Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
22885

Luận án tiến sĩ về áo ngực và sự chế nhạo đáng xấu hổ!

Gần đây, khi một nghiên cứu sinh Trường đại học Bách khoa Hà Nội chọn làm luận án tiến sĩ về đề tài áo ngực, và dấy lên dư luận xôn xao trong cộng đồng mạng, một trào lưu trên mang dưới sự dẫn dắt tích cực của một số kẻ tự xưng cấp tiến, dân chủ đã không bỏ lỡ cơ hội này để tuyên truyền. Trên fanpage của đảng Việt Tân, ta có thể bắt gặp một loại bài viết viện dẫn luận án này để nhạo báng nền giáo dục Việt Nam, với lý cớ rằng đó là một đề tài bôi bác, đáng xấu hổ. Nhưng thực tế có phải như thế không?

Việc nghiên cứu áo ngực đáng xấu hổ, hay việc xem thường một nghiên cứu có ý nghĩa với phụ nữ như vậy mới là đáng xấu hổ?

Trước khi trả lời câu hỏi này, phải xem nghiên cứu đang được đề cập có nghiêm túc và cần thiết hay không. Nghiên cứu này là luận án tiến sĩ ngành Công nghệ Dệt may, có tiêu đề “Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực”. Đây là luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung, công tác tại khoa công nghệ may và thời trang Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên. Hai người hướng dẫn là PGS.TS Nguyễn Nhật Trinh và PGS.TS Nguyễn Thị Lệ.

Như vậy, đây là nghiên cứu của một ekip toàn nữ giới về một vấn đề rất có ý nghĩa với phụ nữ, là độ tiện nghi của áo ngực. Trả lời báo Tuổi Trẻ, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Đại học New South Wales) đã nói rằng ngực và áo ngực của người phụ nữ đang là đề tài của nhiều nghiên cứu nghiêm túc trên thế giới. Chẳng hạn, Trường đại học Công nghệ Sydney (UTS) cũng có những luận án với chủ đề tương tự. Chủ đề này chẳng có gì lạ hoặc thiếu nghiêm túc, chính những ý kiến chế nhạo, dè bỉu nó mới là lạ và thiếu nghiêm túc.

Trên Facebook, thạc sĩ Nguyễn Thu Quỳnh, công tác tại Viện Khoa học Xã hội Việt Nam viết:
“Luận án tiến sĩ áo nịt ngực quá cần thiết.
Thế nhưng người ta cười rộ lên chế nhạo, một phần có lẽ do thiếu hiểu biết, quen phán xét khi chưa đọc nghiên cứu; một phần quan trọng hơn là do bầu vú ít được thảo luận, nghiên cứu một cách nghiêm túc.
Mấy tỉ người phụ nữ, ai không mong muốn một chiếc áo lót nâng bầu vú một cách mềm mại, ôm khít mà gọng không đau, thấm hút mồ hôi không gây bí bức?
Để thiết kế phù hợp với từng vóc người, từng form vú tròn hay bẹt, nhỏ hay to, đòi hỏi phải hiểu nhân trắc học hình thể, đa dạng các bầu vú, thoát khí thoát ẩm của vải, khả năng nâng đỡ của dây…
Không chỉ nghiên cứu nhóm phụ nữ trẻ mà còn cần phải nghiên cứu vú phụ nữ ngoài ba mươi, trung tuổi, vì khi cơ, mỡ không còn săn chắc, áo lót càng trở nên quan trọng. Nghiên cứu áo lót phụ nữ khi làm các công việc khác nhau, vì mỗi điều kiện làm việc khác nhau đổ lượng mồ hôi khác nhau, ở nhà khác với ở công sở, ngoài trời, bể bơi.
Nhưng phần lớn các vấn đề về vú và về các vùng cấm, về sức khỏe sinh sản nữ vẫn thường bị lãng quên so với nghiên cứu về nam giới. Chẳng hạn, số lượng nghiên cứu về rối loạn cương dương (ảnh hưởng đến 19% nam giới) nhiều gấp 5 lần so với hội chứng trước kinh nguyệt như kiểu đau bụng kinh, đau thắt lưng hành đến 90% phụ nữ.
Có lẽ bởi vì trước nay, chủ yếu nhà nghiên cứu, bác sĩ là nam giới, không phải vì họ không muốn nghiên cứu nữ, mà vì họ không đủ hiểu về cơ thể nữ, nhiều vấn đề quan trọng với nữ nhưng nam lại không cho là cần coi trọng.
Các nhóm nghiên cứu nữ có khả năng phát triển các phương pháp điều trị y tế mang lại lợi ích cho phụ nữ cao hơn 35% so với các nhóm nghiên cứu nam nhưng ngay cả ở Mỹ thì trong số người nghiên cứu ra được tới bằng sáng chế chỉ có 13% là nữ. Thậm chí trước năm 1994 người ta còn không đo lường được tác dụng, tác động phụ của thuốc trên riêng nhóm phụ nữ vì không thử nghiệm lâm sàng trên phụ nữ.
Quay trở lại với bầu vú, vú là một phần cơ thể của người phụ nữ, xứng đáng được trân trọng, được nghiên cứu kỹ lưỡng cả về nhân học hình thể, bệnh học một cách nghiêm túc để phụ nữ được thoải mái hơn, chăm sóc tốt hơn.
Không phải lúc nào vú cũng chở gánh nặng tình dục hay trách nhiệm nuôi nấng thế giới này.
Đối với từng cá nhân, bầu vú là một phần máu thịt. Nhưng về mặt hình ảnh và biểu tượng thì vú đứng giữa nhiều khái niệm, khi thì được tôn vinh tụng ca, thần thánh hóa, khi thì dung tục hóa.
Vú nuôi nấng những đứa trẻ, tương lai của thế giới này, nên trở thành cội nguồn thiêng liêng, nhưng vú gợi cảm kích thích trong đời sống dục tình, cũng bị thương mại hóa, bị lạm dụng. Cách làm kinh doanh lạm dụng hình ảnh bầu vú gợi dục để thu hút khách hàng, đặc biệt là khách hàng nam giới đến giờ vẫn thịnh hành.
Riêng về áo ngực, cũng là cả trường đoạn lịch sử, từ chiếc áo yếm thoáng mát cho đến chiếc cooc-xê nịt ngực đau đớn đến gãy xương sườn, từ chỗ che kín mít đến chấp nhận hở hang.
Bầu vú phức tạp như thế, tại sao không nghiên cứu nghiêm túc.”

Từ những ý kiến vừa nêu của người có chuyên môn, ta thấy sự chế nhạo, dè bỉu của những kẻ nhân danh tiến bộ, văn minh, dân chủ chỉ cho thấy họ thiếu hiểu biết và đầy định kiến giới. Khi họ coi cơ thể phụ nữ là bẩn thỉu, đáng xấu hổ, và không thể cung cấp đề tài cho một nghiên cứu nghiêm túc; ta buộc phải nhìn nhận rằng họ rất thiếu ý thức về sự bình đẳng – một trụ cột cốt yếu của nhân quyền. Họ đang đấu tranh cho nhân quyền hay đấu tranh để trả thù, đó là điều cần xem xét.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *