Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
43684

Bảo đảm quyền tự do ngôn luận trên môi trường mạng Kỳ 2: Cơ sở pháp lý và tình hình thực hiện quyền tự do ngôn luận trên mạng xã hội ở Việt Nam

Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước bảo đảm các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân. Tự do ngôn luận đã được xem là quyền hiến định ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946: “Công dân Việt Nam có quyền: tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài” (Điều 10). Điều 25 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 tiếp tục khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”. Bên cạnh đó, chúng ta còn có Luật Báo chí 2016, Luật Tiếp cận thông tin 2016. Có thể nói, khung pháp luật của nước ta về quyền tự do ngôn luận cơ bản là đầy đủ, đồng bộ, tương thích với pháp luật quốc tế về quyền con người. Và giống như các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam cũng có những quy định để hạn chế và ngăn chặn những hành vi lợi dụng tự do ngôn luận, xâm hại tới lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Đặc biệt, sự phát triển nhanh chóng của Internet, nhất là mạng xã hội đã làm xuất hiện những vấn đề mới và đặt ra không ít thách thức cho Nhà nước trong việc giải quyết mối quan hệ giữa đảm bảo tự do ngôn luận và đấu tranh phòng, chống lạm dụng, lợi dụng quyền tự do ngôn luận trong không gian mạng.

Internet và mạng xã hội ở Việt Nam đã trở thành công cụ vô cùng quen thuộc

Nhận thức rõ tầm quan trọng, lợi ích của Internet và mạng xã hội cũng như những hiểm họa từ mặt trái của chúng, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách phù hợp nhằm phát triển Internet và mạng xã hội; đồng thời bảo vệ an ninh mạng và phòng, chống lợi dụng Internet, mạng xã hội để xuyên tạc, chống phá chính quyền, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Trong đó phải kể đến Chỉ thị 28-CT/TW ngày 16/9/2013 của Ban Bí thư (khóa XI) “Về tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng”; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ về “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng”; Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 17/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ “Về tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới”. Văn kiện Đại hội XII (2016) của Đảng nêu rõ: “Chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên Internet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh niên, thiếu niên”. Ban Tuyên giáo Trung ương đã tăng cường chỉ đạo công tác đấu tranh, phản bác các thông tin và luận điệu sai trái, âm mưu, hoạt động lợi dụng Internet, mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ động triển khai công tác phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng Internet, mạng xã hội để vi phạm pháp luật. Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng/Bộ Quốc phòng được thành lập theo Quyết định số 1198/QĐ-TTg ngày 15/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ đóng vai trò nòng cốt trong việc bảo đảm an ninh, an toàn không gian mạng quốc gia, đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao và “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng. Từ Luật Báo chí 2016, Luật Tiếp cận thông tin 2016, và mới đây nhất là Luật An ninh mạng 2018, pháp luật Việt Nam quy định rõ những hành vi đăng tải, phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân đều bị pháp luật xử lý.

Đảm bảo tự do ngôn luận là cần thiết, song thực hiện tự do ngôn luận ở Việt Nam cần hết sức thận trọng bởi các thế lực phản động, thù địch trong và ngoài nước đã và đang lợi dụng tự do ngôn luận để xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước, bôi nhọ, nói xấu chính quyền, gây kích động, hoang mang trong nhân dân, đe doạ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Chẳng hạn, liên quan đến việc thông qua Luật An ninh mạng tháng 6/2018, một số phần tử phản động đã lan truyền trên mạng xã hội thông tin bóp méo, xuyên tạc Luật An ninh mạng, cho rằng luật này “đặc biệt xâm phạm không gian riêng tư”, “vi phạm tư do ngôn luận, báo chí, Internet”[1]. Nhiều người dân không đủ thông tin, thiếu hiểu biết nên dễ dàng tin theo và có những phát ngôn chống đối, cản trở việc thi hành luật. Rồi vụ việc Đồng Tâm ngày 09/01/2020 gây chấn động và chia rẽ trong cộng đồng bởi quá nhiều luồng tin trái chiều trên mạng xã hội. Các thế lực thù địch cũng nhân cơ hội này mà tuyên truyền chống phá chế độ.

Ngoài ra, hiện tượng tung tin giả mạo, sai sự thật trên mạng cũng gây ra nhiều hệ luỵ. Tình hình càng trở nên khó kiểm soát hơn trong thời đại của Internet và mạng xã hội hiện nay. Gần đây nhất, trong khi Nhà nước nỗ lực ngăn chặn, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, có những kẻ lợi dụng tình hình dịch bệnh tuyên truyền thông tin sai trái, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và gây hoang mang dư luận xã hội. Chúng nguỵ tạo bức tranh đen tối về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, phát tán tin giả, dựng chuyện về số người mắc bệnh, số ca tử vong và loan tin tốc độ lây lan dịch bệnh lớn hơn nhiều lần con số Chính phủ công bố, tạo tâm lí sợ hãi cho cộng đồng, làm xáo trộn đời sống xã hội, gây nghi ngờ, mâu thuẫn giữa nhân dân với Nhà nước. Thông qua các thông tin vô căn cứ, các thế lực thù địch đánh vào vai trò lãnh đạo của Đảng, chức năng quản lí của Nhà nước trong xử lý dịch bệnh, vu khống Nhà nước che dấu thông tin, không ngăn chặn dịch bệnh ngay từ đầu, không “đóng cửa hoàn toàn với Trung Quốc”. Không những vậy, rất nhiều đối tượng tung tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh nhằm gây hoang mang trong nhân dân, từ đó trục lợi bất chính[2]. Thông tin thất thiệt đã khiến người dân lo sợ, đổ xô đi mua khẩu trang, lương thực tích trữ, dẫn đến tình trạng găm hàng, thổi giá. Các tiểu thương lợi dụng cơ hội làm giàu trên chính nỗi sợ của cộng đồng. Những hành vi như thế không thể dùng tự do ngôn luận để biện hộ.

Trên thực tế, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đã luôn chỉ đạo sát sao và có các biện pháp quyết liệt đối phó từ khi dịch bệnh mới nổ ra. Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Tiểu ban tuyên truyền của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường đưa tin, hướng dẫn người dân cách phòng ngừa dịch bệnh, không chủ quan nhưng cũng tránh gây hoang mang, lo lắng, cập nhật liên tục diễn biến dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, chỉ đạo các nhà mạng đẩy mạnh tuyên truyền thông tin trên các mạng xã hội của Việt Nam, từ đó giúp người dân hiểu và nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh. Cả hệ thống chính trị cùng toàn quân, toàn dân với tinh thần “chống dịch như chống giặc” đã giúp kiểm soát tình hình dịch bệnh.

[1] Vọng Đức, Không thể lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xuyên tạc, cản trở việc thực thi Luật An ninh mạng, báo điện tử Công an nhân dân, ngày 26/11/2018, http://cand.com.vn/Van-de-hom-nay-thoi-su/Khong-the-loi-dung-quyen-tu-do-ngon-luan-de-xuyen-tac-can-tro-viec-thuc-thi-Luat-An-ninh-mang-521737/

[2] Hà Thanh, Liên tiếp xử lý 6 đối tượng tung tin giả về dịch Covid-19, báo điện tử Kinh tế và đô thị, ngày 8/3/2020, http://kinhtedothi.vn/lien-tiep-xu-ly-6-doi-tuong-tung-tin-gia-ve-dich-covid-19-377097.html

[3] Danh Trọng, Hơn 654 người bị xử lý vì đăng tin thất thiệt về COVID-19, báo Tuổi trẻ Online, ngày 15/3/2020, https://tuoitre.vn/hon-654-nguoi-bi-xu-ly-vi-dang-tin-that-thiet-ve-covid-19-20200315095026411.htm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *