Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
8223

Pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn và bình đẳng giới – Bài 12

Luật xử lý vi phạm hành chính:(1) quy định người vi phạm hành chính là phụ nữ mang thai là tình tiết giảm nhẹ; (2) vi phạm hành chính đối với nhiều người, trẻ em, người già, người khuyết tật, phụ nữ mang thai là tình tiết tăng nặng. (3) Không áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện và phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận. (4) Không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với nữ trên 55 tuổi, nam trên 60 tuổi; người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện; phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận. (5) Không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện; phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận. (6) Quy định nguyên tắc khám người, nam khám nam, nữ khám nữ và phải có người cùng giới chứng kiến.

KẾT LUẬN

Thực hiện Luật Bình đẳng giới và các văn bản pháp luật liên quan, công tác bình đẳng giới đã được những kết quả tích cực, là căn cứ quan trọng để thực hiện phòng, chống tra tấn trên cơ sở giới.

Công tác tuyên truyền pháp luật bình đẳng giới được các cấp, các ngành quan tâm đã truyền tải các kiến thức, nhận thức về giới, bình đẳng giới và pháp luật trực tiếp cho các nhóm đối tượng. Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới đã giúp cho các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, nhân dân thấy rõ thực trạng bình đẳng giới, có những suy nghĩ và hành động tích cực cải thiện nhận thức đúng về bình đẳng giới đối với sự phát triển xã hội, cộng đồng.

Công tác tuyên truyền về bình đẳng giới đã góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành vi của cộng đồng dân cư về giới và bình đẳng giới trong quan hệ đối xử giữa nam và nữ, trong thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình, về vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội; góp phần thay đổi các nhìn nhận, đánh giá về phụ nữ và bản thân phụ nữ tự nhìn nhận đáng giá mình theo hướng tiến bộ. Đồng thời, vấn đề bình đẳng giới cũng được quan tâm thể hiện trong nhiều hoạt động của từng cơ quan và các chương trình, dự án kinh tế – xã hội khác ở các cấp, các ngành, các địa phương.

Bên cạnh kết quả đạt được, còn tồn tại một số hạn chế trong thực hiện bình đẳng giới, như: Tư tưởng, tư duy, nhận thức, thái độ và hành vi mang tính định kiến giới còn tồn tại khá phổ biến trong phần lớn nhân dân và cán bộ, công chức; thiếu thông tin, dữ liệu tách biệt theo giới tính ở tất cả các lĩnh vực; thiếu tài liệu về bình đẳng giới để giúp các chủ thể hiểu rõ và thống nhất về nội hàm của các quy định pháp luật trong lĩnh vực này, phục vụ công tác phổ biến, giáo dục và thực hiện Luật bình đẳng giới có hiệu quả; thiếu nguồn lực để phổ biến, giáo dục pháp luật mang tính chuyên sâu, sau phổ biến, giáo dục có thể thực hiện được ngay những quy định của Luật Bình đẳng giới; thiếu cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức chuyên môn có nhạy cảm giới và trách nhiệm giới; thiếu chuyên gia hiểu biết thấu đáo, toàn diện về giới, bình đẳng giới, Luật Bình đẳng giới và những vấn đề có liên quan; thiếu hướng dẫn kỹ năng lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các hoạt động và trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; phụ nữ hiểu biết những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của mình  hạn chế, còn tự ti, an phận, chấp nhận thiệt thòi; đầu tư cho trẻ em gái trong học tập ở vùng nông thôn, khó khăn, vùng sâu, xa, dân tộc thiểu số chưa có sự cải thiện.

Từ thực tế trên, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện pháp luật về bình đẳng giới, cần triển khai một số giải pháp chính sau đây:

– Tiếp tục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho cán bộ, công chức và người dân.

– Nâng cao chất lượng lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

– Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong việc thực hiện Luật Bình đẳng giới và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành.

– Tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới từ trung ương đến địa phương

– Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *