Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
84506

Chính sách ngoại giao của Việt Nam trong cuộc chiến cạnh tranh Mỹ – Trung Quốc – Nga

 

Trước xung đột căng thẳng trên Biển Đông năm qua, truyền thông phương Tây và zân chủ ồn ào đòi Chính phủ Việt Nam phải “thoát Trung, thân Mỹ”. Nay trước cục diện chiến tranh giữa Nga và Mỹ+ NATO, họ lại ồn ào đòi Việt Nam từ bỏ tư thế trung lập, phải “thoát Trung, bài Nga, thân Mỹ”. Song thực tế, Việt Nam đâu nhất thiết “chọn bên” để tự đẩy mình vào tình trạng nguy hiểm, đổi đầu với bất kỳ bên nào. Chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện nay được đúc rút ra từ chính bài học lịch sử và thực tiễn, cái nhìn khách quan, toàn diện cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn, chủ yếu ở đây là các cực Mỹ-Trung-Nga.

Cạnh tranh địa chiến lược Mỹ – Trung Quốc – Nga đã và đang tác động trực tiếp đến an ninh, hòa bình, phát triển của thế giới và khu vực. Việt Nam sẽ phải chịu tác động của lực “kéo – đẩy” mạnh hơn từ cạnh tranh này. Việt Nam đang có cơ hội để mở rộng, làm sâu hơn nữa không gian địa chiến lược quốc gia, tranh thủ cơ hội và hóa giải thách thức mới để có thể tạo sự chuyển biến, đưa dân tộc bước sang những trang sử mới. Bài học từ Ukcraine và những nước nhỏ và vừa đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc canh tranh khốc liệt này rất hữu ích với Việt Nam

Có thể thấy, trong cuộc canh trạnh này, Mỹ coi cả Trung Quốc và Nga đều là “những mối đe dọa chính. Với sự vươn lên mạnh mẽ trong thời gian qua, Trung Quốc bị Mỹ coi là thách thức toàn diện, trở thành “đối thủ cạnh tranh chiến lược chủ yếu” của Mỹ. Về phía Nga, sức mạnh quân sự và chính sách ngoại giao mạnh mẽ của Nga khiến Mỹ hết sức lo ngại, coi đó là “mối đe dọa an ninh lớn”. Tổng thống Joe Biden sau khi lên nắm quyền đã thực thi Chính sách ngoại giao đa phương, tập hợp đồng minh để bao vây Trung Quốc và Nga.

Cuộc cạnh tranh này ảnh hưởng sâu sắc đến việc hình thành trật tự thế giới mới. Mỹ là siêu cường duy nhất đang tại vị, ra sức bảo vệ trật tự thế giới do mình chi phối, lãnh đạo, còn Trung Quốc và Nga là những cường quốc mới nổi, nỗ lực xây dựng trật tự thế giới mới hợp lý hơn để tối ưu hóa lợi ích quốc gia. Cho dù Mỹ, Trung Quốc và Nga theo đuổi mục tiêu thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế, đa cực hóa thế giới, tôn trọng sự đa dạng giữa các nền văn minh, hay bảo vệ trật tự đơn cực, thì cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước lớn cũng là không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên,  Mỹ sẽ khó thực hiện “phân tách” với Trung Quốc, do mức độ phụ thuộc cao về kinh tế và công nghệ với Trung Quốc. Hơn nữa, nhu cầu chiến lược của Trung Quốc và Nga trong việc phối hợp ứng phó với Mỹ luôn duy trì ổn định trong dài hạn. Nga và Mỹ từng trải qua hai thời kỳ “trăng mật” trong giai đoạn đầu sau khi Liên Xô tan rã và thời kỳ chiến tranh chống khủng bố của Mỹ, nhưng do văn hóa chiến lược mang tính đối đầu và mâu thuẫn mang tính kết cấu về lợi ích chiến lược, khiến hai nước khó có thể duy trì quan hệ thân thiết lâu dài. Trong khi đó, mức độ gắn kết chưa từng có trong quan hệ Trung Quốc – Nga được xây dựng trên cơ sở bối cảnh chiến lược, quan niệm chiến lược và lợi ích chiến lược tương đồng, có động lực nội sinh mạnh mẽ. Việc Mỹ tiến hành bao vây, kiềm chế cùng lúc với cả Trung Quốc và Nga đã làm gia tăng tính ổn định, bền vững của hợp tác Trung Quốc – Nga trong tam giác Mỹ – Trung Quốc – Nga.

Từ cuộc cạnh tranh này dẫn đến ba nước Mỹ, Trung Quốc và Nga có quan điểm trái ngược nhau về xây dựng trật tự thế giới mới đa cực hay đơn cực. Cả Trung Quốc và Nga đều ủng hộ chủ nghĩa đa cực và đa phương, kiên trì vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong các vấn đề quốc tế. Trung Quốc và Nga chủ trương xây dựng hệ thống an ninh chung, duy trì sự ổn định chiến lược quốc tế và phản đối việc Mỹ theo đuổi tư tưởng đơn phương; hai nước cũng có sự nhất trí về xây dựng trật tự kinh tế thế giới, nâng cao vai trò của các nền kinh tế mới nổi, phản đối chính sách cấm vận, chống chủ nghĩa bảo hộ, duy trì thương mại tự do và chống chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, mặc dù có lúc quan điểm và lập trường khá tương đồng, nhưng Trung Quốc và Nga vẫn có sự khác biệt trong quan điểm về xây dựng trật tự thế giới. Nhìn chung, Nga chỉ trích quan điểm của Mỹ và phương Tây về trật tự thế giới một cách trực diện và gay gắt hơn, trong khi Trung Quốc chú trọng “lấy nhu khắc cương”. Tuy nhiên, khi cục diện thay đổi, phong cách ngoại giao của Trung Quốc cũng thay đổi, chuyển sang đấu tranh trực diện. Ngoài ra, Trung Quốc và Nga cũng có quan điểm khác biệt về một số vấn đề cụ thể khác. Chẳng hạn, trong vấn đề cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc và Nga đều ủng hộ việc tăng đại diện của các nước đang phát triển. Tuy nhiên, Nga là nước đi đầu trong việc ủng hộ Ấn Độ và Braxin vào vị trí thường trực, trong khi Trung Quốc giữ lập trường thận trọng.

Cạnh tranh địa chiến lược Mỹ – Trung Quốc – Nga ở cấp độ khu vực cũng như trên toàn cầu tác động đến sự phát triển và an ninh quốc gia Việt Nam theo các chiều hướng khác nhau, cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Các tác động này đan xen, chuyển hóa lẫn nhau, là cơ hội để Việt Nam tận dụng, tranh thủ nâng cao vị thế chính trị, phát triển kinh tế đất nước, nhưng cũng đặt ra những thách thức, đòi hỏi Việt Nam có biện pháp ứng phó phù hợp, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia.

Tác động thuận (cơ hội và thuận lợi)

Một là, trong cạnh tranh địa chiến lược Mỹ – Trung Quốc – Nga, Việt Nam tiếp tục có được môi trường hòa bình, ổn định để tập trung xây dựng, phát triển đất nước. Ở cấp độ khu vực, cạnh tranh địa chiến lược Mỹ – Trung Quốc – Nga có tác động tích cực trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Nam Á. ASEAN tiếp tục duy trì vai trò trung tâm trong tiến trình hợp tác ở khu vực. Ở mức độ khác nhau, các nước Mỹ, Trung Quốc, Nga đều quan tâm và mở rộng hợp tác với Việt Nam. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam tập trung xây dựng, phát triển đất nước. Việc điều chỉnh địa chiến lược của các nước lớn theo hướng coi trọng hơn khu vực Đông Á và Đông Nam Á tạo cho Việt Nam cơ hội tranh thủ các bên, cả trong và ngoài khu vực, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu an ninh và phát triển. Việt Nam nằm ở tâm điểm châu Á – Thái Bình Dương đang phát triển năng động nhất thế giới, ở nút giao thoa của các liên kết kinh tế quan trọng nhất khu vực. Điều này tạo cơ hội thuận lợi lớn, giúp Việt Nam đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Hai là, thuận lợi cho Việt Nam triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, giảm thiểu sức ép của các nước lớn. Xu thế đa cực và dân chủ hóa quan hệ quốc tế tiếp tục phát triển, tạo thuận lợi cho Việt Nam triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, giảm thiểu sức ép của các nước lớn. Việt Nam thuận lợi hơn trong cuộc đấu tranh chống các thế lực thù địch và cơ hội chính trị lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc và tự do tôn giáo can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Xu hướng ưu tiên giải quyết các vấn đề nội bộ của Mỹ và đa số các nước phương Tây; nhu cầu duy trì môi trường hòa bình, ổn định, tập trung đối phó với Trung Quốc, Nga, Triều Tiên… có thể làm giảm mức độ quan tâm của các nước này đối với việc phổ biến các giá trị văn hóa của Mỹ. Việt Nam đứng trước cơ hội thúc đẩy mạnh hơn quan hệ hợp tác trong các vấn đề địa – chiến lược để kiềm chế, đẩy lùi âm mưu, hành động của các thế lực phản động chống phá Việt Nam.

Ba là, Việt Nam có thuận lợi mới trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Những năm tới, cả Mỹ, Trung Quốc và Nga đều can dự vào việc giải quyết các vấn đề của Biển Đông với các cấp độ và hình thức khác nhau nhằm gia tăng sự hiện diện và tầm ảnh hưởng ở khu vực. Mỹ khẳng định các nguyên tắc bảo đảm tự do hàng hải, hàng không, duy trì trật tự pháp lý trên biển, theo dõi chặt chẽ việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo chiếm đóng trái phép. Trung Quốc tập trung đối phó với Mỹ, ưu tiên củng cố các vị trí chiếm đóng, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ gia tăng lôi kéo, xoa dịu các nước có tranh chấp chủ quyền biển, đảo; giữ ổn định mối quan hệ với các nước láng giềng. Trong khi đó, Nga có xu hướng can dự mạnh hơn vào Biển Đông, nhất là thông qua việc hỗ trợ, tài trợ và tăng cường năng lực cạnh tranh cho các nước có tranh chấp chủ quyền. Bối cảnh đó đem lại những thuận lợi nhất định cho Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Tác động không thuận (khó khăn và thách thức)

Một là, những khó khăn mới sẽ nảy sinh cản trở phát triển kinh tế của Việt Nam. Để phát triển bền vững, Việt Nam thực hiện chủ trương cấu trúc lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, kiềm chế, kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng ngay tại các thị trường xuất khẩu chính và có lợi nhất là Mỹ và EU. Việc Mỹ rút khỏi TPP, cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc từng diễn ra quyết liệt, đã, đang và sẽ tiếp tục gây khó khăn, thách thức mới đối với phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của Việt Nam.

Hai là, những khó khăn trong giữ vững ổn định chính trị và bảo vệ chế độ. Các biến động của tình hình thế giới và khu vực; cạnh tranh địa chiến lược Mỹ – Trung Quốc – Nga tạo thêm áp lực và một số khó khăn, phức tạp mới đối với nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ chế độ XHCN. Sự phát triển của trào lưu dân túy trên thế giới khuyến khích và tạo cơ hội cho những phần tử lợi dụng chiêu bài “chính danh, chính nghĩa” để thực hiện các ý đồ chống Đảng, chống chế độ, gây mất ổn định chính trị – xã hội. Các thế lực thù địch chưa từ bỏ âm mưu, hành động “diễn biến hòa bình” và hoạt động can thiệp, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhằm thay đổi chế độ, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua chiêu bài dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo… với nhiều biện pháp tinh vi, xảo quyết và thâm độc.

Ba là, những thách thức, phức tạp mới trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Cạnh tranh địa chiến lược Mỹ – Trung Quốc – Nga và nguy cơ xung đột tại các điểm nóng tiềm tàng, tác động trực tiếp, gián tiếp đến môi trường an ninh của Việt Nam. Các nước ASEAN có mục tiêu chung là xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, song mỗi nước có lợi thế và lợi ích riêng, nên việc củng cố đoàn kết, hợp tác nội khối về những vấn đề chính trị nhạy cảm rất phức tạp, khó khăn. Trung Quốc với sự trỗi dậy mạnh mẽ và điều chỉnh chính sách theo hướng thực dụng, cứng rắn hơn trong các vấn đề lãnh thổ, biển, đảo đang trực tiếp ảnh hưởng đến môi trường, an ninh của Việt Nam, nhất là các lợi ích trên Biển Đông, đòi hỏi Việt Nam phải tính toán kỹ và xử lý đúng đắn các mối quan hệ với các nhân tố: Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản và ASEAN trong bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Đối sách của Việt Nam hiên nay là : (1) vừa củng cố quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ vừa; đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc và Nga, thực hiện “cân bằng” trong quan hệ với ba nước trên nguyên tắc lợi ích dân tộc là tối cao. (2) bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia dân tộc trên cở sở những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc.., thông qua các cơ chế đa phương quốc tế như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC… (3) mềm dẻo, linh hoạt, không để “bị kẹt” giữa các nước Mỹ, Trung Quốc và Nga; kiên trì hợp tác, tranh thủ sự ủng hộ của các nước Mỹ, Trung Quốc và Nga.

Bài học từ lịch sử và diễn biến quốc tế thời gian qua đang chứng minh cho chính sách ngoại giao đúng đắn của Việt Nam: “dĩ bất biến ứng vạn biến”, không để bị đẩy vào thế phải “chọn bên” trong cạnh tranh địa chiến lược Mỹ – Trung Quốc – Nga; nâng tầm ngoại giao đa phương, chủ động đề xuất các sáng kiến kết nối khu vực, sáng kiến bảo đảm an ninh quốc phòng; củng cố, thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực đang định hình để bảo đảm lợi ích của các quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam; nâng cao tiềm lực an ninh – quốc phòng để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích chiến lược của đất nước.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *