Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
24025

Cơ hội nào cho đối thoại Nga và NATO-Mỹ Kỳ 1: Châu Âu loay hoay tìm lối

 

3 ngày sau khi từ chối nhu cầu đàm phán của Nga về một thỏa thuận an ninh mới, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ buộc phải thừa nhận rằng việc đóng cửa đối với lời đề nghị ngoại giao ban đầu của Moscow có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn và rằng những đề xuất này là cơ hội để đối thoại bên cạnh những lời đe dọa trừng phạt nếu Moscow thực hiện các bước có thể gây nguy hiểm cho Ukraine.

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht trong chuyến thăm quân đội Đức đóng tại Lithuania

Thực tế, các “lằn ranh đỏ” mà Nga đưa ra tuy bị NATO cùng Mỹ coi là không đáng tin cậy nhưng lại làm gia tăng áp lực cho khối trong việc tìm kiếm giải pháp ngoại giao. “Chúng ta cần giải quyết những căng thẳng hiện tại ở cấp độ ngoại giao. Chúng ta sẽ thảo luận về các đề xuất của Nga. Nhưng không thể là Nga ra lệnh cho các đối tác NATO”, tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết hôm 19-12 trong chuyến thăm quân đội Đức đóng tại Lithuania. Ngay sau đó, Hội đồng Bắc Đại Tây Dương, cơ quan ra quyết định của NATO cũng tuyên bố rằng họ “sẵn sàng cho một cuộc đối thoại có ý nghĩa với Nga. . . trên cơ sở có đi có lại”.

Thuyết phục Nga đảo ngược hoạt động xây dựng quân sự ở biên giới với Ukraine (điều mà tình báo Mỹ cảnh báo có thể được sử dụng để xâm lược nước này), là mục tiêu chính của NATO. Nhưng với việc liên minh loại trừ bất kỳ nhượng bộ nào có thể ảnh hưởng đến an ninh của các thành viên hoặc chủ quyền của Ukraine, sẽ rất khó để tìm ra các khía cạnh có thể đàm phán chi tiết. “Vấn đề ở đây là nếu bạn chỉ nói không với yêu cầu của Moscow, thì bạn sẽ không có không gian để nói chuyện”, một nhà ngoại giao cấp cao của NATO nhận định và cho biết thêm rằng NATO với các quốc gia thành viên EU đang thảo luận về cách thức phản ứng với Nga. Nhưng như tờ Financial Times thông tin, đến nay vẫn chưa có sự nhất trí nào về việc các cuộc đàm phán sẽ diễn ra như thế nào hoặc ai sẽ tham gia.

Các nhà ngoại giao phương Tây không muốn cho phép Nga đặt ra các điều khoản của bất kỳ sự can dự nào, vì vậy các cuộc đàm phán sẽ chỉ bắt đầu sau khi NATO và Mỹ đã đồng ý các đề xuất của riêng họ đối với Moscow. “Chúng tôi sẽ thảo luận về những đề xuất hiện đang được nhắc đến này với tất cả các đối tác của chúng tôi ở EU và NATO. Điều quan trọng là trong cuộc đối thoại của chúng tôi với Nga vào lúc này, chúng tôi vẫn trung thành với các nguyên tắc của riêng mình. Và một trong số đó là sự bất khả xâm phạm đối với an ninh của tất cả các quốc gia thành viên NATO”, Andrea Sasse, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đức cho biết.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng các nước Bắc Âu và Baltic đã đồng loạt bác bỏ các yêu cầu của Nga. “Chúng tôi thấy lập trường hiếu chiến của Nga chỉ ngày càng làm tình hình leo thang hơn và không chỉ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của Ukraine, mà còn đối với toàn bộ châu Âu. Điều quan trọng là khu vực của chúng ta và tất cả các đồng minh phải có nhận thức tình huống thống nhất và hợp tác mạnh mẽ”, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Kalle Laanet nói.

Sông Thương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *