Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
44466

Có phải quyền sử dụng đất đai tước bỏ quyền sở hữu tài sản của người dân?

 

Trong nhiều năm qua, không ít ý kiến đòi Việt Nam phải thay đổi chính sách đất đai, công nhận quyền sở hữu tư nhân đối với đất đai. Sau khi Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII diễn ra, lợi dụng việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, truyền thông nước ngoài thiếu thiện cảm với Việt Nam và những kẻ cơ hội, bất mãn, chống phá đất nước lại “nhai lại” về vấn đề này. Luận điểm mà họ đưa ra là “sở hữu toàn dân về đất đai là một khái niệm mơ hồ”, “người dân không có thực quyền gì đối với đất đai”, “phải thay đổi chính sách đất đai mới có thể phát triển kinh tế”,… Đặc biệt, họ triệt để khai thác những sai phạm trong công tác quản lý đất đai của một số địa phương để tấn công chính sách sở hữu đất đai về toàn dân của Việt Nam.

Tiêu biểu như bài viết mới đây của RFA mượn cớ phỏng vấn một vài quan điểm từ người trong nước để xuyên tạc, bóp méo kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 5 hôm 10/5/2022, rằng: Quyền sử dụng đất là quyền sử dụng một loại tài sản và hàng hoá đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu. Đất đai tiếp tục thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Bàn về quyền sử dụng đất đai, đã có khá nhiều chuyên gia đưa ra phân tích, lý giải từ nhiều năm qua, nhưng xem ra, với những kẻ đã có “định kiến” chống chế độ thì như “nước đổ lá khoai”

Thứ nhất, với luận điệu coi quyền sử dụng đất là một quyền được tách ra từ quyền sở hữu toàn dân về đất đai là quan niệm nhìn nhận về quyền sử dụng đất đơn giản dựa trên khái niệm “quyền sử dụng” được quy định trong Bộ luật Dân sự (Điều 189 Bộ luật Dân sự năm 2015). Về cơ bản, quan niệm này là phiến diện, thiếu khoa học bởi khi Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho các chủ thể thì không chỉ trao mỗi quyền sử dụng được mà còn cả quyền chiếm hữu đối với đất, nếu không có sự chiếm hữu thì không thể thực hiện khai thác, sử dụng đất. Ngoài ra, các chủ thể còn được phép định đoạt quyền sử dụng đất thông qua các giao dịch (chuyển nhượng, thừa kế, góp vốn, tặng cho quyền sử dụng đất) hoặc từ bỏ quyền sử dụng đất (trả lại đất cho Nhà nước). Một số ý kiến cho rằng, có thể hiểu đầy đủ quyền sử dụng đất ở đây chính là quyền tài sản.

Thứ hai, quyền sử dụng đất do pháp luật quy định. Các căn cứ, hình thức làm phát sinh và chấm dứt quyền sử dụng đất của các chủ thể là do pháp luật quy định. Đồng thời, quyền sử dụng đất bao gồm những quyền năng chung như: Được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất; được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình…[1]; những quyền năng riêng phụ thuộc vào loại đất cụ thể và hình thức làm phát sinh quyền sử dụng đất như chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất… đều do pháp luật quy định rõ ràng, cụ thể.

Thứ ba, so sánh giữa 2 quyền này có thể thấy rõ: quyền sử dụng đất là quyền phái sinh từ quyền sở hữu toàn dân về đất đai và quyền sở hữu toàn dân về đất đai có tính vĩnh viễn trong khi đó quyền sử dụng đất thì không.

Quyền sở hữu toàn dân về đất đai là quyền có trước và quyền sử dụng đất là quyền có sau. Từ quyền sở hữu toàn dân về đất đai mà pháp luật quy định, Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân thực hiện trao quyền sử dụng đất cho các chủ thể bằng các hình thức giao đất, cho thuê đất và công nhận quyền sử dụng đất thì lúc này mới làm phát sinh quyền sử dụng đất của các chủ thể. Nếu như Nhà nước không trao quyền sử dụng đất cho một chủ thể nào đó thì chủ thể này không có quyền sử dụng đất. Vì vậy, quyền sử dụng đất là quyền phái sinh từ quyền sở hữu toàn dân về đất đai.

Tính vĩnh viễn của quyền sở hữu toàn dân về đất đai là không bị giới hạn về mặt thời gian, còn quyền sử dụng đất lại bị giới hạn trong thời hạn sử dụng đất đối với từng loại đất cụ thể như thời hạn sử dụng đối với đất xây dựng trụ sở của cơ quan tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao là không quá 99 năm hoặc thời hạn sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước cho thuê là không quá 50 năm… khi hết thời hạn sử dụng đất mà không được Nhà nước gia hạn thì quyền sử dụng đất của các chủ thể bị chấm dứt.

Một số chuyên gia đã đưa ra khải niệm về quyền sử dụng đất của ta là: “Quyền sử dụng đất là một loại vật quyền hạn chế thực hiện trên đất, được phát sinh từ vật quyền chính là quyền sở hữu toàn dân về đất đai thông qua việc Nhà nước là đại diện chủ sở hữu toàn dân trao cho các chủ thể bằng các hình thức giao đất, cho thuê đất và công nhận quyền sử dụng đất. Chủ thể có quyền sử dụng đất được quyền thực hiện quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đất và được sự bảo hộ của Nhà nước theo quy định của pháp luật”.

Đất đai và sở hữu đất đai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Một quốc gia chỉ có thể tồn tại khi có một lãnh thổ riêng, độc lập. Trên thế giới, nhiều cuộc chiến tranh xảy ra cũng chỉ vì việc xâm chiếm đất đai và tài nguyên gắn liền với đất đai. Vì vậy, việc quy định về chính sách đất đai không chỉ là vấn đề về xác định quyền sở hữu mà còn mang yếu tố chính trị. Theo quy định của pháp luật, tại Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Điều này là hoàn toàn phù hợp bởi theo quy định của Hiến pháp: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời” (Điều 1), “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ” (khoản 2, Điều 2).

Phải thấy rõ, sở hữu toàn dân hay sở hữu tư nhân về đất đai đều tồn tại những mặt tích cực và hạn chế. Việc lựa chọn chính sách nào về đất đai phụ thuộc vào định hướng phát triển, yếu tố lịch sử, tình hình thực tiễn của mỗi quốc gia. Không phải cứ sở hữu toàn dân về đất đai là tiêu cực như những gì các đối tượng chống phá đang cố tình lan truyền. Đánh giá về chế độ sở hữu toàn dân về đất đai tại Việt Nam, đây là chính sách phù hợp với tình hình chính trị cũng như định hướng phát triển của Việt Nam hiện nay trên cơ sở sau:

Thứ nhất, việc quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý xuất phát từ bản chất của Nhà nước là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Cũng như ánh sáng, nguồn nước, không khí, đất đai là thứ thuộc về tự nhiên, khi con người sinh ra đã có. Vì vậy, việc xác lập chế độ sở hữu toàn dân là điều đúng đắn.

Thứ hai, việc thực hiện chế độ sở hữu toàn dân về đất đai không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sử dụng đất. Trên thực tế, Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất của cá nhân. Người sử dụng đất hoàn toàn có quyền được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất.

Thứ ba, việc quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý để bảo đảm việc sử dụng đất một cách hợp lý, đúng định hướng phát triển của đất nước. Hiện nay, việc sử dụng đất phải bảo đảm các nguyên tắc là: Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất; tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh; người sử dụng đất thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc quy hoạch đất đai phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh. Giả sử, trong trường hợp đất đai thuộc sở hữu tư nhân thì chắc chắn vai trò của Nhà nước trong quản lý, điều hành trên lĩnh vực đất đai sẽ bị giảm sút, không thể bảo đảm các nguyên tắc nêu trên. Về lâu dài, việc sở hữu tư nhân về đất đai sẽ có thể kéo theo sự tích tụ đất đai vào một số cá nhân, tạo ra sự bất bình đẳng, gia tăng khoảng cách phân hoá trong xã hội do nhiều người ngay từ khi sinh ra đã không thể tiếp cận với tư liệu sản xuất.

Thứ tư, chế độ sở hữu đất đai góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng. Nói thẳng, trong trường hợp chúng ta công nhận sở hữu tư nhân về đất đai thì khả năng cao tư bản nước ngoài sẽ vào “mua đứt” đất đai. Khi đất đai không còn trong tay người Việt thì chính người Việt sẽ tha hương trên Tổ quốc mình. Nên nhớ, khi Dự án Luật Đặc khu được đưa ra, việc quy định cho nước ngoài thuê đất 99 năm đã nhận phải sự phản đối mạnh mẽ từ dư luận. Từ đây, hãy liên tưởng nếu đất đai được sở hữu tư nhân thì điều gì sẽ xảy ra?

Với thực tiễn Việt Nam, vấn đề hiện nay không phải là thay đổi chính sách đất đai. Điều cần làm rõ hiện nay là hoàn thiện pháp luật để phòng ngừa sai phạm, lợi ích nhóm trong quản lý đất đai. Đồng thời, làm rõ hơn vai trò, thẩm quyền của các cơ quan công quyền khi thực hiện công tác quản lý đất đai, đại diện chủ sở hữu,…

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *