiến tạo, gìn giữ hòa bình, không phổ biến vũ khí hủy diệt, hòa giải dân tộc cho đến các vấn đề phát triển, thương mại, văn hóa, dân số, môi trường, y tế và viện trợ phát triển. Cuộc đấu tranh của các nước đang phát triển trước các hình thức áp dụng tiêu chuẩn kép, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ quốc gia sẽ tiếp tục, rõ nét nhất là tại Hội đồng Bảo an và Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ LHQ).

Hiện nay, hệ thống pháp lý cùng với các cơ chế nhân quyền toàn cầu, khu vực và quốc gia về quyền con người tiếp tục được củng cố phát triển. HĐNQ LHQ đã tiến hành chu kỳ III của Cơ chế báo cáo rà soát định kỳ phổ quát (UPR), đồng thời tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức này và các cơ chế chuyên trách khác của LHQ trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền. Các khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã có cơ chế nhân quyền khu vực; ASEAN đã thành lập Ủy ban liên Chính phủ về Nhân quyền (AICHR) và thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN. Nhiều nước trên thế giới đã thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia. Trong 54 nước châu Á – Thái Bình Dương đã có 17 nước thành lập Cơ quan nhân quyền quốc gia. Tại các diễn đàn liên khu vực về hợp tác kinh tế như Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM), APEC… vấn đề thúc đẩy nhân quyền cũng đang được nhiều nước tìm cách thúc đẩy, lồng ghép vào các chương trình nghị sự, văn kiện hợp tác.

Mặt khác, “xã hội dân sự” với mạng lưới các tổ chức NGO ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, đưa các vấn đề dân chủ, nhân quyền thành nội dung chính thức trong chương trình nghị sự quốc tế về con người. Các NGO về nhân quyền là nguồn chính soạn thảo và đệ trình lên HĐNQ các kháng thư cùng các tài liệu tố cáo các chính phủ vi phạm nhân quyền và vận động mạnh hậu trường trước và trong quá trình họp các cơ quan LHQ về nhân quyền. Số lượng các kháng thư mà Văn phòng Cao ủy nhân quyền nhận hàng năm ngày càng tăng chủ yếu là của các NGO. Việc đệ trình các kháng thư và các tài liệu tố cáo như trên, các NGO có tác động rất lớn đối với việc dấy lên vấn đề nhân quyền bất lợi cho các chính phủ liên quan tại các cơ chế nhân quyền của LHQ; trong đó có việc HĐNQ sẽ phải tiến hành xem xét và xử lý các kháng thư này theo Thủ tục Khiếu nại hoặc Thủ tục đặc biệt.

Trong lĩnh vực nhân quyền, các NGO có thể xin quy chế tư vấn của ECOSOC, theo đó họ được có những quyền nhất định tại các cơ quan của LHQ, đặc biệt là tại HĐNQ, như tham dự các khóa họp hàng năm, cung cấp thông tin, tham gia phát biểu ý kiến, lưu hành báo cáo, tài liệu… Hiện nay có khoảng 3.500 tổ chức NGO có quy chế tư vấn của ECOSOC, đây là những thành phần có vai trò, tiếng nói quan trọng thúc đẩy các vấn đề liên quan đến quyền con người và các vấn đề liên quan đến dân chủ, nhân quyền. Đó là chưa kể đến hàng vạn tổ chức NGO đang hoạt động tại tất cả các khu vực, quốc gia trên thế giới, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy “xã hội dân sự”, thu hút sự chú ý của các cộng đồng dân cư, dư luận quốc tế về vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo.

Hầu hết các NGO có tiếng nói trong lĩnh vực nhân quyền đều là các NGO của phương Tây, có tiềm lực tài chính và nhân sự rất lớn, trong đó có nhiều NGO nhận được sự tài trợ lớn và trực tiếp của chính phủ (tuy về công khai, không tổ chức nào thừa nhận điều này). Thậm chí các NGO nhân quyền lớn như Ân xá quốc tế còn có văn phòng đặt tại Geneva, Thụy Sỹ và New York, Mỹ để trực tiếp phối hợp và tham gia vào các hoạt động về nhân quyền tại HĐNQ và LHQ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *