Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
28920

Phạm Quý Thọ: một óc cơ hội thừa thãi?

 

Từ năm 2020 đến nay, vì không còn khả năng tổ chức các cuộc biểu tình rầm rộ ở trong nước, nhiều hội nhóm chống chính phủ Việt Nam đã lui về với vai diễn chửi đổng hoặc “phản biện”. Hết ngày này qua ngày khác, họ nằm rình các “cơ hội” xảy đến nhờ diễn biến toàn cầu hoặc quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với phương Tây, rồi nhân đó thúc giục chính phủ Việt Nam chuyển đổi thể chế sang đa đảng, sao cho có thể được phương Tây chấp nhận. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, giác quan cảm nhận cơ hội của họ thường vận hành sai. Bài viết của Phạm Quý Thọ, mang tựa đề “Nhích lại gần Phương Tây hơn vì mục đích tăng trưởng”, được đăng trên trang RFA tiếng Việt hôm  04/12, có thể xem như một ví dụ tiêu biểu.

Mở đầu bài viết, Phạm Quý Thọ bày tỏ niềm tin rằng chính phủ Việt Nam đang tìm cách “nhích lại gần phương Tây” nhằm tìm kiếm quan hệ buôn bán và đầu tư, để có thể giữ tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức 6-6,5% như mục tiêu mà Quốc hội Việt Nam đã ấn định, trong bối cảnh suy thoái toàn cầu do hậu quả của các cuộc xung đột quân sự và dịch COVID-19. Từ giả định đó, ông Thọ thúc giục chính phủ Việt Nam chuyển đổi thể chế theo hướng dân chủ đa đảng, đồng thời thừa nhận quyền thành lập các công đoàn độc lập ở Việt Nam, để có thể được Mỹ công nhận là một nền kinh tế thị trường, và để thu hút đầu tư từ các tập đoàn nước ngoài. Ông Thọ cũng viện dẫn các tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam với Trung Quốc, và việc Trung Quốc đang suy yếu trong cuộc cạnh tranh ngôi siêu cường với các nước phương Tây, để củng cố kết luận rằng Việt Nam cần “nhích lại gần phương Tây” nhằm lấy phương Tây làm chỗ dựa khi đối đầu với Trung Quốc.

Cơ sở để ông Thọ đưa ra lập luận như trên là:

– Thứ nhất, ông Thọ lưu ý rằng kỳ họp thứ 6 Quốc Hội khoá 15, vốn xoay quanh một số nghị quyết về thúc đẩy tăng trưởng, hoàn thiện và thực thi các chính sách cải cách thể chế, đã diễn ra “trong khi ông Chủ tịch nước công du Tokyo để nâng cấp quan hệ Việt Nam – Nhật Bản lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” và Thủ tướng Chính phủ có chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) để … xúc tiến đầu tư”.

– Thứ hai, ông Thọ cho sau Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 13 năm 2021, xu hướng mở cửa đã ‘năng nổ’ hơn” với nhiều tiếp xúc ngoại giao giữa Việt Nam với nước ngoài, trong đó nổi bật là khuynh hướng “nhích lại gần phương Tây”, “đặc biệt là việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện với Hàn Quốc cuối năm 2022, với Mỹ từ tháng 9 và với Nhật Bản mới đây vào cuối tháng 11”.

Phân tích vừa nêu của Phạm Quý Thọ chứa đầy những lỗi sai kỳ quặc.

Thứ nhất, trong các quốc gia vừa kể, chỉ có Mỹ là một nước phương Tây. Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nước Đông Á, còn Thổ Nhĩ Kỳ và UAE là hai nước Hồi giáo Trung Đông. Trong số đó, Thổ Nhĩ Kỳ là một nước khá gắn bó với Nga trong xung đột Nga-Ukraine, còn UAE đang là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trên thị trường thế giới. Dù bốn nước vừa nêu đều ít nhiều là đồng minh của Mỹ trên một vài phương diện nào đó, chắc chắn những phương diện đó không gắn liền với chế độ dân chủ đa đảng hay lý tưởng nhân quyền kiểu phương Tây, tức là thứ dẫn hướng những cải cách mà Phạm Quý Thọ đang đặt ra. Chẳng hạn, UAE là một nước quân chủ có điểm số rất thấp trên các bảng xếp hạng về “nhân quyền” của phương Tây.

Thứ hai, thực ra các chuyến thăm đối ngoại con thoi diễn ra từ năm 2021 đến nay không hề cho thấy Việt Nam đang muốn “nhích lại gần phương Tây” nhiều hơn sau Đại hội Đảng thứ 13. Sẽ hợp lý hơn nếu nói rằng sự trì hoãn các chuyến thăm đối ngoại thời COVID-19 đã khiến lượng chuyến thăm gia tăng trong một, hai năm sau đó. Cần nhớ rằng ngay trước dịch bệnh, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với thế giới đã tăng tốc với việc ký kết hiệp định CPTPP và EVFTA. Như vậy, thực ra không có chỉ dấu rõ ràng nào cho thấy Việt Nam đang nóng lòng “nhích lại gần phương Tây”, và cơ hội mà Phạm Quý Thọ tìm kiếm là tự huyễn hoặc.

Cũng như nhiều gương mặt “cơ hội chính trị” khác, Phạm Quý Thọ muốn lợi dụng một chuyển biến trong quan hệ đối ngoại và đẩy mạnh hội nhập vào thị trường toàn cầu của Việt Nam, trong đó có điều khoản Việt Nam cam kết về việc cho phép thành lập các tổ chức công đoàn độc lập. Do vậy trong 5 năm trở lại đây, họ đã liên tục thành lập các tổ chức phản động đội lốt “công đoàn độc lập”, như “Nhóm bạn Công nhân” hay “Nghiệp đoàn Độc lập”…, nhưng hầu hết các tổ chức như vậy đã sớm chết yểu vì xa rời công nhân, và chỉ muốn lợi dụng công nhân cho những mục đích đen tối. Vì vậy, óc cơ hội của Phạm Quý Thọ có thể chỉ đang mua vui cho truyền thông phương Tây, giới cờ vàng và bản thân ông ta, chứ chẳng có ảnh hưởng gì đến thời cuộc.

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *