Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
30740

Không phải cứ đa đảng là dân chủ và một đảng là mất dân chủ

 

Ngày ngày trên không gian mạng, chúng ta vẫn thấy đâu đó có những kẻ mang danh, gắn mác “đấu tranh nhân quyền cho Việt Nam” tung ra thư ngỏ, kiến nghị với những luận điệu “Cần loại bỏ sự toàn trị của Đảng, cần thực hiện chế độ đa đảng, đa nguyên”, “một đảng (Đảng Cộng sản Việt Nam) lãnh đạo là không hề có dân chủ”,v.v… Về thực chất, với những luận điệu này, chúng mưu toan xóa bỏ Điều 4 trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chẳng hạn như , gần đây, ngày 25-10-2024, trên trang facebook của Việt Tân tiếp tục điệp khúc chống phá rằng: “Chỉ cần quất một phát cho Điều 4 Hiến pháp đi chỗ khác chơi là giải quyết mọi vấn đề của đất nước”, hay “Mấu chốt của điểm nghẽn là Điều 4 Hiến pháp”….khi chúng lợi dụng phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm bàn về chú trọng gỡ 3  điểm nghẽn thúc đẩy đất nước phát triển trước Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.

Bình luận về luận điệu này, một blogger cho rằng, trong lịch sử, cũng như hiện nay cho thấy, không phải cứ đa đảng là dân chủ và một đảng là mất dân chủ. Dân chủ không đồng nghĩa với đa đảng và thực hiện đa đảng không đồng nghĩa với có dân chủ. Trên thực tế, theo thống kê ở các quốc gia, số lượng đảng phái chính trị rất khác nhau; một số nước có rất nhiều đảng chính trị, như Anh có 97 đảng, Tây Ban Nha có 87 đảng, Pháp có 76 đảng… Nhưng cũng có nhiều nước chỉ có một đảng chính trị, như Cu-ba, Lào, Ga-na, Việt Nam, Hai-i-ti, Môn-na-cô…; tuy nhiên, số lượng các đảng chính trị không phản ánh mức độ dân chủ, tự do ở từng nước. Xin-ga-po có nhiều đảng, nhưng chỉ có Đảng Hành động Nhân dân (PAP) lãnh đạo cầm quyền. Ở Trung Quốc, ngoài Đảng Cộng sản Trung Quốc, còn có 8 đảng phái khác và các đảng phái này đều thừa nhận Đảng Cộng sản Trung Quốc là đảng duy nhất lãnh đạo đất nước.

Cũng từ thực tiễn cho thấy, dù nhiều quốc gia thực hiện đa đảng, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc quyền làm chủ của đa số nhân dân được bảo đảm. Những cuộc lật đổ, tranh giành quyền lực giữa các phe phái chính trị ở một số nước trên thế giới hiện nay làm cho hàng chục triệu người thiệt mạng, hàng chục triệu người khác lâm vào cảnh nghèo đói. Thực chất của đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập chính là sự phân chia, tranh giành quyền lực giữa các lực lượng chính trị trong xã hội, là một hình thức của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh giữa các phe nhóm trong cùng giai cấp để giành và giữ chính quyền, kiểm soát xã hội. Với lý do đó, đa nguyên, đa đảng không bao giờ tiến tới một nền dân chủ đích thực; và hệ quả xã hội điển hình nhất của nó là việc chiếm hữu và hưởng thụ tài nguyên xã hội theo tỷ lệ bất công “99% và 1%”, mà phong trào chiếm lấy phố Wall ở Mỹ những năm trước đây đã phơi bày.

Ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã lãnh đạo toàn quân toàn dân đấu tranh giành và giữ chính quyền, biến công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử và thể hiện ý nguyện của nhân dân Việt Nam. Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); thắng lợi vang dội của hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc, giải phóng và thống nhất đất nước, nhất là những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế đều thuộc về nhân dân, dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội kể từ khi ra đời đến nay, chính là do sự lựa chọn của lịch sử, của nhân dân Việt Nam, phù hợp với xu thế khách quan và thực tiễn xây dựng, phát triển đất nước.

Điều 4 của Hiến pháp 2013 và việc quy định Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội không chỉ là tư tưởng xuyên suốt, nhất quán để khẳng định vị trí, vai trò độc tôn lãnh đạo của Đảng, mà còn là một nguyên tắc bất di bất dịch của cách mạng Việt Nam, phù hợp với thể chế chính trị – xã hội mà Việt Nam đã lựa chọn. Các thế lực thù địch, đặc biệt là tổ chức phản động Việt Tân dù mãi cố tình,  “nhắm mắt giả mù”,  “bịt tai giả điếc”, rắp tâm thực hiện âm mưu đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp sẽ không bao giờ thành công. Bởi dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay”. Chính vì thế, bất luận trong hoàn cảnh nào, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội  là không thể thiếu được, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong gần 95 năm qua và đã được xác nhận trang trọng trong Điều 4, Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *