Vụ án Đồng Tâm: bác toàn bộ kháng cáo, y án tử hình Lê Đình Công, Lê Đình Chức - Ảnh 1.

Các bị cáo tại tòa

Chiều muộn 9-3, sau 2 ngày xét xử, TAND cấp cao tại Hà Nội đưa ra phán quyết đối với 6 bị cáo kháng cáo trong vụ án “giết người”, “chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Theo bản án phúc thẩm, bị cáo Lê Đình Công (57 tuổi), Lê Đình Chức (41 tuổi) bị tử hình; Lê Đình Doanh (33 tuổi) án chung thân, Bùi Viết Hiểu (78 tuổi) án 16 năm tù; Nguyễn Quốc Tiến (41 tuổi) án 13 năm tù cùng về tội giết người; Bùi Thị Nối (63 tuổi) 6 năm tù về tội chống người thi hành công vụ.

Theo HĐXX, từ năm 2003, tại địa bàn xã Đồng Tâm, ông Lê Đình Kình cùng một số người thành lập tổ đồng thuận, dụ dỗ người dân tham gia đòi đất trái phép, vu khống chính quyền, gây rối trật tự công cộng.

Khi biết Công an TP Hà Nội phối hợp lực lượng quân đội triển khai bảo đảm an ninh trật tự tại một số mục tiêu trên địa bàn xã, các bị cáo nhiều lần phản đối, quay video, clip đăng lên mạng xã hội kêu gọi chống đối, tuyên bố “nếu công an về sẽ tiêu diệt 300 – 500 người”.

Sáng 9-1-2020, khi lực lượng công an vào thôn Hoành triển khai biện pháp bảo vệ các mục tiêu, tổ đồng thuận đã ném bom xăng, lựu đạn, dùng dao tấn công, bất chấp việc cơ quan chức năng nhiều lần kêu gọi dừng lại.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, ba chiến sĩ cảnh sát Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy và Dương Đức Hoàng Quân bị ngã xuống hố sâu. Thấy vậy, Lê Đình Chức và Lê Đình Doanh dùng dao nhọn chọc xuống hố, đổ xăng, châm lửa thiêu khiến cả ba chiến sĩ hi sinh.

HĐXX cho rằng nhóm bị cáo Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Quốc Tiến là những người chủ mưu cầm đầu, vừa chỉ đạo các bị cáo khác vừa trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội.

Trong đó, Lê Đình Công là người chủ trì họp tại nhà ông Kình để kích động, lôi kéo, đăng tải clip có nội dung sẽ “bắt giữ và tiêu diệt 300 – 500 người”. Bị cáo cũng là người tham gia chế tạo bom xăng, mua lựu đạn…

Thời điểm xảy ra chống đối, Công thừa nhận đã ném bom xăng, lựu đạn vào cảnh sát. Hành vi của Công gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên không thể giảm nhẹ án tử hình.

Với Lê Đình Chức, bị cáo tiếp nhận chủ trương tấn công lực lượng chức năng và trực tiếp ném gạch, bom xăng, lựu đạn vào cảnh sát; dùng dao chọc và tự tay châm lửa đốt, đổ xăng xuống hố khiến ba chiến sĩ cảnh sát hi sinh.

HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo là vô cùng tàn ác, có sự bàn bạc từ trước. Tòa sơ thẩm xét xử nhóm bị cáo về tội giết người là hoàn toàn có căn cứ, đúng quy định pháp luật.

Hành vi này đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Các bị cáo bất chấp quy định pháp luật, coi thường tình mạng sức khỏe người khác, nhất là người thi hành công vụ.

Hành vi mất tính người, khi thấy các chiến sĩ công an rơi xuống đã châm lửa đốt đến mức không nhận ra thi thể, các nạn nhân bị cháy hóa than toàn thân. Vụ án gây bất bình dư luận, đòi hỏi phải có mức án nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa chung.

Tại tòa phúc thẩm, một số bị cáo xuất trình thêm một số bằng khen, thành tích có công với cách mạng. Tòa ghi nhận các điều này nhưng xét tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, mức án của tòa sơ thẩm đã tương xứng với tính chất, hành vi, đúng quy định pháp luật, đã thể hiện sự khoan hồng, không có cơ sở xem xét giảm nhẹ.

LỜI HỐI HẬN MUỘN MÀNG

Nói lời sau cùng trước tòa, một số bị cáo trong vụ án ở Đồng Tâm bày tỏ sự ân hận, xin giảm nhẹ hình phạt và gửi lời xin lỗi tới gia đình ba chiến sĩ công an hi sinh.

Là người đầu tiên trình bày lời nói sau cùng, bị cáo Lê Đình Công cho rằng mình không bàn bạc, giao nhiệm vụ cho các bị cáo khác. Công cũng phủ nhận không tham gia ba cuộc họp ở nhà bố đẻ là ông Lê Đình Kình, không chống đối lực lượng công an. Công mong được hưởng khoan hồng, nhận mức án tốt nhất.

Bị cáo Bùi Viết Hiểu cho hay năm nay đã 78 tuổi, hai lần bị thương nên sức khỏe rất yếu. Ông Hiểu cho rằng cái sai của mình là biết các bị cáo khác phạm tội nhưng không ngăn cản, nên mong tòa giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với con cháu.

Bị cáo Nguyễn Quốc Tiến mong HĐXX xem xét lại các tình tiết mà mình không làm để chuyển đổi tội danh, giảm nhẹ hình phạt cho mình, sớm trở về với gia đình để làm người hoàn lương. Bị cáo Tiến cũng gửi lời xin lỗi tới gia đình ba chiến sĩ công an hi sinh.

“Dù không trực tiếp gây ra cái chết nhưng bị cáo rất ân hận vì mình có mặt tại hiện trường mà không thể ngăn cản hành vi của các bị cáo khác, khiến các chiến sĩ công an hi sinh”, bị cáo Tiến nói.

Bị cáo Lê Đình Doanh gửi lời xin lỗi đến gia đình ba chiến sĩ hi sinh, mong được hưởng khoan hồng để sớm trở về với gia đình.

Là bị cáo nữ duy nhất, Bùi Thị Nối khi trình bày nói nhiều vấn đề không liên quan nên liên tục bị chủ tọa nhắc nhở. Bà Nối cho rằng “bị cáo ăn chay, không làm gì đáng tiếc, nên nhờ luật sư giúp đỡ”.

Trước đó, tại phần tranh luận, nhiều luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng có dấu hiệu vi phạm tố tụng, vụ án xảy ra ở địa bàn Hà Nội nhưng Công an thành phố Hà Nội lại là đơn vị điều tra nên sẽ không khách quan. Ngoài ra, việc các lực lượng công an tiến vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm có phải là đang thi hành công vụ không cũng chưa được làm rõ. Luật sư đề nghị công khai kế hoạch bảo vệ của Công an Hà Nội.

Đối đáp các vấn đề trên, đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội cho rằng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, vụ án xảy ra ở Hà Nội nên Công an Hà Nội điều tra là đúng thẩm quyền. Hơn nữa, từ khi xảy ra vụ án đã có sự kiểm sát của Viện KSND Hà Nội và các luật sư tham gia nên “không thể nói không khách quan”.

Về việc có phải công an về Đồng Tâm thi hành nhiệm vụ hay không, đại diện VKS cho rằng đây là địa bàn phức tạp từ lâu. Trước thời điểm xảy ra vụ án, Công an Hà Nội đã có kế hoạch đảm bảo mục tiêu, an ninh trật tự ở xã Đồng Tâm.

Khi công an về đến cổng thôn Hoành, các bị cáo với sự chuẩn bị từ trước đã đứng trên nóc nhà ông Kình ném lựu đạn, bom xăng chống đối lực lượng cảnh sát. VKS khẳng định lực lượng chức năng trong trường hợp này đang thi hành nhiệm vụ, nên việc chống đối ở đây là chống người thi hành công vụ.

Đại diện VKS cho hay bị cáo Công, Hiểu là người tổ chức cuộc họp lôi kéo người dân, phân công nhiệm vụ cho mọi người để chống đối. Công quay video và phát trực tiếp trên mạng xã hội tuyên bố chống đối lực lượng chức năng, “giết từ 300-500 người”.

Công và Hiểu còn nhờ Tiến mua lựu đạn để chống đối cảnh sát. Việc không nổ là nằm ngoài ý muốn của các bị cáo, bởi vậy cũng không thể nói Tiến biết là lựu đạn giả nên không liên quan. Ngoài ra còn có các chứng cứ và lời khai của các bị cáo khác khẳng định Công và Hiểu là người tổ chức, tuyên truyền, phân công nhiệm vụ cho đồng phạm.

DƯ LUẬN ĐỒNG TÌNH VỚI BẢN ÁN

Ngay sau khi tòa phúc thẩm tuyên án, trên không gian mạng, nhiều người chia sẻ bản án và thể hiện đồng tình với bản án và bức xúc với cách thức bào chữa, mưu đồ bẻ lái bản chất vụ án của số luật sư tham gia bào chữa cũng như thái đồ thiếu khách quan, chạy tội cho số bị cáo của cơ quan truyền thông nước ngoài, các trang tin phản động.

Hiếu Ngọc