Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
67711

Tự do báo chí, tự do Internet phải nằm trong khuôn khổ pháp luật, phục vụ sự phát triển của xã hội

Trong một xã hội mà không có tự do ngôn luận, không có tự do báo chí thì như thiếu “dưỡng khí ô xy” và do đó nền dân chủ không thể nuôi dưỡng, không được thể hiện.

Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm

Điều 19, Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền của Liên hợp quốc được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua và công bố theo Nghị quyết số 217, ngày 10/12/1948 nêu rõ: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm; kể cả tự do bảo lưu ý kiến không phụ thuộc vào bất cứ sự can thiệp nào, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận, truyền bá thông tin và ý kiến bằng bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào và không giới hạn về biên giới”.

Các chuẩn mực về tự do ngôn luận, tự do báo chí được quy định trong Công ước Liên hợp quốc về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) tại Điều 19 và 20. Theo đó, Điều 19 Công ước quy định: Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp vào (khoản 1). Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới, hình thức tuyên truyền miệng, hoặc bằng bản viết, in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật hoặc thông qua mọi phương tiện đại chúng khác tuỳ theo sự lựa chọn của họ (khoản 2). Ngoài ra, khoản 3 Điều này xác định quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí không phải là một quyền tuyệt đối mà có thể phải chịu một số hạn chế nhất định được quy định trong pháp luật và là cần thiết để tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác và để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sự bình yên hoặc đạo đức xã hội.

Nội hàm của tự do ngôn luận, tự do báo chí được làm rõ hơn tại Bình luận chung số 34 của HRC đưa ra tại kỳ họp 102 (Geneve, 11-29/7/2011) về Điều 19: Tự do quan điểm và biểu đạt (Freedom of opinion and expression). Theo đó, tự do quan điểm không chịu chế tài đình chỉ quyền theo Điều 4 Công ước ngay cả trong tình trạng khẩn cấp; quốc gia thành viên có nghĩa vụ bắt buộc tôn trọng tự do quan điểm và tự do ngôn luận, tự do báo chí, nội luật hóa Điều 19 vào pháp luật quốc gia một cách nhất quán. Việc hình sự hóa việc duy trì một quan điểm là không phù hợp; sách nhiễu, đe dọa hay kỳ thị một người, bao gồm việc bắt, giam giữ, truy tố hay bỏ tù một người vì lý do những quan điểm họ có thể có là vi phạm khoản 1, Điều 19 Công ước. Mọi quốc gia thành viên phải đảm bảo quyền tự do biểu đạt, bao gồm quyền tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi loại thông tin và ý tưởng bất kể biên giới.

Một nền báo chí hay truyền thông tự do, không bị kiểm duyệt và không bị cản trở là cần thiết trong bất kỳ xã hội nào để đảm bảo tự do quan điểm và tự do ngôn luận, tự do báo chí và thụ hưởng các quyền khác theo Công ước. Các quốc gia thành viên phải đặc biệt quan tâm đến việc khuyến khích một nền truyền thông độc lập và đa dạng. Quốc gia thành viên phải cấp ngân sách theo cách thức không làm ảnh hưởng đến tính độc lập của các phương tiện này.

Quốc gia thành viên phải tiến hành những bước cần thiết để thúc đẩy tính độc lập của những phương tiện truyền thông mới và đảm bảo các cá nhân có thể tiếp cận được với những phương tiện ấy.

Tự do báo chí, tự do Internet phải nằm trong khuôn khổ pháp luật, phục vụ sự phát triển của xã hội

Về giới hạn của quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí: Được phép có hai lĩnh vực để hạn chế quyền này: (1) Tôn trọng các quyền hay uy tín của người khác hoặc để (2) bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự công (ordre public), vì sức khỏe hoặc đạo đức công chúng. Các hạn chế quyền phải được quy định bởi luật.

Ngày nay, quyền tự do báo chí, tư do ngôn luận không đơn thuần chỉ là quyền tự do in ấn, xuất bản các sản phẩm báo chí mà nó đã được mở rộng một cách toàn diện, bao gồm: Quyền tự do hoạt động nghề nghiệp của người làm báo; quyền tự do ra báo, thành lập các cơ quan truyền thông đại chúng; quyền tự do tiếp cận thông tin báo chí; quyền tự do truyền phát thông tin, biểu đạt quan điểm và quyền được bảo vệ và đối xử công bằng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, môi trường mạng Internet. Cần phải nói rằng, lâu nay rất nhiều người vì mục đích nào đó mà thường chỉ nhấn mạnh các quyền tự do làm báo, tự do ra báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí mà quên đi quyền được bảo vệ một cách công bằng, đạo đức trên báo báo chí, truyền thông. Hơn thế nữa, người ta cũng vô tình hay hữu ý mà không nhắc đến vai trò của pháp luật trong điều chỉnh hoạt động báo chí phục vụ cho mục đích chung, hài hòa và phúc lợi của nhân dân trong phạm vi xã hội dân chủ.

Thế giới ngày nay đang chứng kiến và thụ hưởng những thành tựu to lớn của cuộc cách mạng công nghệ thông tin. Internet đang thâm nhập vào cuộc sống hàng ngày của từng con người, từng gia đình; hay rộng hơn là của xã hội và toàn thế giới. Nó đang trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với ngày càng nhiều người, nó tác động một cách trực tiếp làm thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi cá thể, qua đó tác động đến sự phát triển của toàn xã hội. Khi lượng truy cập Internet trên toàn thế giới tăng, số lượng người dùng mạng xã hội cũng tăng. Mạng xã hội (MXH) được đánh giá là một công cụ hữu hiệu, mở ra rất nhiều cơ hội cho các quốc gia chủ động xây dựng và củng cố những giá trị cốt lõi của quốc gia nhằm mang lại những giá trị về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa nhân văn truyền thống. Tuy nhiên, MXH là trang thông tin mở, các hình ảnh, video, clip, bài viết, tin tức… được lưu hành và chia sẻ chính là nội dung của MXH và do chính các thành viên tự sáng tạo ra. Càng nhiều người sử dụng những thông tin trên MXH thì MXH càng trở thành kho lưu trữ nội dung khổng lồ, trong khi việc thực hiện giám sát, kiểm duyệt nội dung, chất lượng những thông tin trên MXH hiện nay còn hạn chế, hầu như phụ thuộc vào trình độ nhận thức, quan điểm của mỗi người tham gia chia sẻ với nhau. Hầu hết các quốc gia đều nhận thức được xu thế phát triển và tầm quan trọng của Internet trong kỷ nguyên thông tin đối với sự phát triển xã hội, và đều có những chính sách phù hợp để khai thác thế mạnh của Internet phục vụ cho lợi ích quốc gia, dân tộc. Về bản chất công nghệ, môi trường Internet là môi trường mở, cho phép người sử dụng được tự do cung cấp, tìm kiếm và sử dụng thông tin. Vì vậy, tùy thuộc vào động cơ, mục đích và nhận thức của tổ chức, cá nhân sử dụng mà thông tin đưa lên Internet là tích cực, hoặc tiêu cực, hoặc thậm chí đi ngược lại lợi ích chính đáng của cộng đồng, xã hội.

Vấn đề cần trao đổi ở đây là khi nói đến quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do Internet như vậy thì tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do Internet có giới hạn không? Có tự do không giới hạn và có tự do tuyệt đối không? Vấn đề này cần được nhận thức thật đúng và thể hiện thật rõ. Đó là không có tự do ngôn luận vô hạn cũng không có tự do báo chí, tự do Internet không giới hạn, mà phải nằm trong khuôn khổ pháp luật, và nó tùy thuộc vào điều kiện lịch sử, hoàn cảnh lịch sử, văn hóa, trình độ phát triển của từng quốc gia. Cần phải khẳng định rằng, tự do báo chí, tư do ngôn luận, tự do Internet là thiêng liêng, là cần thiết cho cuộc sống, là một biểu hiện cho tiến bộ và một yếu tố thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Nhưng tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do Internet chưa bao giờ và không bao giờ là tự do chung chung, tự do cho mọi người, tự do vô bờ bến. Theo thực tế pháp lý ở tất cả các quốc gia trên thế giới, vấn đề có tính nguyên tắc là tự do luôn gắn liền với trách nhiệm, quyền lợi luôn gắn liền với nghĩa vụ. Mối quan hệ phổ biến này nhằm mục tiêu chính đáng và khách quan là đảm bảo cho tự do của mỗi người không làm mất đi hay ảnh hưởng tiêu cực đến tự do của người khác và của cộng đồng. Đây cũng chính là nguyên tắc căn bản mà Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền của Liên hợp quốc đã khẳng định mạnh mẽ. Sau khi xác quyết các quyền tự do và quyền con người nói chung, Điều 29 của Tuyên ngôn này khẳng định: “Khi thực hiện các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ chịu những hạn chế do luật định, nhằm mục đích duy nhất là đảm bảo sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác cũng như đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự xã hội và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Nói cách khác, quyền tự do nói chung, tự do báo chí, ngôn luận nói riêng của mỗi người là thiêng liêng, là quan trọng, nhưng không có nghĩa là vì những quyền đó mà người ta có thể làm gì cũng được. Vấn đề là con người sống trong một cộng đồng xã hội, vì thế, tự do của mỗi con người cụ thể không thể tách rời tự do của cả cộng đồng. Hơn thế nữa, chính sự tự do của mọi người, của cả cộng đồng là điều kiện đảm bảo cho tự do của mỗi người. Vì thế, những quyền tự do của mỗi người không thể không bị hạn chế bởi pháp luật nhằm bảo đảm cho tự do của những người khác, bảo đảm lợi ích chung cho cả cộng đồng. Cũng đơn giản như, muốn lưu thông được trên đường một cách thuận tiện, người ta không thể không tuân thủ luật giao thông.

Không được phép xâm hại lợi ích quốc gia

Trên thực tế, không riêng ở Việt Nam, mà hầu hết các quốc gia tuy có cách tiếp cận không giống nhau về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, nhưng đều có một nguyên tắc cơ bản là việc thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí phải phù hợp với tình hình, điều kiện lịch sử, văn hóa, trình độ dân trí, thể chế chính trị của mỗi nước và không được phép lợi dụng quyền cơ bản này để xâm hại lợi ích quốc gia – dân tộc, làm phương hại danh dự, nhân phẩm người khác và ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức cộng đồng, trật tự xã hội. Điều 11, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1789 của nước Pháp đã quy định: “Tự do trao đổi suy nghĩ và ý kiến là một trong những quyền quý giá nhất của con người. Vì thế, bất kỳ công dân nào cũng có thể nói, viết và công bố tự do; tuy nhiên, họ sẽ chịu trách nhiệm nếu lạm dụng quyền tự do này theo quy định của pháp luật”. Nước Mỹ tuy không ban hành luật riêng về báo chí, nhưng có nhiều điều luật khác của quốc hội, quy định có tính pháp lý của tòa án cũng đưa ra những giới hạn nhất định đối với báo chí, đối với quyền và trách nhiệm của công dân liên quan đến báo chí nhằm tránh xâm hại đến an ninh quốc gia. Khoản 2, Điều 29 Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền năm 1948 nêu rõ: “Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra nhằm bảo đảm những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn”.

Thế giới từng có những bài học về việc báo chí đi quá giới hạn tự do cho phép, nên phải giá rất đắt. Tháng 9/005, tờ báo Jyllands-Posten (Đan Mạch) đăng tải 12 bức tranh biếm họa về đấng tiên tri Muhammad của Hồi giáo. Sau đó, bức tranh biếm họa này tiếp tục xuất hiện trên nhiều tờ báo ở Pháp, Na Uy, Hà Lan, Italy, Tây Ban Nha. Vụ việc đã gây nên một làn sóng phẫn nộ mạnh mẽ của những người theo đạo Hồi trên toàn thế giới dẫn đến nhiều hậu quả xấu. Tháng 7/2011, tờ News of the World (Tin tức thế giới) của nước Anh đã phải đình bản vĩnh viễn sau 168 năm hoạt động vì bị công chúng cáo buộc nhiều phóng viên bản báo này đã đột nhập điện thoại của hàng nghìn người dân để “săn tin”. Nhắc lại hai ví dụ trên để thấy, trên thế giới không có quốc gia nào cho phép tự do báo chí, tự do ngôn luận “đứng trên, đứng ngoài” luật pháp và xâm hại đến an ninh quốc gia. Nếu vi phạm điều này, báo chí sẽ bị công chúng tẩy chay và bị những chế tài xử lý thích hợp.

Như vậy có thể khẳng định rằng, mọi quyền tự do, trong đó có tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do Internet đều phải có giới hạn nhất định. Giới hạn này đặt ra để bảo đảm quyền tự do chính đáng cho số đông mọi người, chứ không phải cho một nhóm ít người nào đó nói năng bừa bãi, phát ngôn bạt mạng, thích gì viết đấy, nói và viết chỉ vì động cơ cá nhân ích kỷ, thiên vị mà không vì sự ổn định, đồng thuận chung của xã hội, cộng đồng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *