Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
54246

Hiện thực hóa Công ước CERD Kỳ 2: Tiếp cận dựa trên các quyền

Gia nhập Công ước CERD vào năm 1982, Việt Nam tuân thủ các nguyên tắc, quy định chính của Công ước, nội luật hóa và hiện thực hóa các nguyên tắc và tiêu chuẩn về quyền phổ biến và đặc thù của dân tộc thiểu số (DTTS) trong quản lý nhà nước và trong các Chương trình phát triển kinh tế – xã hội (KTXH) của quốc gia.

Tiếp cận dựa trên các quyền

Về đảm bảo các quyền tiếp cận giáo dục cho người dân vùng DTTS&MN: CTMTQG đưa ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, học trung học cơ sở trên 95%, học trung học phổ thông trên 60%; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông viết thạo tiếng phổ thông trên 90% và với nhiệm vụ phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được đưa lên đầu tiên trong các nhiệm vụ và giải pháp lĩnh vực xã hội đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong bảo đảm quyền được tiếp cận giáo dục cho người dân vùng DTTS&MN. CTMTQG tập trung: Quy hoạch phát triển hợp lý mạng lưới, quy mô các trường phổ thông dân tộc bán trú, phổ thông dân tộc nội trú và dự bị đại học dân tộc; đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, dự bị đại học dân tộc cho các khu vực: Miền núi phía Bắc; Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên; Nam Bộ. Đổi mới phương thức cử tuyển nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực cho vùng đồng bào DTTS&MN; Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để giữ vững thành quả phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập trung học cơ sở, xóa mù chữ và chống tái mù chữ; Phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục vùng đồng bào DTTS&MN; Đầu tư, phát triển cơ sở vật chất trường, lớp các cấp học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; Hoàn thiện và thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người dạy, người học vùng đồng bào DTTS&MN. CTMTQG tập trung phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nhân lực và giải quyết việc làm.

Bảo đảm các quyền kinh tế văn hóa xã hội cho đồng bào DTTS

Chăm sóc sức khỏe và đảm bảo tiếp cận các dịch vụ y tế cho người dân vùng DTTS&MN là một trong những ưu tiên của Đảng và Nhà nước ta đã được cụ thể hóa trong CTMTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTS&MN giai đoạn 2021-2030. Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Thực hiện chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe và dân số cho đồng bào DTTS theo 3 nhóm: Ưu tiên giải quyết các vấn đề sức khỏe của đồng bào DTTS; Tăng cường khả năng tiếp cận cũng như cung cấp dịch vụ y tế, dân số có chất lượng cho đồng bào; Giảm gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe cho người nghèo và đồng bào DTTS. Trong đó quan tâm thực hiện một số chính sách cụ thể: bảo hiểm y tế; đầu tư cho y tế cơ sở, bệnh viện huyện vùng đồng bào DTTS&MN; chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS sinh con đúng chính sách dân số; chính sách khuyến khích đồng bào DTTS sinh con tại cơ sở y tế xã; chính sách phát triển mạng lưới nhân viên y tế thôn, bản; chính sách phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số tại vùng đồng bào DTTS&MN… Tăng cường hướng dẫn các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, tăng cường truyền thông về các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, vấn đề bình đẳng giới, tác hại của tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Triển khai các chương trình tiêm chủng mở rộng, dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, khơi dậy các phong trào luyện tập thể dục, thể thao, có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức khoẻ, tầm vóc, thể lực của người dân vùng đồng bào DTTS&MN. Đầu tư xây dựng và hỗ trợ trang thiết bị cho các cơ cở y tế kết hợp quân-dân y để khám bệnh, chữa bệnh cho người dân vùng đồng bào DTTS&MN; Tiếp tục quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế vùng đồng bào DTTS&MN, trong đó chú trọng đào tạo cán bộ có trình độ chuyên sâu, đặc biệt là cán bộ DTTS người địa phương.

Về đảm bảo các quyền văn hóa: CTMTQG đưa ra mục tiêu đến năm 2025 là bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; 80% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 50% thôn có đội văn hóa, văn nghệ (CLB) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng. Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS ở Việt Nam; huy động nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các DTTS Việt Nam; Phát triển toàn diện văn hóa DTTS; giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa thông qua bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào DTTS. Xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, tạo điều kiện để nhân dân tham gia vào công cuộc xây dựng đời sống văn hóa mới, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân vùng đồng bào DTTS&MN. Bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống tốt đẹp của các DTTS, xây dựng, nhân rộng sản phẩm văn hóa phục vụ phát triển du lịch tại các địa phương. Hỗ trợ xây dựng, tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ, phát huy vai trò làm chủ về văn hóa của đồng bào DTTS, đặc biệt là đối với các chương trình, hoạt động lễ hội và biểu diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống của đồng bào DTTS. Tổ chức hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ đồng bào DTTS. Ưu tiên đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ văn hóa là người DTTS cơ bản đáp ứng được về trình độ, năng lực triển khai các nhiệm vụ ở cơ sở.

Hỗ trợ pháp lý cho người DTTS

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho người DTTS, trong đó có các chính sách bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm cho người DTTS gặp nhiều khó khăn do người DTTS thường sống tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa; số cán bộ, trang thiết bị và kinh phí tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn hạn chế. Do đó, CTMTQG còn tập trung vào truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS&MN: Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng đồng bào DTTS&MN[1]; Cung cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí nhằm tăng cường công tác phổ biến thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị vùng đồng bào DTTS&MN, vùng đặc biệt khó khăn[2]; Xây dựng đội ngũ và tăng cường phát huy vai trò của người có uy tín trên địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN[3]; Trang cấp các phương tiện nghe nhìn hiện đại phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền vận động đồng bào DTTS dành cho các đối tượng đặc thù ở vùng đồng bào DTTS&MN, vùng đặc biệt khó khăn và khu vực biên giới[4];… Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển KTXH và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS&MN.

CTMTQG cũng đưa ra nhiệm vụ tăng cường hợp tác quốc tế, đối ngoại quân sự, đối ngoại biên phòng, đối ngoại công an với các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc để đấu tranh với các hoạt động ly khai, tự trị dân tộc, vượt biên trái phép; đảm bảo an ninh, trật tự tuyến biên giới; phòng chống tội phạm về ma túy, “buôn bán người”; phòng chống khủng bố…

Mục tiêu Cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra trong Mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững đến năm 2030

Phù hợp với thông lệ quốc tế, CTMTQG đưa ra mục tiêu Cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra trong Mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững đến năm 2030 trong đó các mục tiêu về quyền của người DTTS được chú trọng với 15/17 mục tiêu có liên quan đến vùng đồng bào DTTS&MN.

Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền cho người DTTS đặc biệt là từ khi Việt Nam gia nhập Công ước CERD vào năm 1982. Hệ thống văn bản pháp luật, chính sách của Việt Nam được xây dựng và phù hợp với các quy định trong luật pháp quốc tế. Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực phát triển bảo đảm bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS. Nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.

Nhằm thực thi tốt hơn nữa Công ước CERD tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta kiên định chủ trương đã được xác định trong Điều 5 Hiến pháp 2013 ”Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc” (Khoản 2) và “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước” (Khoản 4). Với việc thực hiện thành công CTMTQG sẽ bảo đảm việc thực hiện các quyền phát triển toàn diện cho người dân vùng DTTS&MN

 

[1] Theo nội dung chủ yếu của Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 08/8/2017

[2] Theo nội dung chủ yếu của Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 09/01/2019

[3] Theo các nội dung chủ yếu của Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018

[4] Theo định hướng của Quyết định số 1860/QĐ-TTg ngày 23/11/2017

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *