Trên facebook cá nhân của mình cách đây mấy ngày, luật sư Ngô Anh Tuấn (FB “Tuan Ngo”, một trong những luật sư được bị cáo mời bào chữa) – Văn phòng luật sư Ngô Anh Tuấn đăng tải bài viết “Đồng Tâm – Máu, nước mắt và sự hận thù chưa dứt…”, những luận điệu bóp méo bản chất vụ việc kiểu như: Đồng Tâm chưa có cuộc đối thoại nào được diễn ra; chính quyền Hà Nội không có thẩm quyền giải quyết liên quan tới khu vực đất đồng Sênh, nếu có thì thuộc thẩm quyền của Bộ Quốc phòng; phiên tòa xét xử 29 đối tượng chống đối tại Đồng Tâm diễn ra trong thời gian tới, sẽ tạo thêm sự thù hận đối với “người dân Đồng Tâm”…
Với vai trò là luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo trong vụ án xét xử 29 đối tượng tại Đồng Tâm (các bị cáo Nguyễn Quốc Tiến, Nguyễn Văn Quân, Lê Đình Uy, Bùi Viết Hiểu, Lê Đình Quang, Đào Thị Kim), là người đã được tiếp cận, nghiên cứu hồ sơ vụ án, có thể thấy luận điệu của vị luật sư này đang có vấn đề:
Thứ nhất, về việc cho rằng thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất tại khu vực đất đồng Sênh là thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, việc giải quyết của chính quyền Hà Nội là không đúng quy định của pháp luật. Về việc này, tại Thông báo số 611/TB-TTCP ngày 25/4/2019 của Thanh tra Chính phủ về Thông báo kết quả rà soát, kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của Kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP-P5 ngày 19/7/2017 của Thanh tra thành phố Hà Nội đã khẳng định: “Thẩm quyền tiến hành thanh tra và việc Thanh tra thành phố Hà Nội ra quyết định thanh tra thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội là đúng với quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Thanh tra”; “Về việc thực hiện trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra của Thanh tra thành phố Hà Nội… được thực hiện theo đúng quy định của Luật thanh tra, Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16/10/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của Đoàn thanh tra”.
Thứ hai, về luận điệu luật sư Ngô Anh Tuấn cho rằng trong vụ việc tại Đồng Tâm chưa có cuộc đối thoại nào được diễn ra. Nên nhớ, trước khi nổ ra vụ cưỡng chế, bắt khởi tố 4 bị can gây rối TTCC dẫn đến những kẻ cầm đầu Tổ đồng thuận bắt nhốt trái phép 38 cán bộ, chiến sỹ công an, chính quyền xã, huyện đã có vô số lần gặp, giải thích, đối thoại với những kẻ khiếu kiện, gây rối, bản thân nhóm này cũng không ít lần livestream thể hiện thái độ thách thức, phủ nhận việc đối thoại với chính quyền địa phương. Rõ nét nhất, ngày 25/11/2019 khi Thanh tra Chính phủ tổ chức công bố Thông báo số 661 tại UBND huyện Mỹ Đức, UBND xã Đồng Tâm gửi giấy mời tham dự Hội nghị tới người dân xã Đồng Tâm, trong đó có Lê Đình Kình cùng thành viên trong “Tổ đồng thuận” và nhóm công dân khiếu kiện… Không những Lê Đình Kình, “Tổ đồng thuận” và nhóm công dân khiếu kiện không tới tham dự, mà còn có các hoạt động chống đối, chặn xe đạp, xe máy, vật cản tại cổng trụ sở UBND xã Đồng Tâm, ngăn cản xe trở người dân xã Đồng Tâm tới tham dự Hội nghị.
Thứ ba, việc luật sư Ngô Anh Tuấn cho rằng phiên tòa xét xử 29 đối tượng chống đối tại Đồng Tâm diễn ra từ ngày 07/9/2020 và những ngày sau đó, sẽ tạo thêm sự thù hận đối với “người dân Đồng Tâm”. Có thể thấy rõ, luật sư Tuấn đã đánh đồng những kẻ phạm tội giết người với “người dân Đồng Tâm”, phần đông hiện nay đã trở về cuộc sống bình thường, hồ hởi, ủng hộ việc xử lý những kẻ phạm tội này, đang mong đợi phiên tòa được xét xử một cách nghiêm minh, đúng quy định pháp luật, những hành vi vi phạm được xử lý thích đáng, chứ không có chuyện “thù hận” như giọng điệu của vị luật sư này.
Với vai trò là một luật sư, về mặt pháp lý yêu cầu phải đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được khách quan, đúng quy định pháp luật… Nhưng với luận điệu bóp méo, xuyên tạc, vu cáo của vi luật sư này chỉ mang tính một chiều, buộc tội cơ cơ quan tiến hành tố tụng, phủ nhận tính chất vụ việc đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, các cơ quan chức năng cần phải trừng trị nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tuấn Thanh