Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
21642

Quyền chính trị của phụ nữ Việt có được đảm bảo?

Sắp đến Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), các thế lực có thâm thù với Đảng, chế độ ta lại giở trò phê phán quyền của phụ nữ nói chung, quyền chính trị của phụ nữ ở nước ta nói riêng không được bảo đảm. Chẳng hạn ngày 15/10/2022 trên trang Việt Nam Thời Báo có bài: “Quyền chính trị của phụ nữ Việt Nam” của Hà Nguyên viện dẫn: Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) đề ra mục tiêu đến năm 2030: “Phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp. Tỷ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20-25%” hay Chỉ thị số 35-CT/TW (ngày 30/5/2019) của Bộ Chính trị yêu cầu: “Phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ”, từ đó, họ đưa ra kết luận: “Như vậy trong chuyện tỷ lệ này cho thấy quyền chính trị của phụ nữ tham gia chính trường có sự phân biệt, và điều đó nếu nói nặng nề hơn thì đây là chỉ dấu của vi phạm nhân quyền, mà cụ thể là Công ước CEDAW”(!). Thực tế có đúng như vậy?

Như chúng ta đã biết, CEDAW là tên viết tắt của “Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ” đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc phê chuẩn ngày 18/12/1979. Đến nay, theo Ủy ban CEDAW, đã có 186 quốc gia trên thế giới phê chuẩn hoặc ký kết công ước, chiếm hơn 90% thành viên Liên hợp quốc. Các nước phê chuẩn Công ước này được yêu cầu phải đưa bình đẳng giới vào pháp luật quốc gia, bãi bỏ mọi điều quy định phân biệt đối xử trong các luật của mình và ban hành các quy định mới để bảo vệ chống phân biệt đối xử với phụ nữ.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký kết tham gia công ước ngày 29/7/1980 và được phê chuẩn ngày 27/11/1981. Đồng thời, luôn thực hiện nghiêm những điều ước của CEDAW mà Việt Nam là một thành viên. Cho nên, ở Việt Nam không có chuyện “quyền chính trị của phụ nữ tham gia chính trường có sự phân biệt” và không “vi phạm nhân quyền, mà cụ thể là Công ước CEDAW” như họ cáo buộc.

Trước hết, nhìn ở góc độ đảm bảo về mặt pháp lý, chính sách, để thiết lập bình đẳng thực sự giữa nam và nữ, khoản 1 và khoản 3 Điều 26 Hiến pháp năm 2013 của nước ta quy định: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới” và “Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”. Để tạo lập quyền được ưu tiên của phụ nữ, khoản 2 Điều 26 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội”.

Trước đó, ngày 29/11/2006, Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 đã thông qua Luật Bình đẳng giới, tạo ra hành lang pháp lý quan trọng để thực hiện mục tiêu bình đẳng nam nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình; trong đó, có lĩnh vực chính trị. Luật đã nhấn mạnh đến các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong chính trị bao gồm: a) Bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; b) Bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Tiếp đó, ngày 27/4/2007, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW thể hiện rõ quan điểm về công tác cán bộ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: “Xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng”.

Cùng với đó, ngày 24/12/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới  giai đoạn 2011 – 2020 (Chiến lược 2011 – 2020), trong đó xác định 3 chỉ tiêu cụ thể, về cơ bản, bám sát yêu cầu đề ra trong Nghị quyết 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị, để “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị”, v.v.

Với những nỗ lực tích cực nêu trên, sự tham gia của phụ nữ vào đời sống chính trị đất nước đã có sự tăng lên, số nữ Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Trung ương Đảng tăng liên tiếp trong 03 nhiệm kỳ; tỷ lệ nữ Đại biểu Quốc hội khóa XIV tăng 2,3% so với khóa XIII và 01% so với khóa XII. Đặc biệt, lần đầu tiên có Chủ tịch Quốc hội là nữ và có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII. Tính đến hết năm 2017, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội đạt 27,1% cao hơn mức trung bình của toàn cầu (23,4%) và của châu Á (18,6%) và năm 2018 tỷ lệ nữ Đại biểu Quốc hội là 27,2%. Tỷ lệ nữ làm Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội tăng lên (năm 2016 là 23,1%, cao hơn 12% so với năm 2011). Tính đến năm 2017 tỷ lệ số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ là 13/30 (chiếm 43%) và năm 2018 là 14/30, chiếm 47%.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ XIII, cán bộ nữ tham gia cấp ủy cả 3 cấp đều tăng về số lượng và chất lượng. Cụ thể ở cấp cơ sở, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đạt 21% (tăng 2%) so với nhiệm kỳ trước. Đối với cấp trên cơ sở đạt 17% cũng tăng 2%. Đối với các Đảng bộ trực thuộc Trung ương, tỷ lệ nữ đạt 16% và tăng 3% so với nhiệm kỳ trước. Điều đáng vui mừng hơn nữa là có hơn 4.200 cán bộ nữ được lựa chọn, giới thiệu và bầu giữ chức vụ cán bộ chủ chốt trong Đảng và chính quyền ở cả 3 cấp.

Ghi nhận thực tế về quyền chính trị của phụ nữ Việt Nam cho thấy sau khi kiện toàn tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, bộ máy Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ hiện tại có 06 nữ, trong đó có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng 03 ủy viên Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội và 02 thành viên Chính phủ là nữ. Và sắp tới đây dự kiến có thêm gương mặt lãnh đạo nữ thứ bảy (ở tầm quốc gia, có thể gọi là những chính khách) là bà Đào Hồng Lan – Bộ trưởng Bộ Y tế.

Thực tiễn trên chứng tỏ quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam được bảo đảm tốt, tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy, chính quyền không chỉ cao hơn của khu vực châu Á mà còn cao hơn toàn cầu. Thế mà họ vẫn cho rằng, Việt Nam vi phạm quyền chính trị của phụ nữ. Tất nhiên, chúng ta còn tiếp tục phấn đấu để sớm nâng cao hơn nữa tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy, chính quyền các cấp, nhằm rút ngắn khoảng cách và tiến tới nam nữ bình quyền trên mọi lĩnh vực./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *