Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
86060

Có phải Đảng không có năng lực lãnh đạo phòng, chống tham nhũng?

 

Từ sau hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 của Đảng ta (tháng 6-2021) đến nay, các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh công kích, bài xích công tác nhân sự và công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhằm hạ thấp uy tín, vị thế của Đảng và Nhà nước ta.

Điệp khúc cũ, chiêu trò mới

Những điệp khúc như  “Đảng Cộng sản Việt Nam không đủ uy tín lãnh đạo đất nước”, Đảng, Nhà nước “có tội với dân”, đã “tham nhũng nặng nên không đủ năng lực lãnh đạo đất nước”, “không thể phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” bởi tham nhũng là “căn bệnh nan y”, không thể chữa trị của “chế độ một đảng độc quyền, toàn trị”. Từ đó, chúng kêu gọi nhân dân vùng lên “chấm dứt chế độ độc tài do một đảng cầm quyền”, “thực hiện chế độ đa đảng, đa nguyên chính trị”. Cùng với đó, thực hiện ngay chế độ “tam quyền phân lập” để kiểm soát quyền lực.

Chúng triệt để khai thác những hạn chế, khuyết điểm của vụ Việt Á, chuyến bay giải cứu và các vụ án tham nhũng khác để thổi phồng “sai phạm của đội ngũ cán bộ, đảng viên”. Vin vào cái cớ: Đảng đã thi hành kỷ luật một số cán bộ có chức, có quyền vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm, đã xử lý pháp luật để quy hiện tượng thành bản chất, coi đó là vấn đề có tính quy luật, mang tính phổ biến của chế độ XHCN và kết luận “Đảng phải rút lui khỏi chính trường, nhường quyền lãnh đạo cho một đảng khác” do chúng dựng lên…

Quan điểm sai trái và thái độ ngạo mạn đã làm chúng “lóa mắt”, rơi vào quan điểm duy tâm, phương pháp siêu hình, “chỉ nhìn thấy cây mà không thấy rừng” nên đã “phủ định sạch trơn” kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng do Đảng ta lãnh đạo. Một số kẻ quá khích cho rằng, “Đảng Cộng sản Việt Nam đã thất bại trong cuộc chiến chống tham nhũng” vì tệ nạn này đang tăng lên mỗi ngày, cán bộ vi phạm kỷ luật “năm sau cao hơn năm trước”, “lò Tổng Trọng củi tươi đang đỏ rực” và chúng phán bừa rằng, chống tham nhũng ở Việt Nam thực chất là “cuộc đấu đá nội bộ” ngày càng thêm tàn khốc, sự “thanh trừng phe phái đang lên cao”, v.v..

Rõ ràng là quan điểm sai trái nguy hiểm nêu trên đã bộc lộ rõ dã tâm đen tối là bôi nhọ thanh danh, hạ thấp uy tín đội ngũ cán bộ của Đảng, gây hoang mang, nghi ngờ, mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, phủ nhận tính ưu việt của chế độ ta. Nõ nằm trong lộ trình các bước đi chuẩn bị cho “một cuộc cách mạng về chính trị”, thúc đẩy bạo loạn lật đổ nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, đón rước giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản về Việt Nam.

Trước đây, khi chúng còn có tổ chức, lực lượng, lại được phương Tây hà hơi, tiếp sức nhưng đã không thể làm gì cách mạng dù điên khùng quậy phá, thì nay âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta của chúng đã bại lộ, được nhân dân cảnh giác cao. Vì thế, chúng càng giở trò xấu xa, thì chúng càng chuốc lấy thất bại, cho dù chúng là ai, được thế lực nào chống lưng bởi làm sai thì phải chịu hậu quả.

Tham nhũng – vấn nạn không của riêng chính thể nào!

Tham nhũng là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi, thu vén cho bản thân, hưởng lợi ích vật chất trái pháp luật “nhờ cậy chức, cậy quyền”, gây hại thiệt cho tài sản nhà nước, tập thể và người khác. Tham nhũng đi liền với suy thoái, tha hóa và biến chất do cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện nên ý thức tổ chức kỷ luật non kém, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng; bị mua chuộc bằng lợi ích vật chất, mê muội vì đồng tiền và quyền lực; bị hạ gục bởi “viên đạn bọc đường của thời cơ chế thị trường”. Tham nhũng và suy thoái là hiện tượng mang tính xã hội, tồn tại trong chế độ còn tồn tại tư hữu, giai cấp và nhà nước, ở mọi quốc gia do quyền lực nhà nước bị thao túng, tha hóa gây ra, không phân biệt chế độ xã hội và thể chế chính trị nào, chế độ đa đảng hay một đảng.

Ai đó cho rằng chế độ một đảng cầm quyền là nguyên nhân sinh ra tham nhũng là hoàn toàn sai lầm, cần học lại lịch sử, nghiên cứu kỹ nguồn gốc gia đình, chế độ tư hữu, giai cấp và nhà nước. Cần nhận thức cho rõ rằng, chế độ một đảng cầm quyền không phải là nguyên nhân sinh ra tham nhũng, tiêu cực, thoái hóa, biến chất trong Đảng và đội ngũ cán bộ của Đảng như ai đó cố tình xiên xẹo, vu cáo.

Hãy nhìn xem tệ nạn tham nhũng đang nhức nhối như thế nào ở các quốc gia thực hiện đa đảng và “tam quyền phân lập” do giai cấp tư sản lãnh đạo. Hãy xem lại một số vụ án tham nhũng ở Hàn Quốc, Malaixia khi nguyên thủ đã dính vào các vụ bê bối tham nhũng như thế nào. Hãy xem bảng xếp loại tham nhũng đối với các quốc gia trên thế giới của Tổ chức Minh Bạch Quốc tế sẽ rõ thứ hạng tham nhũng của từng quốc gia TBCN, khi đó người phán xét sẽ tự nhận biết mình đã đúng hay sai; đúng sai ở cấp độ nào.

Công cuộc chống tham nhũng của Việt Nam có thất bại?

Trong những năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo của Đảng rất được lòng dân, đã đạt nhiều kết quả quan trọng, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, tạo hiệu ứng tích cực và lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược, được cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận.

Thành công lớn, rất đáng trận trọng, tự hào của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta là đã phát hiện và xử lý tham nhũng một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả với tinh thần “chặt cành sâu mọt để cứu cây”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, cấp chức như thế nào và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào.

Ai đó cho rằng cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không hiệu quả, “đã thất bại” có thể là người đó mù chữ hoặc biết chữ nhưng đã cố tình “đội mũ ni che tai”, nhắm mắt làm ngơ, phớt lờ kết quả 10 năm chống tham nhũng giai đoạn 2012 – 2022 của Đảng, Nhà nước ta. Không cần nhiều lời, chỉ cần nghe lại, xem lại bản báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012-2022 đã công bố ngày 30-6-2022 trên các phương tiện thông tin đại chúng sẽ tường tận “gốc gác mọi vấn đề” bởi các con số biết nói, biết xui khiến ai mơ hồ “tỉnh ngộ”, phải tự “giảm âm thanh, văn nhỏ còi, tắt tiếng”.

Bước ngoặt ?

Ai cũng biết rõ chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Đảng ta đã thi hành kỷ luật hơn 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (cao hơn gấp 4 lần so với nhiệm kỳ khóa XI và bằng gần một nửa số cán bộ cấp cao bị xử lý của nhiệm kỳ khóa XII), trong đó có 10 Uỷ viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng. Đây là một bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng. Văn bản còn ghi, sự thật minh chứng. Sự lắm lời, nói lấy được làm sao có thể bác bỏ hiện thực khách quan, sự thật bày ra trước mặt, tự nó nói thành lời.

Một trong những bước tiến dài trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là các cấp, các ngành đã từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng nhờ bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch và ngày càng dân chủ, công tâm, đúng nguyên tắc, đúng quy trình, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng chặt chẽ. Vì vậy, tình trạng chạy chức, chạy quyền, cục bộ, địa phương, “thân quen”, “cánh hẩu”, “lợi ích nhóm” đã giảm hẳn.

Cùng với đó, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng được tăng cường nên nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được nâng lên. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII, mới đây, ở các địa phương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được thành lập và nhanh chóng đi vào hoạt động, đạt được những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ.

Cho đến nay, hầu như không còn tình trạng “quyền anh, quyền tôi”, “cua cậy càng, cá cậy vây” như trước, vụ án “Việt Á” vừa làm gần đây là một ví dụ điển hình. Điều đó đã bác bỏ quan điểm không đúng cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, làm “chậm” sự phát triển đất nước. Sự thật này đang bày ra trước mắt, thế mà người ta “đổi trắng thay đen”, từ xuyên tạc đến vu khống, kết tội Đảng, Nhà nước ta “tha hóa”, “biến chất”, “không còn khả năng lãnh đạo phòng, chống tham nhũng”, nghĩ mà nực cười.

Đây là cơ sở lý luận – thực tiễn sinh động, đầy tính thuyết phục để bác bỏ những luận điệu sai trái cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là do Đảng ta “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”, “thanh trừng lẫn nhau”.

Thực tế chỉ ra rằng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm”, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm, đã rơi vào chủ nghĩa cá nhân, lầm đường, lạc lối, sợ bị lộ mặt, khuyết điểm nên “thủ tiêu đấu tranh”.

Ai đó cho rằng Đảng không đủ năng lực lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vì “trên nóng dưới thì lạnh”, “trên dưới không đồng lòng”, “dọc ngang không thông suốt” là sai lè lè. Sự thật hiển nhiên là chẳng có người dân nào tin, theo đuôi luận điệu ấy bởi họ đều đã rõ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ cấp bách, rất quan trọng, nhưng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải tiến hành một cách thận trọng, kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, “không nghỉ”, “không ngừng” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; không thể làm xong một sớm một chiều.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *