Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
24137

Màn lên đồng phơi bày thiển cận của Việt Tân khi xuyên tạc chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình

Từ nhiều năm nay, giới cờ vàng ở hải ngoại đã không ngừng tung ra các bài viết quy chụp rằng chính phủ Việt Nam đang “quy phục”, “chấp nhận lệ thuộc” vào Trung Quốc. Họ xem chiến lược tuyên truyền này như một mũi tên trúng hai con chim: vừa lợi dụng tâm lý bài Trung Quốc để kích động người dân chống chính phủ Việt Nam, vừa thúc giục chính phủ Việt Nam kết đồng minh quân sự với Mỹ để chống Trung, từ đó dần lệ thuộc vào Mỹ về mọi mặt, và buộc phải thay đổi thể chế chính trị theo hướng Mỹ muốn, từ đó mở đường cho họ về nước giành quyền lực. Vì vậy, bắt đầu từ khi nghe ngóng thấy thông tin về chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, các trang cờ vàng đã mở chiến dịch tuyên truyền chống chính phủ Việt Nam. Cũng như mọi khi, các bài viết của họ chứa đầy những lời bịa đặt ác ý.

Ta hãy lấy một bài viết được đăng trên fanpage của Việt Tân hôm 13/12 làm ví dụ. Trong bài này, Việt Tân rằng dù cuộc gặp với ông Tập Cận Bình diễn ra ở Việt Nam, biển tên của các quan chức xuất hiện trong phòng họp đều ghi tiếng Trung Quốc. Dựa vào bức ảnh chứng minh, mà Việt Tân cắt ra từ clip ghi lại bản tin thời sự, các nhà chống cộng cờ vàng đã hô hoán rằng đây là bằng chứng cho thấy chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy quá trình “hán hoá”, để biến Việt Nam thành một tỉnh của Trung Quốc. Họ không nhận ra, hoặc cố tình không biết rằng đây chỉ là thủ thuật cắt cúp thông tin, nhằm khiến người đọc hiểu sai bản chất của sự việc.

Nếu nhìn ảnh chụp toàn cảnh phòng họp được dùng trong cuộc gặp giữa quan chức hai nước, ta sẽ thấy giới chức Việt Nam và Trung Quốc ngồi thành hai dãy bàn đối diện nhau. Mọi biển tên của các quan chức Trung Quốc đều viết bằng tiếng Việt, và ở phía đối diện, mọi biển tên của các quan chức Việt Nam đều viết bằng tiếng Trung Quốc. Đây là một lối bài trí hợp lý để những người tham dự cuộc gặp biết danh tính của nhau và dễ dàng giao tiếp, trong điều kiện Việt Nam và Trung Quốc dùng hai loại ký tự khác nhau. Lối bài trí tương tự đã không cần thiết trong các cuộc đón tiếp giới chức phương Tây, nơi cả hai bên tham dự đều dùng ký tự alphabet.

Trong một bài viết khác được đăng vào cùng ngày, Việt Tân phán như lên đồng mà không cần kiểm chứng thông tin: “Thời xưa, nước ta chưa bao giờ mời Trung Quốc mà chỉ đánh đuổi Trung Quốc khi họ có mưu đồ xâm lược; thời nay, Trung Quốc vẫn tiếp tục có mưu đồ xâm lược nước ta, nhưng không những không đánh đuổi mà còn lạy lục rước vào và tự nguyện xin làm nô lệ”. Xin hỏi Việt Tân: mỗi lần Tập Cận Bình sang thăm Mỹ theo lời mời của Washington, phải chăng nước Mỹ cũng đang “lạy lục” rước Trung Quốc vào để “tự nguyện xin làm nô lệ”? Việt Tân là tổ chức chính trị như tự xưng hay một đám hàng tôm hàng cá, mà sẵn sàng đánh đồng một cuộc gặp ngoại giao ngang hàng giữa hai quốc gia độc lập với một sự ngoại thuộc? Những bài viết kiểu này cho thấy Việt Tân vẫn mang dáng dấp của một tổ chức chuyên kích động phá hoại bằng thủ đoạn dân tuý, dù họ không còn công khai theo đuổi đường lối khủng bố vũ trang như hồi cuối thế kỷ trước.

Chúng cũng cho thấy Việt Tân rất thiếu kiến thức lịch sử. Họ không biết rằng trong hầu hết dòng lịch sử, trừ phi Trung Quốc đang suy yếu vì biến loạn, hầu hết các triều đại của Việt Nam đều tìm cách thiết lập một quan hệ ngoại giao ổn định với Trung Quốc, thường là trong những tư thế thiếu độc lập hơn nhiều so với nước Việt Nam hiện tại. Đơn cử, sau khi đánh đuổi quân Thanh về nước, vua Quang Trung cử đoàn sứ bộ đem đồ cống phẩm sang Trung Quốc chầu Càn Long để xin phong vương. Các triều đại phong kiến trước đây cũng lệ thuộc vào Trung Quốc về mặt văn hoá một cách nặng nề, khi họ dùng chữ Hán làm ngôn ngữ hành chính và ngôn ngữ văn chương chính thống. Bước sang thế kỷ 20, chính phủ Bảo Đại – Trần Trọng Kim mà giới chống cộng cờ vàng ngưỡng mộ cũng viết thư xin Tưởng Giới Thạch công nhận Đế quốc Việt Nam mà không được, vì khối đồng minh từ chối công nhận các chính thể từng hợp tác với phát-xít Nhật trong Thế Chiến II. Việt Nam Quốc dân Đảng, một đối tượng ngưỡng mộ khác của giới chống cộng cờ vàng, thì mời quân Tưởng sang chiếm đóng Việt Nam theo đúng nghĩa. Ngần ấy ví dụ cho thấy qua nhiều triều đại khác nhau, Việt Nam và Trung Quốc đã liên tục duy trì một mối quan hệ phức tạp, không thể quy giản thành hai đối cực “đánh đuổi – rước về” như cái nhìn thô thiển của Việt Tân. Vừa thiếu trung thực khi đưa tin, vừa thiếu hiểu biết về lịch sử Việt Nam, Việt Tân nói riêng và giới cờ vàng nói chung không có tư cách nhân danh lòng yêu nước và tinh thần độc lập khi tuyên truyền chính trị.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *