Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
50858

Bảo hộ công dân trong đại dịch Covid – 19 Kỳ 1: Bảo hộ công dân trong pháp luật quốc tế

Quyền của một quốc gia được bảo hộ công dân khi họ đang ở nước ngoài là một khía cạnh của luật pháp quốc tế. Trong bối cảnh hiện nay, nhất là những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, việc bảo hộ công dân càng đặt ra cấp thiết đối với mỗi quốc gia. Với Việt Nam, công tác bảo hộ công dân thời gian qua đã được thực hiện tốt nhằm bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương của Ðảng và Nhà nước về giúp đỡ, hỗ trợ công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Bảo hộ công dân về nước với chủ trương không để ai bị bỏ lại phía sau

Chưa có một văn bản nào quy định thế nào là quyền bảo hộ công dân

Pháp luật quốc tế thừa nhận các quốc gia có trách nhiệm bảo hộ công dân của mình. Đây vừa là nghĩa vụ của quốc gia với công dân nước mình, vừa là quyền năng của quốc gia đó với các quốc gia khác trong quan hệ quốc tế. Quan hệ này phát sinh và tồn tại trên cơ sở tôn trọng chủ quyền quốc gia và đều bình đẳng với nhau trong bảo hộ công dân của nước mình. Để thực hiện quyền này, các quốc gia giao cho cơ quan có thẩm quyền bảo hộ trong nước thường là Bộ ngoại giao. Về thẩm quyền bảo hộ ở nước ngoài, theo nguyên tắc chung, thẩm quyền bảo hộ công dân nước mình ở nước ngoài thuộc về các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước cử đại diện tại nước nhận đại diện. Việc bảo hộ công dân do các cơ đại diện thực hiện được ghi nhận trong công ước Viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao và công ước Viên năm 1963 về quan hệ lãnh sự. Trong trường hợp nếu quốc gia đó không trực tiếp bảo hộ công dân của mình được thì có thể uỷ quyền cho một quốc gia khác nếu nước tiếp nhận có thể cho phép.

Hiện nay, chưa có một văn bản nào chính thức quy định như thế nào là quyền bảo hộ công dân mà chỉ cụ thể hoá quyền được bảo hộ về tính mạng, tài sản, danh dự, nhân phẩm khi công dân ở ngoài lãnh thổ một quốc gia mà mình mang quốc tịch. Dưới góc độ khoa học luật quốc tế, bảo hộ công dân là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nước mình ở nước ngoài trong trường hợp các quyền và lợi ích này bị xâm hại hoặc kể cả trong trường hợp không bị xâm hại, bao gồm các hoạt động giúp đỡ về mọi mặt cho họ khi ở nước ngoài.

Cơ sở pháp lý

Điều 6 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ quyền lợi chính đáng của công dân Việt Nam ở nước ngoài”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng về quyền bảo hộ của Nhà nước đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài. Trong trường hợp nếu công dân đó mang nhiều quốc tịch thì chỉ được một quốc gia bảo hộ khi vấn đề cần bảo hộ phát sinh (Điều 5 Công ước Lahaye năm 1930 về xung đột luật quốc tịch).

Các biện pháp bảo hộ rất đa dạng, bao gồm tất cả các hoạt động mà quốc gia thực hiện để giúp đỡ công dân của mình, song phải phù hợp với pháp luật của quốc gia sở tại và điều ước quốc tế có liên quan đã được quốc gia nước cử đại diện và nước nhận đại diện kí kết hoặc tham gia. Thông thường các cơ quan đại diện ngoại giao thực hiện từ các chức năng hành chính đơn giản như cấp hộ chiếu, visa xuất cảnh,… đến những hoạt động phức tạp như đưa vụ việc ra toà án quốc tế, các biện pháp có tính chất “răn đe” để bảo hộ công dân, trả đũa thương mại, cấm vận kinh tế,… Dù ở mức độ nào, các quốc gia cũng đều phải tôn trọng và bảo đảm tuân thủ khuôn khổ pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế có liên quan, chẳng hạn như Hiến chương LHQ, Công ước Viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao, Công ước Viên năm 1963 về quan hệ lãnh sự, Công ước về quyền của người lao động di trú và thành viên gia đình họ năm 1990,…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *